Thầy giáo nổi tiếng nói thẳng: Học IELTS đã thấm vào đâu mà coi là giỏi, cũng đừng khoe điểm IELTS của con lên mạng làm gì
Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Học IELTS sớm - nên hay không? Đạt điểm cao IELTS có phải là giỏi tiếng Anh hay không?Đây là những câu hỏi khiến nhiều phụ huynh trăn trở khi đầu tư cho con học ngoại ngữ từ sớm.
Bài viết dưới đây là chia sẻ thẳng thắn, sắc sảo từ thầy Giang Nguyễn (The Ivy-League Vietnam), người từng tốt nghiệp các đại học danh tiếng như Cornell, UPenn và Boston. Không chỉ bóc tách những quan điểm phổ biến về IELTS, tác giả còn phân tích rõ sự khác biệt giữa "học tiếng Anh" và "làm bài thi tiếng Anh", đồng thời đưa ra những gợi ý giúp học sinh rèn luyện ngôn ngữ một cách bền vững, thay vì chạy theo các chứng chỉ sớm.

Ai cũng phải cần cù bù thông minh, chứ học cái IELTS đã thấm vào đâu mà coi là giỏi!
Tiếng Anh là một ngôn ngữ mà học cả đời vẫn thấy chưa giỏi. Không ai có thể thông minh đến mức miễn học mà vẫn giỏi ngoại ngữ, tất cả đều phải tích lũy từ vựng hàng ngày, chăm chỉ đọc báo, luyện tập thường xuyên. Ai cũng phải cần cù bù thông minh, chứ học cái IELTS đã thấm vào đâu mà coi là giỏi! Nên nhớ là IELTS chỉ là chứng chỉ năng lực ngôn ngữ tối thiểu cho một học sinh vào học một trường cấp 3 hay đại học ở nước nói tiếng Anh.
Cần lưu ý, IELTS không có điểm tối thiểu nhưng điểm tối đa là 9.0, do văn hóa chấm điểm ở Anh không dùng điểm tuyệt đối 10.0. Hiện nay, nhiều học sinh lớp 7, 8 ở Việt Nam đã đạt mức điểm 8.0 hoặc 8.5 nhờ luyện thi từ sớm. Tuy nhiên, điểm số cao chưa chắc phản ánh năng lực ngôn ngữ thực tế, và ngược lại, người có khả năng tiếng Anh tốt chưa chắc đạt điểm IELTS như kỳ vọng. Nguyên nhân là do IELTS là một bài thi có định dạng cố định qua hàng ngàn lượt thi, dẫn đến việc càng luyện nhiều thì kỹ năng làm bài càng tốt, điều này khác với năng lực ngôn ngữ tự nhiên.
Nhiều em làm đi làm lại tới điểm tối đa bài đọc, bài nghe nhưng không hẳn đã hiểu bài đọc đó nói về cái gì đâu vì kỹ năng đọc sẽ giúp các em làm được bài đọc chứ không cần hiểu. Nhận định này nhiều khi có thể hơi chủ quan những khoa học ngôn ngữ cũng đã chứng minh rồi.
Một đặc điểm phổ biến ở học sinh Việt Nam là điểm bài thi Nghe và Đọc thường cao hơn nhiều so với điểm Nói và đặc biệt là Viết. Lý do là vì hai kỹ năng đầu tiên chỉ đòi hỏi khả năng nhận biết ngôn ngữ và kỹ năng làm bài thi, còn hai kỹ năng sau đòi hỏi khả năng "tái sinh" ngôn ngữ, nghĩa là khả năng sử dụng từ vựng, ngữ pháp, cấu trúc ngôn ngữ trong bối cảnh tư duy, lập luận, phân tích.
Viết luận trong IELTS đòi hỏi học sinh phải hiểu đề bài, có vốn từ vựng chuyên sâu theo từng chủ đề, và kiến thức xã hội. Nhiều đề bài chứa các cụm từ học thuật như juvenile delinquency (tội phạm vị thành niên), xenophobia (bài ngoại), hay civil union (kết hợp dân sự) gây khó khăn ngay cả cho sinh viên đại học. Việc áp cùng một đề bài cho các thí sinh ở mọi lứa tuổi nhưng lại chấm theo một khung chuẩn giống nhau rõ ràng là không hợp lý.
Khung chấm IELTS gồm các tiêu chí như: mức độ hoàn thành yêu cầu đề bài (task achievement), độ phong phú của từ vựng (lexical range), độ chính xác của ngữ pháp (grammatical accuracy), và tính mạch lạc trong bài viết (coherence & cohesion). Dù vậy, IELTS vẫn không đo lường hết toàn diện năng lực sử dụng tiếng Anh.
Hơn nữa, IELTS không hẳn đã đo lường hết năng lực ngôn ngữ của một học sinh. Tôi lấy ví dụ thực tế từ kinh nghiệm của tôi. Nhiều học sinh đạt 8.0 IELTS vẫn rất lúng túng trong việc sử dụng từ vựng và viết luận. Hỏi ra mới biết kỹ năng Đọc Nghe đều tối đa nhưng viết chỉ đạt 6.0. Viết đòi hỏi sự thành thạo về ngôn ngữ cao nhất.
Tôi quan sát thì thấy các em học cách làm bài tập tiếng Anh chứ không học tiếng Anh. Hai vấn đề này là hoàn toàn khác biệt đó! Học cách làm bài tập tiếng Anh thì học sinh chỉ chú trọng trả lời sao cho đúng câu hỏi và thường bỏ qua ý nghĩa của bài đọc, ý nghĩa của từ vựng, chi tiết từng cấu trúc, văn phạm của bài đọc.
