Thi thoảng đau nhói theo kiểu kim châm ở vú, cẩn thận với ung thư vú

BS. Long Hiển,
Chia sẻ

Ung thư vú là ung thư thường gặp và gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ. Tại Việt Nam, ung thư vú đứng hàng đầu trong những loại ung thư ở phụ nữ.

Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh và di căn xa.

‎Nhìn chung tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Mặc dù tỷ lệ ung thư vú gia tăng nhưng hiện nay, trên thế giới tỉ lệ sống còn ung thư vú đã tăng lên, nhờ chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị mới và biết rõ căn bệnh hơn. Ngày càng có nhiều bệnh nhân được điều trị bảo tồn tuyến vú hoặc tái tạo tuyến vú sau đoạn nhũ trả lại hình dáng của tuyến vú, niềm kiêu hãnh của nữ tính.

Ung thư vú: Các phương pháp chẩn đoán và điều trị - Ảnh 1.

Tế bào ung thư có thể di căn xa đến các nơi khác trong cơ thể

Biểu hiện và chẩn đoán của ung thư vú

Ung thư vú là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng. Do vậy chị em phụ nữ cần tự khám vú của mình thường xuyên, để phát hiện bất thường kịp thời khi có những thay đổi nhỏ.

Các biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, bao gồm:

Người bệnh có cảm giác đau vùng vú, có thể là đau dấm dứt không thường xuyên, thi thoảng đau nhói theo kiểu kim châm. Một số bệnh nhân có biểu hiện chảy dịch đầu núm vú, có thể chảy dịch lẫn máu.

Ở giai đoạn muộn có thể thấy các triệu chứng do khối u vú xâm lấn gây lở loét, hoại tử ra ngoài da, gây chảy dịch, mùi hôi thối.

Triệu chứng khối u đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như: di căn xương gây đau xương, di căn não gây đau đầu, buồn nôn, chóng mặt... Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, ăn kém, gầy sút cân, đôi khi biểu hiện sốt.

Về chẩn đoán ung thư vú, hiện nay nhiều trường hợp người bệnh khám định kỳ các bác sĩ phát hiện ung thư vú qua tầm soát bằng nhũ ảnh, qua khám sức khỏe định kỳ, thường là sau khi siêu âm.

Chụp MRI vú được chỉ định cho một số tình huống bệnh đặc biệt khi nhũ ảnh nghi ngờ có ung thư vú tiềm ẩn, nhiều khối (cục), di căn hạch nách chưa rõ nguồn gốc.

Chụp PET và PET/CT được chỉ định khi các phương tiện hình ảnh khác không xác định được trong ung thư vú di căn, PET có thể hỗ trợ đánh giá sự lan tràn của bệnh và có thể giúp thay đổi xử trí ở một số bệnh nhân.

Sinh thiết cũng được chỉ định nhiều để khẳng định ung thư vú.

Ung thư vú: Các phương pháp chẩn đoán và điều trị - Ảnh 2.

Nhiều người bệnh khám định kỳ các bác sĩ phát hiện ung thư vú qua tầm soát bằng nhũ ảnh

Các phương pháp điều trị ung thư vú

Bác sĩ cân nhắc tình hình của người bệnh mà phối hợp vài phương pháp dựa vào các yếu tố như: ung thư vú loại gì, kích thước bướu cỡ nào, ở giai đoạn mấy, tế bào ung thư có grad cao hay thấp, người bệnh đã mãn kinh chưa, tình trạng của các thụ thể đặc biệt ER, PR, HER2 và sức khỏe chung của người bệnh.

- Phẫu trị ung thư vú

Tùy từng bệnh nhân mà các bác sĩ chỉ định phù hợp. Các biện pháp điều trị ung thư vú bao gồm:

- Liệu pháp bảo tồn vú: bác sĩ cắt rộng khối bướu (lấy khối bướu và một viền an toàn mô lành xung quanh) kết hợp với xạ trị sau mổ áp dụng cho các bướu nhỏ. Đoạn nhũ tận gốc biến đổi (Phẫu thuật Patey): đoạn nhũ lấy trọn tuyến vú, nạo nhiều hạch nách cùng bên vú.

- Tái tạo vú tức thì: Ngay sau đoạn nhũ, bệnh nhân được tái tạo lại hình dáng tuyến vú bằng mô tự thân (vạt cơ lưng, vạt cơ thẳng bụng, vạt ở mông, đùi) hoặc với túi độn (túi nước muối hoặc silicon).

