Thế giới Di động làm gì khi gần 5.000 nhân viên nghỉ việc?
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động sẽ mua lại gần 330.000 cổ phiếu ESOP của những nhân viên đã nghỉ việc theo quy chế phát hành cổ phiếu ESOP. Đáng chú ý, quý I năm nay, số lượng nhân sự của công ty tiếp tục giảm thêm gần 5.000 người.
Tuần qua, chỉ số VN-Index giảm 11,18 điểm, xuống 1.261,93 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 125.907 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index kết tuần ở mức 241,72 điểm, tăng 0,18 điểm so với tuần trước. Thanh khoản của sàn HNX cũng tăng gần 29% so với tuần trước, đạt 12.553 tỷ đồng được giao dịch.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng gần 112 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 3.884 tỷ đồng. Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,98 triệu đơn vị, giá trị bán ròng hơn 33 tỷ đồng. Trên thị trường Upcom, khối ngoại bán ròng 99,75 triệu đơn vị, giá trị bán ròng gần 1.448 tỷ đồng.
Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 20 - 24/5 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 214,34 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 5.365 tỷ đồng.
Mua lại gần 330.000 cổ phiếu ESOP
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa thông qua kế hoạch mua lại gần 330.000 cổ phiếu ESOP của những nhân viên đã nghỉ việc theo quy chế phát hành cổ phiếu ESOP. Thời gian dự kiến thực hiện là trong tháng 5 và tháng 6.
Quý I năm nay, số lượng nhân sự của Thế giới Di động tiếp tục giảm thêm hơn 4.850 người. Hiện nay, MWG chỉ còn hơn 60.560 người. Nếu tính từ ngày 30/9/2022 đến 31/3, công ty này đã giảm 24,5% quy mô nhân sự, tương ứng giảm 19.670 người.
Hôm 17/5, Thế giới Di động cũng thực hiện giảm vốn điều lệ từ hơn 14.633 tỷ đồng về hơn 14.620 tỷ đồng, tương ứng giảm 1.132.539 cổ phiếu. Lý giải việc này, công ty cho biết thực hiện tiêu huỷ lượng cổ phiếu quỹ hiện có.
Tại thời điểm ngày 31/3, Thế giới Di động đang ghi nhận tổng giá trị cổ phiếu quỹ là 11,33 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 1.132.539 cổ phiếu quỹ với giá trung bình 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đây không phải lần đầu, doanh nghiệp này thực hiện việc mua lại cổ phiếu quỹ của nhân viên đã nghỉ việc. Vào tháng 6/2023, vào tháng 6 - 7/2023, công ty đã mua lại 450.547 cổ phiếu quỹ để thu hồi cổ phiếu ESOP của những nhân viên đã nghỉ việc. Đây là số cổ phiếu quỹ cao kỷ lục, gấp khoảng 3 lần so với số lượng cổ phiếu quỹ đã mua lại trong những lần trước đó.
Công ty CP Chứng khoán TPHCM được chỉ định làm đại lý thực hiện giao dịch mua lại cổ phiếu.
Theo thông lệ, Thế giới Di động thường có 3-4 đợt mua lại cổ phiếu quỹ mỗi năm. Đây là những cổ phiếu mà doanh nghiệp phát hành ESOP. Tuy nhiên, khi người lao động nghỉ việc và các nhân viên này bắt buộc phải bán lại cổ phiếu cho công ty theo quy chế phát hành ESOP.
Trong tháng 5/2023, Thế giới Di động đã có một đợt mua lại cổ phiếu quỹ với quy mô lên tới 366.122 cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm 2023, tổng số cổ phiếu quỹ doanh nghiệp mua lại đã lên tới 816.669, vượt xa tổng số cổ phiếu quỹ mua lại của các năm trước.
ESOP là một chiến lược quan trọng của Thế giới Di động trong việc giữ chân nhân tài. Năm nay, MWG đã thông qua việc phát hành ESOP cho ban điều hành, cán bộ quản lý chủ chốt của MWG và các công ty con, trong trường hợp đạt từ 110% kế hoạch lãi sau thuế 2024, số lượng tối đa 2% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. MWG sẽ điều chỉnh còn 80% của tỷ lệ phát hành ESOP nếu diễn biến trung bình giá cổ phiếu MWG không đạt hiệu suất tốt hơn tối thiểu 10% so với diễn biến trung bình của VN-Index tính theo năm 2024 so với năm 2023.
Tuy nhiên, toàn bộ cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ ngày phát hành thay vì 4 năm như trước. Sau mỗi năm, có 50% cổ phiếu đã mua được tự do chuyển nhượng.
Năm 2023, Thế giới Di động đã không đưa ra phương án ESOP do tình hình kinh doanh không thuận lợi. Trong năm 2022, doanh nghiệp này đã phát hành 19,22 triệu cổ phiếu ESOP cho 567 nhân viên với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm. Sau mỗi năm, 25% số cổ phiếu ESOP sẽ được tự do chuyển nhượng.
110 triệu cổ phiếu MCM chuyển qua HoSE
Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Thiên Nam Group - mã chứng khoán: TNA) thông qua việc miễn nhiệm chức danh Giám đốc tài chính của ông Phạm Viết Đạt. Hôm 20/5, công ty này cũng thông qua miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với ông Phạm Viết Đạt từ ngày 22/5 và bổ nhiệm bà Lê Thị Thanh Thảo thay thế.
Trước đó, ông Phạm Viết Đạt đã có đơn xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Ông Đạt được bổ nhiệm vào vị trí Kế toán trưởng TNA từ ngày 15/3/2019 tới nay.
Hôm 17/5, HoSE có quyết định chuyển cổ phiếu TNA từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Theo HoSE, Thiên Nam Group đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2023 quá 45 ngày so với quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch.
Như vậy, cổ phiếu TNA chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch, kể từ ngày 24/5. Phía Thiên Nam Group cho biết, vào ngày 9/4 đã gửi công văn về việc gia hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023, xin gia hạn đến chậm nhất là vào ngày 10/5. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn còn một số vướng mắc cần làm rõ với đơn vị kiểm toán, do đó, báo cáo chưa thể hoàn tất. Doanh nghiệp này cho biết sẽ tích cực làm việc hiệu quả với đơn vị kiểm toán để có thể công bố báo cáo trong thời gian sớm nhất.
HoSE vừa chấp thuận niêm yết 110 triệu cổ phiếu MCM của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Như vậy, cổ phiếu MCM sẽ chuyển sàn từ Upcom sang HoSE. Với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/5 trên Upcom là 39.100 đồng/cổ phiếu, ước tính vốn hoá Giống bò sữa Mộc Châu là khoảng 4.301 tỷ đồng.
Giống bò sữa Mộc Châu tiền thân là Nông trường quân đội Mộc Châu, được thành lập vào năm 1958, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, cung cấp con giống bò sữa, sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Năm 2019, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) đã công bố thông tin sở hữu 75% vốn điều lệ tại GTNfoods, đồng nghĩa với việc Giống bò sữa Mộc Châu trở thành một đơn vị thành viên của Vinamilk.
Tại thời điểm ngày 31/3, Giống bò sữa Mộc Châu có 2 cổ đông lớn , gồm Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (mã chứng khoán: VLC) sở hữu 59,3% vốn điều lệ, Vinamilk sở hữu 8,85% vốn điều lệ. 31,85% vốn điều lệ còn lại thuộc các cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.