Thẩm mỹ viện hút mỡ trái phép gây chết người: Phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe

TRẦN HẰNG,
Chia sẻ

Thời gian qua, lợi dụng vào sự hiểu lầm của nhiều người tin rằng thẩm mỹ viện là nơi để làm đẹp, nên nhiều thẩm mỹ viện (TMV) đã ngang nhiên hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trái phép, gây ra hàng loạt ca tai biến nghiêm trọng.

Đỉnh điểm nhất là vào 27-12-2019, một nam khách hàng ở Hà Nội sau khi hút mỡ bụng tại TMV Việt Hàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội bị tử vong. Hoạt động khám chữa bệnh trái phép ở TMV lâu nay gây bức xúc trong dư luận, nhưng chế tài xử lý lại chưa đủ răn đe.

Thẩm mỹ viện làm thay chức năng bệnh viện

Hoạt động khám chữa bệnh chui vào TMV diễn ra phổ biến, gây hàng loạt ca tai biến nguy hiểm, thậm chí là chết người. Vào tháng 10-2019, TMV Quốc tế Thúy Anh (TMV Thúy Anh) ở 60 Kim Ngưu, Hà Nội tổ chức hút mỡ bụng, mỡ tay trái phép, sau đó cấy mỡ nhân tạo này để nâng ngực cho một cô gái 27 tuổi ở Hà Đông (Hà Nội) đã khiến cô gái co giật, ngất xỉu 3 lần mới được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu.

 - Ảnh 1.

Thẩm mỹ viện Việt Hàn hút mỡ "chui" khiến khách hàng tử vong.

Kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Thanh Nhàn, cô gái bị rối loạn tuần hoàn não, ngộ độc thuốc gây tê sau khi hút mỡ, nâng ngực ở TMV Thúy Anh. TMV này đã bị UBND TP Hà Nội ra quyết định xử phạt 80 triệu đồng, yêu cầu chấm dứt hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trái phép. Tuy nhiên, sau khi gây ra vụ tai tiếng này, TMV Thúy Anh đã đóng cửa và chuyển đi đâu không rõ.

Mới đây nhất, vào ngày 27-12-2019, một khách hàng nam ở Vĩnh Phúc tới TMV Việt Hàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội hút mỡ bụng. Trong quá trình thực hiện hút mỡ, nam khách hàng đã tử vong. Theo các chuyên gia thẩm mỹ nhận định, không ngoại trừ các nguyên nhân dẫn tới cái chết cho nạn nhân như bị sốc phản vệ, sốc do ngộ độc thuốc, sốc do thay đổi các chất trong huyết thanh, mất máu hoặc tắc mạch ối. Nhưng nguyên nhân chính xác phải chờ kết quả giải phẫu tử thi.

Sau 1 ngày gây ra cái chết cho nam bệnh nhân, TMV Việt Hàn lại tiếp tục hút mỡ vùng bụng dưới và 2 đùi cho một nữ khách hàng 28 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc và khiến chị này phải nhập Viện Bỏng quốc gia trong tình trạng bỏng nặng vùng bụng dưới và hai đùi.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình (Viện Bỏng quốc gia) cho biết, nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị bỏng độ 3 da vùng đùi, có thể phải ghép da một số vị trí và di chứng để lại sẽ là các vết sẹo khiến vùng da bị co kéo, ảnh hưởng đến chức năng của 2 chân.

Đặc biệt, qua siêu âm kiểm tra thấy bệnh nhân sau hút mỡ nhưng lớp mỡ vẫn còn nguyên, hoại tử thượng da bì, lớp mạch máu dưới da bị hút mạnh, ảnh hưởng chức năng nuôi da dẫn tới biến chứng.

Cần có sự phối hợp của nạn nhân

Trước khi xảy ra tai biến chết người, TMV Việt Hàn đã bị cơ quan chức năng quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra và xử phạt hành vi quảng cáo quá phạm vi.

Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra không phát hiện hành nghề quá phạm vi cho phép (các dịch vụ khám chữa bệnh).

Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Quang Chung cho biết: "Theo phân cấp, các TMV do quận quản lý, tuy nhiên, cấp quận lại phân cấp xuống cấp phường. Song hiện tại, các TMV tổ chức hút mỡ, tiêm filler, tiêm botox, truyền trắng da, siêu cấy collagen, nhấn mí nhưng cấp phường hầu như không biết, chỉ tới khi có tai biến, nạn nhân phải nhập viện cấp cứu trình báo thì phường mới hay".

Các bác sĩ cho biết, hiện nay số ca tai biến, biến chứng liên quan đến filler đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân nghe theo lời quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ không phép, hoặc từ những người không có chuyên môn thực hiện.

Còn theo luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội), do người dân nhầm lẫn hoạt động của TMV là làm đẹp, bao gồm dùng mọi biện pháp chỉnh sửa cơ thể nên TMV lợi dụng sự nhầm lẫn đó để hoạt động trái pháp luật. Theo quy định, nếu TMV gây tổn hại 61% tỷ lệ tổn thương cơ thể trở lên cho khách hàng, hoặc gây thiệt hại về tài sản 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự, nhưng do nạn nhân không tố cáo, nên nhiều TMV đã "thoát".

Theo luật sư Trương Tiến Hùng, tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định TMV không được phép sử dụng thuốc, các chất gây tê, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể. Các dịch vụ đó chỉ được thực hiện tại bệnh viện, hoặc phòng khám hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đăng ký hoạt động dịch vụ chuyên khoa thẩm mỹ đó.

Chiều 27-12-2019, TMV Việt Hàn làm chết nạn nhân nam 43 tuổi do hút mỡ bụng. Với hành vi hút mỡ bụng làm chết người, trái với Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, người thực hiện đã phạm tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác tại Điều 315 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Theo đó, hành vi phạm tội này bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 315). Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm theo Khoản 4, Điều 315 BLHS nêu trên.

Ngoài ra, TMV Việt Hàn còn phải bồi thường thiệt hại cho bố mẹ, vợ con của nạn nhân tiền tổn thất tinh thần, tiền mai táng phí, tiền cấp dưỡng mà nạn nhân lúc còn sống có nghĩa vụ cấp dưỡng, các khoản tiền hợp lý khác, quy định Điều 591 BLDS 2015.

Theo luật sư Hùng, để ngăn ngừa và giảm các trường hợp tử vong, thiệt hại sức khỏe từ làm đẹp trái phép này, cần phải quy định rõ trong giấy phép ĐKKD, nghiêm cấm TMV thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Đồng thời, phải xây dựng dữ liệu liên thông giữa các cơ quan chức năng để nắm bắt kịp thời thông tin về các chủ thể kinh doanh.

Từ đó tiến hành theo dõi, xử lý vi phạm dễ dàng hơn. Người tiêu dùng cũng dễ tra cứu và nắm bắt được năng lực của các chủ thể kinh doanh để có cơ sở lựa chọn cho mình một giải pháp phù hợp nhất.

Chia sẻ