- Xạ trị

Xạ trị là dùng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Thường dùng là xạ trị ngoài, một máy xạ phát chùm tia đúng vào tuyến vú. Xạ trị luôn được dùng sau mổ bảo tồn vú dành cho các ung thư vú giai đoạn sớm. Sau đoạn nhũ thực hiện cho các khối bướu lớn hoặc có hạch di căn.

- Hóa trị

Hóa trị là dùng thuốc giết các tế bào ung thư. Sau mổ nếu có nguy cơ tái phát hoặc di căn, bác sĩ dùng hóa trị gọi là hóa trị hỗ trợ. Hóa trị cũng dùng điều trị những người bệnh có ung thư lan tràn trong cơ thể. Tác dụng phụ của hóa trị gồm rụng lông tóc, nôn mửa, mệt mỏi và dễ nhiễm trùng. Hiếm gặp hơn: mãn kinh sớm, hại tim thận và các dây thần kinh ngoại biên.

- Liệu pháp sinh học ( nhắm trúng đích)

Trên thực tế, việc điều trị ụng thư vú đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức giữa các phương pháp: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, thuốc sinh học, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích và nội tiết. Nhưng liệu pháp sinh học hay còn gọi là nhắm trúng đích nhiều người vẫn còn mới lạ.

Ngoài phẫu thuật, hóa xạ trị thì ung thư vú cũng có thể được điều trị với liệu pháp nhắm trúng đích. Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư vú là sử dụng các thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan rộng của khối u, thường được áp dụng trên những bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn, tiến triển và di căn xa mà các phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị không thể thực hiện được.

Không giống như thuốc hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và gần như không làm hại gì đến tế bào khỏe mạnh khác. Tác dụng không mong muốn của thuốc nhắm trúng đích gồm: xuất huyết nhỏ dưới da, nổi ban, nổi mẩn… đó là những tác dụng thường hay gặp, nhưng hiện nay thuốc nhắm trúng đích là một trong những biện pháp điều trị hay nhất trong nhiều trường hợp ung thư vú triến triển, giai đoạn muộn.

Ngoài ra các bác sĩ còn sử dụng các liệu pháp nội tiết cũng hiệu quả cho bệnh nhân ung thư nói chung ung thư vú nói riêng.

Ung thư vú xuất hiện khi vài tế bào vú bắt đầu tăng trưởng bất thường, các tế bào này sinh sôi nhanh hơn các tế bào lành và tụ lại thành khối bướu. Thường ung thư mọc từ các tế bào của ống dẫn sữa (gọi là ung thư ống dẫn chiếm 80%), cũng có thể từ mô tuyến gọi là các tiểu thùy (ung thư tiểu thùy - chiếm 10%) hoặc từ các loại tế bào khác trong vú hiếm gặp hơn. Các tế bào ung thư có thể lan tràn đến các hạch lymphô vùng nách và di căn xa đến các nơi khác trong cơ thể.

5. Phòng ngừa ung thư vú

Các chị em phụ nữ hãy "lắng nghe" cơ thể, hiểu rõ bộ ngực mình, khi có dấu hiệu bất thường nên đi khám ngay tại các cơ sở điều trị chuyên khoa.

Đối với người bệnh mắc ung thư vú, sau điều trị bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ để bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm thích hợp.

Tùy theo giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị nhằm phát hiện và xử trí các trường hợp tái phát, tác dụng phụ và các di chứng của điều trị, cũng như hướng dẫn dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Thường các bác sĩ khuyên nên chụp nhũ ảnh hằng năm và tái khám mỗi 3-6 tháng cho 3 năm đầu, 6-12 tháng cho 2 năm tiếp theo và 12 tháng cho các năm sau đó.

Người bệnh cần tuyệt đối không chữa theo mách bảo, tránh một số cách trị bệnh không đúng như đắp thuốc rút mủ, lấy cùi, giặt lá cây hoặc chích lể làm bệnh bùng lên thì chỉ còn cách trị tạm bợ và dự hậu rất xấu.

Các bác sĩ chuyên khoa phối hợp phẫu - xạ - hóa trị và liệu pháp sinh học thật nhuần nhuyễn phù hợp với từng người bệnh, giúp cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm nhiều người khỏi bệnh, ung thư vú giai đoạn trễ và lan tràn kéo dài sống còn và tăng chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