Thắng là do bản thân, thua lại đổ lỗi cho hoàn cảnh

Hạ Khương,
Chia sẻ

Đã bao nhiêu lần bạn cho rằng mọi thành tích mình đạt được đều là do nỗ lực cá nhân, nhưng khi thất bại lại đổ cho hoàn cảnh?

Hãy tưởng tượng bạn là một học sinh ngồi trong lớp, lo lắng về kết quả của bài kiểm tra môn Văn. Nhận kết quả, bạn bàng hoàng nhận ra mình chỉ được 5 điểm. Thật khó hiểu vì trước giờ bạn luôn làm bài tốt mà. Bạn bắt đầu tìm đến những lời giải thích hợp lý nhất có thể, đề quá khó, cô giáo chấm điểm khắt khe, hay tiếng ồn từ khu xây dựng gần trường làm bạn mất tập trung trong hôm kiểm tra. 

Nhưng bây giờ thử hình dung điểm 5 bất ngờ được chuyển thành điểm 9, lúc này bạn có thể nảy sinh tâm lý thỏa mãn, bạn tự khen mình đã học rất chăm, bạn hiểu đề và có sự phân tích nhạy bén. Đây là một trong những ví dụ dễ hiểu nhất để bạn hình dung về thiên kiến vị kỷ (self-serving bias) trong tâm lý học.

Tại sao một số người có tâm lý “thua là đổ thừa hoàn cảnh”? - Ảnh 1.

Thiên kiến vị kỷ là gì?

Thiên kiến vị kỷ là một loại thiên kiến nhận thức xảy ra khi một người ghi nhận công sức và nỗ lực cho riêng mình khi thành công, nhưng chỉ cần gặp kết quả tồi tệ, không như mong muốn, họ lại đổ lỗi cho các tác nhân bên ngoài. Thiên kiến vị kỷ đôi khi là một phương thức trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng là một cơ chế phòng thủ (defense mechanism) tự nhiên giúp bảo vệ lòng tự trọng của một người. Thiên kiến vị kỷ rất phổ biến trong đời sống và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như tâm lý, động lực, tuổi tác và văn hóa.

Ngoài ví dụ trong môi trường lớp học như trên, thiên kiến này có thể được nhìn thấy ở môi trường công việc hay đời sống hằng ngày. Ví dụ như:

- Sau một buổi tuyển dụng, một ứng viên tin rằng cô sẽ chắc chắn được nhận vì cô có bảng thành tích tốt, dày dặn kinh nghiệm và đã thể hiện rất tự tin trong buổi phỏng vấn. Nhưng khi bị công ty từ chối, cô lại đổ lỗi ban tuyển dụng thiên vị hay không muốn tuyển cô vì năng lực xuất sắc của cô vượt quá khả năng công ty có thể đáp ứng (lương, phúc lợi).

- Một người đàn ông vượt đèn đỏ và đâm vào một chiếc ô tô đi đúng luật. Thay vì nhận lỗi, ông lại cho rằng mình đang có việc bận cần đi gấp và trách móc người đi ô tô đáng ra nên dừng lại nhường đường.

- Một cầu thủ bóng đá xuất sắc ghi bàn vào những giây cuối cùng. Anh nghĩ rằng điều này hoàn toàn là do kỹ năng chơi bóng của mình, phủ nhận sự may mắn, vai trò của đồng đội hay đối phương.

Tại sao một số người có tâm lý “thua là đổ thừa hoàn cảnh”? - Ảnh 2.

Thiên kiến vị kỷ là một loại thiên kiến nhận thức xảy ra khi một người ghi nhận công sức và nỗ lực cho riêng mình khi thành công.

Yếu tố gì dẫn đến thiên kiến vị kỷ?  

1. Điểm kiểm soát tâm lý

Điểm kiểm soát tâm lý (locus of control) là mức độ mà một người cảm thấy bản thân kiểm soát được các sự việc xảy ra trong đời sống. Điểm kiểm soát tâm lý bao gồm điểm kiểm soát nội tại và điểm kiểm soát ngoại cảnh.

Người có điểm kiểm soát nội tại tin rằng những điều tuyệt vời và thành công đến với họ đều nhờ khả năng và sự cố gắng của bản thân. Nhưng khi sự việc ngoài tầm kiểm soát, họ sẽ đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài. Người có điểm kiểm soát nội tại luôn tự hào về thành tựu của bản thân, nhưng cũng dễ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ khi sự việc không như ý muốn. 

Ngược lại, những người có điểm kiểm soát ngoại cảnh tin rằng bất kỳ kết quả dù tốt hay xấu là do may mắn hoặc tác động bên ngoài thay vì năng lực của bản thân. Những người này có xu hướng luôn cảm thấy bất lực trong việc kiểm soát số phận của họ.  

