Theo dõi 12.000 trẻ em, Đại học Harvard phát hiện: Những em đi học ở kiểu trường mẫu giáo này sẽ thông minh hơn!
Dự án nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ
Trong bối cảnh nhiều phụ huynh vẫn đang loay hoay giữa vô số lựa chọn trường mầm non, một nghiên cứu dài hạn của Đại học Harvard và Đại học Vanderbilt đã đưa ra phát hiện đáng giá: trẻ được theo học tại các cơ sở mầm non chất lượng cao không chỉ học tốt hơn ở tiểu học mà còn có lợi thế về tư duy kéo dài đến tận tuổi trưởng thành.
Dự án nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ
Nghiên cứu mang tên Project STAR (Student/Teacher Achievement Ratio) được khởi xướng từ giữa thập niên 1980 tại bang Tennessee, Mỹ, do Đại học Harvard và Đại học Vanderbilt phối hợp thực hiện. Đây là một trong những thí nghiệm ngẫu nhiên quy mô lớn và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực giáo dục sớm.
Gần 12.000 trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 3 đã được theo dõi trong suốt nhiều năm. Các em được phân vào những lớp học với quy mô và chất lượng khác nhau, từ lớp nhỏ có giáo viên chính và trợ giảng, đến lớp đông học sinh với ít tương tác hơn. Các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi tiến trình học tập của những đứa trẻ này đến tận trung học và trưởng thành.

Ảnh minh họa
Kết quả ấn tượng: Đi học mẫu giáo tốt, cả đời được lợi
Theo báo cáo tổng kết từ Harvard và Vanderbilt, trẻ em từng học ở các lớp mầm non chất lượng cao có điểm số cao hơn ở bậc tiểu học, đặc biệt là môn Toán và Đọc hiểu. Điều đặc biệt là tác động này không biến mất theo thời gian, mà tiếp tục thể hiện rõ khi các em bước vào trung học và cả sau khi tốt nghiệp.
Cụ thể, trẻ học trong lớp mầm non có giáo viên chất lượng và sĩ số thấp có khả năng thi vào đại học cao hơn 10% so với nhóm còn lại. Đến năm 27 tuổi, nhóm này có thu nhập trung bình cao hơn khoảng 5.000 USD/năm so với các bạn cùng tuổi từng học mầm non chất lượng thấp. Ngoài ra, họ cũng ít có nguy cơ phạm pháp và có tỷ lệ làm công việc chuyên môn cao hơn.
Điều gì tạo nên một môi trường mầm non "chất lượng cao"?
Không chỉ là cơ sở vật chất hay mức học phí, một trường mầm non chất lượng cao được xác định bởi:
- Tỷ lệ giáo viên/trẻ thấp, giúp tăng mức độ tương tác cá nhân
- Giáo viên được đào tạo bài bản về phát triển tâm lý trẻ nhỏ
- Chương trình học tích hợp giữa chơi – học – khám phá, không nhồi nhét kiến thức
- Môi trường an toàn, khuyến khích trẻ giao tiếp và tự lập
Tiến sĩ Raj Chetty, nhà kinh tế học tại Harvard, người tham gia phân tích dữ liệu Project STAR kết luận: "Chúng ta thường nghĩ rằng mầm non chỉ là nơi giữ trẻ. Nhưng thực ra, đó là giai đoạn vàng để đầu tư vào phát triển trí tuệ và cảm xúc, với lợi ích không chỉ trong học đường mà còn lan sang cả thu nhập, sức khỏe và hành vi xã hội về sau".
Trong bối cảnh ngày càng nhiều trường mầm non dân lập mọc lên với đủ mức học phí và chương trình, nghiên cứu này là lời nhắc cho các bậc cha mẹ: chọn nơi nuôi dưỡng đầu đời của con không nên chỉ nhìn vào quảng cáo hay lớp học trang trí đẹp mắt. Hãy ưu tiên môi trường sư phạm thực sự, nơi trẻ được tương tác, được tôn trọng và được phát triển toàn diện.