Đến khi đi sâu vào những chi tiết của ngôn ngữ thì các em rất lúng túng, hỏi chữ "tác" thì bảo chữ "tội". Khi viết luận cũng vậy, không biết viết hay, viết phong phú, viết sâu sắc mà chỉ viết theo khuôn mẫu IELTS. Đề thi viết của IELTS là một hạn chế rất lớn vì IELTS không khuyến khích học sinh triển khai ý tối đa mà đòi hỏi tối thiểu.
Điều này trái ngược với kỳ thi TOEFL iBT, nơi mà học sinh có thể viết tự do, triển khai ý càng nhiều càng tốt, bài viết càng dài và sâu sắc thì điểm càng cao. Trong khi đó, IELTS có xu hướng trừ điểm nếu viết quá dài, ví dụ viết quá 350-400 chữ. Cách luyện IELTS như vậy khiến văn phong học sinh trở nên rập khuôn, thiếu sáng tạo, nghe nhàm chán. Chỉ cần đọc câu mở đầu của bài luận là có thể nhận ra học sinh luyện IELTS ở đâu, vì hầu hết đều mở bài bằng những cụm sáo rỗng như "In this day and age," "Nowadays,"... Cách viết như vậy tuy phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của IELTS, nhưng lại rất dở về mặt học thuật.
Một hệ lụy khác là tâm lý tự mãn. Nhiều học sinh đạt 7.0 hay 8.0 IELTS liền cho rằng mình đã "giỏi tiếng Anh", từ đó ngừng nỗ lực học tập tiếp. Cả phụ huynh lẫn học sinh đều dễ rơi vào trạng thái thỏa mãn với thành tích, không nhận ra rằng khả năng sử dụng ngoại ngữ cần được rèn luyện liên tục, và điểm số chỉ phản ánh năng lực tại một thời điểm nhất định. Nếu ngừng trau dồi, năng lực sẽ giảm sút nhanh chóng.
Nên nhớ là điểm IELTS chỉ đo năng lực ngôn ngữ tại một thời điểm nhất định. Có thể một tháng sau lơ là đọc và nghe, tiếng Anh sẽ bị hao mòn và chính đứa trẻ ấy sẽ không thể giữ được thành tích điểm số nếu thi lại IELTS.
Bố mẹ cũng không nên đem điểm IELTS của con khoe ra trên mạng làm gì
Bố mẹ cũng không nên đem điểm IELTS của con khoe ra trên mạng làm gì. Đó là một dạng thụ đắc "hư vinh" làm hư chính bản thân mình và trẻ. Bố mẹ nên nhớ là 7.0 hay 8.0 IELTS chẳng nói lên điều gì về năng lực ngôn ngữ thực sự của các con mình cả.

Ảnh minh hoạ
Sang Anh hay Mỹ, học sinh quốc tế vẫn được nhìn nhận là người học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và chắc chắn không thể "bằng vai phải lứa" với học sinh bản địa trong cách sử dụng tiếng Anh tự nhiên và học thuật. Hãy thử tưởng tượng một sinh viên Tây học tiếng Việt rồi sang học đại học ở Việt Nam, dù có giỏi đến mấy, vẫn là người học ngoại ngữ, và sẽ mãi bị xem là "ngọng tiếng Việt".
Thầy cô cũng đừng đem mấy điểm IELTS của các học sinh khoe lên trên mạng để chứng tỏ mình luyện giỏi. Làm gì có chuyện học sinh này luyện chỗ nọ 3 tháng mà thi được 8.0 IELTS. 90% thành tích là nhờ công sức học tập lâu dài cả 10 năm của học sinh, chứ không phải luyện cấp tốc vài tháng ở một trung tâm nào đó. Nhiều người dạy IELTS nên tránh việc "khoe thành tích" học sinh quá mức, bởi điều đó không phản ánh đúng cả quá trình học tập bền bỉ của các em.
Vậy học sinh cấp 1, 2, 3 nên học tiếng Anh thế nào cho hợp lý? Học ngoại ngữ là cả một quá trình dài hạn, bền bỉ. Trong suốt 9 năm đầu đời, nên chọn cho học sinh một chương trình tiếng Anh ổn định. Ngoài việc học ở trường hoặc trung tâm, học sinh cần tự tìm tòi, khám phá thêm trên YouTube, đọc truyện, nghe sách nói (audiobook), đọc tin tức tiếng Anh thường xuyên. Ví dụ các con có thể nghe các truyện trinh thám, truyện lịch sử bằng tiếng Anh trên YouTube. Radio book miễn phí tha hồ nghe. Hàng ngày thay vì lướt mạng vô vị thì vào các kênh tin tức đọc báo, bật TV lên thì xem phim lên Netflix. Trẻ nhỏ hình thành các thói quen nghe Radio book càng sớm càng tốt vừa đỡ đọc hại mắt, lại vừa nhập tâm ngôn ngữ sớm.
Việc tiếp xúc tiếng Anh hàng ngày qua các kênh phim ảnh, báo chí, tài liệu lịch sử, sách nói… sẽ giúp hình thành nền tảng ngôn ngữ vững vàng. Khi nền tảng ngôn ngữ đã đủ tốt, chỉ cần một thời gian ngắn luyện thi là có thể đạt điểm IELTS như mong muốn. IELTS là một kỳ thi có giá trị, nhưng chỉ phản ánh đúng năng lực ngôn ngữ khi người học đã trải qua một quá trình bồi đắp thực sự.
Cuối cùng, đừng biến IELTS thành thước đo duy nhất cho khả năng tiếng Anh. Điều quan trọng hơn là khả năng học tập và nghiên cứu bằng tiếng Anh, điều này mới quyết định sự thành công trong tương lai. Các em nên nhớ tiếng Anh chỉ là một môn học, tuy quan trọng nhưng không quyết định việc phát triển tư tuy toàn điện của các em.