Thảm họa Kamchatka: Lớp bọt khổng lồ màu vàng xuất hiện, 95% sự sống dưới biển bị xóa sổ
Các nhà sinh học biển tin rằng một loài tảo độc có thể đã giết chết "95% sinh vật biển" của vùng Kamchatka - Nga.
Báo The Moscow Times hôm 8-10 cho biết cùng thời điểm 95% sự sống dưới biển ngoài khơi bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông - Nga bị xoá sổ hồi đầu tháng này, một lớp bọt màu vàng bao phủ một vùng nước lớn tới mức có thể nhìn thấy được từ không gian.
Đây là manh mối khiến các nhà sinh học biển hàng đầu của Nga tin rằng thảm họa sinh thái nói trên là do tảo nở hoa - một loại tảo phát triển nhanh trong tự nhiên có thể tạo ra chất độc giết chết sinh vật biển, thậm chí cả con người - gây ra.
"Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp này, giả thuyết tảo độc có vẻ đáng tin cậy hơn so với ô nhiễm hóa chất" - bà Yulia Polyak, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về An toàn Sinh thái, Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở TP St.Petersburg, nói với báo The Moscow Times.
Xác sinh vật biển dạt vào bờ biển vùng Kamchatka - Nga. Ảnh: WWF Russia
Hơn 1 tuần sau khi người dân địa phương đăng tải những hình ảnh gây sốc về xác động vật biển ở bãi biển Khalaktyrsky, các chuyên gia vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân của vụ sinh vật biển chết hàng loạt bí ẩn này. Họ loại trừ động đất liên quan đến núi lửa, trong khi Thống đốc vùng Kamchatka Vladimir Solodov bác bỏ nguyên nhân nhiên liệu tên lửa từ một căn cứ quân sự gần đó bị rò rỉ xuống biển.
Hôm 5-10, ông Solodov cho biết phòng thí nghiệm ở thủ đô Moscow không tìm thấy hóa chất dimethylhydrazine trong nước. Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy mức xăng dầu cao gấp 4 lần bình thường và mức phenol cao gấp 2,5 lần so với tiêu chuẩn. Mặc dù vậy, bà Polyak nói rằng hàm lượng xăng dầu đó "không đủ khả năng dẫn đến hậu quả thảm khốc như vậy". Cơ quan khí tượng Roshydromet của Nga khẳng định ngay cả khi một lượng kim loại lớn được giải phóng từ một nguồn không xác định cũng khó gây ra ngộ độc trên một khu vực rộng lớn như Kamchatka.
Ủy ban Điều tra Nga (RIC) đã mở cuộc điều tra hình sự liên quan tới thảm họa sinh thái nói trên. Hôm 8-10, Cơ quan Giám sát Tài nguyên thiên nhiên Liên bang Nga cho biết họ không tìm thấy bất kỳ chất độc hại nào trong nước.
Theo các nhà khoa học, tảo độc ngày càng phổ biến và gây tác động tiêu cực hơn trên toàn thế giới do biến đổi khí hậu. Ở bang Florida – Mỹ, một đợt tảo nở hoa kết thúc vào năm ngoái đã giết chết 589 con rùa biển, 127 con cá heo và hơn 100 con lợn biển.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết các triệu chứng ở người tiếp xúc với tảo nở hoa bao gồm kích ứng da, mắt, mũi hoặc họng; đau bụng; nhức đầu; các triệu chứng thần kinh như co giật cơ; nôn mửa và tiêu chảy. Những người lướt sóng địa phương tại Kamchatka hồi giữa tháng 9 (trước thời điểm xảy ra thảm họa) đã bị mắc các triệu chứng như bỏng mắt, ngứa họng và buồn nôn.