Vì vậy, các cá nhân có điểm soát tâm lý nội tại thường có nhiều khả năng thể hiện thiên kiến vị kỷ hơn những người có điểm kiểm soát tâm lý ngoại cảnh.

Tại sao một số người có tâm lý “thua là đổ thừa hoàn cảnh”? - Ảnh 3.

2. Các yếu tố tạo động lực

Có hai loại động lực được cho là yếu tố thúc đẩy thiên kiến vị kỷ. Đó là tự đề cao bản thân (self-enhancement) và tự thể hiện (self-presentation).

Người tự đề cao luôn có nhu cầu duy trì giá trị của bản thân, tức là họ tin rằng mình luôn mang những phẩm chất tích cực, còn những điều tiêu cực là do ảnh hưởng của bên ngoài. Đây cũng là cách họ duy trì hình ảnh cá nhân và sự tự tin của riêng mình.

Tự thể hiện là cái tôi mà một người muốn thể hiện với người khác. Đó là mong muốn được ghi nhận và để lại dấu ấn đặc biệt trước mọi người. 

3. Tuổi và giới tính

Năm 2004, nhà nghiên Reiko Miyamoto và cộng sự đã chỉ ra tuổi tác và giới tính có ảnh hưởng khả năng đưa ra thiên kiến vị kỷ. Trong đó, người lớn tuổi thường quy kết thành công là do sự cố gắng của bản thân họ. Còn nam giới lại có xu hướng đổ lỗi cho các yếu tố ngoại cảnh nhiều hơn khi gặp thất bại.   

4. Ảnh hưởng của văn hóa

Ở các nước phương Tây, chủ nghĩa cá nhân được đề cao nên thiên kiến vị kỷ trở nên khá phổ biến. Trái lại, ở các nền văn hóa mang tính cộng đồng như các nước châu Á, việc thành công hay thất bại là do cả tập thể. Vì vậy, thiên kiến vị kỷ ít xảy ra hơn. 

Có một số tình huống mà thiên kiến vị kỷ cũng ít xảy ra hơn. Chẳng hạn như những người đang yêu hoặc có bạn thân thì thường khiêm tốn và bớt đổ lỗi cho hoàn cảnh. Điều này xảy ra bởi vì người yêu, bạn bè thân thường sẵn sàng đưa ra những phản hồi, lời khuyên chân thành, giúp bạn nhận ra “à, thì ra một phần lỗi là do mình”.

Làm sao để hạn chế tâm lý đổ thừa hoàn cảnh?

Thiên kiến vị kỷ có thể có tác động tốt và xấu. Những người có thiên kiến vị kỷ thường cảm thấy mình tài giỏi và rất tự tin vào năng lực bản thân, họ tỏa ra năng lượng dồi dào và có thể tạo động lực cho mọi người xung quanh. Ưu điểm của thiên kiến này là nó giúp mỗi người kiên trì hơn khi đối mặt với nghịch cảnh. 

Tại sao một số người có tâm lý “thua là đổ thừa hoàn cảnh”? - Ảnh 4.

Ví dụ, theo nghiên cứu, một người vừa thất nghiệp có thể có động lực để tiếp tục tìm việc nếu họ cho rằng tình trạng thất nghiệp là do nền kinh tế lao đao hơn là do năng lực cá nhân. Một vận động viên cảm thấy có động lực thi đấu nếu tin rằng thất bại trong sự kiện trước là do thời tiết xấu chứ không phải mình thiếu kỹ năng. 

Tuy nhiên, nếu thiên kiến vị kỷ quá lấn át, họ sẽ hình thành tư duy cố chấp, không chịu sửa sai và chấp nhận quan điểm trái chiều. Vì vậy, để hạn chế thiên kiến vị kỷ, chúng ta có thể thực hiện một trong những cách sau: 

- Tự phát hiện thiên kiến vị kỷ: Khi đưa ra quy kết về một sự việc nào đó, bạn hãy dành thời gian để xem xét lại liệu mình đã đánh giá đúng chưa hay mình có đang thiên vị cho bản thân hay không. 

- Tập chấp nhận: Chấp nhận là ai cũng có lúc sai sót. Biết đánh giá bản thân chính là bước đầu để bạn thêm hoàn thiện mình.

- Đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn: Mặc dù đánh giá bản thân là một điều tốt nhưng nếu đánh giá quá nhiều bạn sẽ trở nên khắt khe với chính mình. Hãy tự phê bình hành động sai lầm của bản thân bằng thái độ nhẹ nhàng.

Nguồn: Verywellmind
Chia sẻ