Thiếu giáo viên vì đâu nên nỗi?

Hải Bình,
Chia sẻ

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mới, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên.

Chương trình GDPT 2018 được công bố năm 2018, lộ trình thực hiện từ năm 2020 - 2021 với lớp 1 theo hình thức cuốn chiếu; các văn bản chỉ đạo chuẩn bị điều kiện thực hiện được ban hành sớm. Quỹ thời gian chuẩn bị không nhỏ, nhưng đến nay, sau 3 năm thực hiện, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ.

Phân tích nguyên nhân bất cập trong đội ngũ giáo viên (GV) hiện nay, điều đầu tiên ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam - nhắc đến là biến động quá lớn về quy mô trường/lớp do sắp xếp, cơ cấu lại các trường; hoặc do tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, khu công nghiệp; từ đó dẫn tới thừa/thiếu cục bộ GV tại một số địa phương, khu vực.

Việc bố trí, điều động, phân công GV chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, địa phương (cấp huyện). Nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố về điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi toàn tỉnh...

Cũng theo ông Đặng Tự Ân, nguyên nhân thiếu GV còn bởi việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm đồng loạt không tính đến đặc thù của ngành Giáo dục, dẫn đến đạt kết quả thấp. Việc giảm biên chế quá nhiều do tỷ lệ GV cao so với tổng biên chế của cả khối sự nghiệp. Mặt khác, thời gian qua, số lượng GV giảm chủ yếu là do nghỉ chế độ hưu, chuyển công tác, dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho cơ sở giáo dục trong sắp xếp khi chỉ được tuyển mới bằng 50% số GV đã giảm, trong khi quy mô phát triển giáo dục liên tục tăng.

Liên quan đến định mức, ông Đặng Tự Ân nhận định chưa quan tâm tới cơ cấu GV khi dạy học theo Chương trình GDPT 2018 và dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học. Từ đó, dẫn đến không có sự thống nhất trong việc sửa đổi định mức học sinh/lớp, GV/lớp cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Hạn chế trong việc phân bổ biên chế sự nghiệp giáo dục có trách nhiệm lớn của Bộ Nội vụ.

“Việc tăng biên chế khi thực hiện chương trình mới và học 2 buổi/ngày không được quy định trong Luật Giáo dục, Nghị quyết 88/2014/QH13 mà chỉ quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình GDPT 2018. Bộ Nội vụ cũng chưa giúp ngành Giáo dục tháo gỡ các khó khăn đang gặp phải, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV ở một số địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho triển khai chương trình, kế hoạch dạy học và bảo đảm chất lượng giáo dục tại địa phương” - ông Đặng Tự Ân cho hay.

Một nguyên nhân khác dẫn đến khó khăn về đội ngũ là Chương trình GDPT 2018 có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới (Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học trước đây là môn tự chọn, môn Nghệ thuật cấp THPT là môn học mới) nên thiếu toàn bộ GV để dạy các môn học này. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các trường, khoa sư phạm gặp không ít khó khăn khi tuyển sinh. Kết quả tuyển sinh đầu vào thường không đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn của một số trường, khoa khá thấp, kinh phí đào tạo hạn hẹp đã phần nào ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng đào tạo.

Việc tuyển dụng nhà giáo theo hướng dẫn của liên Bộ với một quy trình và phương thức chung như các viên chức khác cũng bộc lộ những hạn chế và chưa phù hợp. Theo đó, tuyển dụng vẫn chú trọng kiến thức về quản lý Nhà nước nói chung, phần thi kỹ năng nghề nghiệp chưa được coi trọng đúng mức, kéo theo khó tuyển dụng GV hàng năm.

Thiếu giáo viên vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).

Biên chế sự nghiệp giáo dục hiện nay do 3 cơ quan có thẩm quyền quản lý, bao gồm: Bộ Nội vụ giao, duyệt biên chế; Bộ GD&ĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc; UBND cấp tỉnh trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức GV.

Ngành Giáo dục không được tham gia sâu vào quá trình tuyển dụng, điều tiết GV cho phù hợp với quy định chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, vấn đề thừa, thiếu GV mầm non, phổ thông trong nhiều năm qua không được giải quyết triệt để, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan; cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Bộ Nội vụ, các địa phương vẫn giữ quyền về phân bổ chỉ tiêu GV, ngân sách, Bộ GD&ĐT không chủ động được về đội ngũ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV khó khắc phục. Ngoài ra, tình trạng thừa thiếu GV cục bộ xuất hiện nhiều ở bậc mầm non, tiểu học, THCS. Đội ngũ này phân cấp cho địa phương phân bổ và quản lý. Như vậy, chính quyền địa phương phải nắm rõ tình hình đội ngũ trên địa bàn để chủ động đặt hàng cơ sở đào tạo để sát với nhu cầu.

Báo cáo số 559/BC-UBVHGD15 ngày 22/2/2022 về kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GV mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thực hiện cũng nêu thực trạng thiếu số lượng lớn và tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở từng địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, cấp học, môn học; đặc biệt, các môn mới được triển khai theo Chương trình GDPT 2018.

Để xây dựng và thực hiện tốt hơn các chính sách, từ đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, một trong những kiến nghị của Đoàn khảo sát là cần có sự thống nhất trong quan điểm giữa 2 Bộ (GD&ĐT, Nội vụ) về cách tính định biên GV và vấn đề thừa, thiếu GV (thiếu so với biên chế được giao; thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT về học sinh/lớp, GV/lớp).

Riêng thiếu GV các môn học mới, vấn đề đào tạo tại các trường sư phạm rất quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho hay: Hiệp hội đã có kiến nghị về một số giải pháp khẩn cấp đối với hệ thống các cơ sở sư phạm.

Theo đó, về phân cấp quản lý, Bộ GD&ĐT xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại GV. Bộ GD&ĐT quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV và giao chỉ tiêu đào tạo/bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm/Trung ương.

Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học, tập trung đào tạo sau ĐH (đặc biệt đối với các trường trọng điểm); nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường THPT trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo GV mầm non, tiểu học, THCS cho các trường/khoa sư phạm địa phương. Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo, bồi dưỡng GV cho các trường mầm non, tiểu học và THCS trong địa phương theo chỉ tiêu do chính quyền địa phương giao...

Theo ông Đặng Tự Ân, để giáo dục là quốc sách hàng đầu, Chính phủ và các bộ, ngành cần có quan điểm và cách làm ủng hộ Bộ GD&ĐT trên tinh thần lo cho thế hệ hiện tại và mai sau. Không để tái diễn tình trạng thiếu GV, cán bộ quản lý như cảnh “ăn đong” hay “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Chia sẻ