Tham gia những kỳ thi quốc tế có giúp ích gì cho việc thi vào lớp 6 chất lượng cao? Đây là câu trả lời từ thầy giáo nổi tiếng

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Thầy Minh cho rằng, các bài Toán 'Tây' khi được đưa vào 1 đề thi thường có tính chất 'nịnh mắt' người đọc rất cao, bởi cái mới, cái đặc thù của nó. Nhưng, đẹp liệu có tốt?

Những năm gần đây tại Việt Nam nở rộ các kỳ thi Toán quốc tế dành cho nhiều lứa tuổi học sinh khác nhau, học sinh tiểu học cũng không ngoại lệ. Nhiều phụ huynh cho con tham gia thi với mong muốn con được cọ xát, giành được những tấm huy chương để trẻ thêm yêu thích việc học Toán.

Trong khi, số khác lại mong muốn giải thưởng sẽ giúp cho hồ sơ của con mạnh hơn, từ đó thuận lợi trong các kỳ thi chuyển cấp, đặc biệt vào lớp 6 chất lượng cao (CLC). Nhưng, liệu tham gia những kỳ thi quốc tế có mang lại hiệu quả như kỳ vọng?

Tham gia những  kỳ thi "Quốc tế" có giúp ích gì cho việc thi vào lớp 6 chất lượng cao?  - Ảnh 1.

Liệu tham gia những kỳ thi gắn mác "Quốc tế" có mang lại hiệu quả như kỳ vọng? (Ảnh minh họa)

Theo thầy giáo Trần Nhật Minh, tác giả sách "Các dạng bài và đề ôn thi vào lớp 6 CLC", trước khi trả lời câu hỏi này, cần phân biệt rõ 2 loại phong cách Toán hiện nay: Toán "kiểu Ta" và Toán "kiểu Tây". 

Toán "kiểu Ta" là những bài tập trung vào các phương pháp giải điển hình như Giả thiết tạm, Tính ngược, Tỉ số, Các bài tập về Chuyển động, Phần trăm... Toán dạng này sẽ được phát biểu dưới câu từ quen thuộc, ví dụ đặc trưng như bài sau: "Hiện nay con 10 tuổi, mẹ 35 tuổi. Hỏi cách đây mấy năm tuổi mẹ gấp 5 lần tuổi con?".

Còn toán "kiểu Tây" là những bài toán được du nhập từ các kì thi nước ngoài như IKMC, IMAS, IMC, Apmops..., có cách hành văn mới mẻ, có chút lạ và được cài cắm thêm nhiều yếu tố hiện đại. Ví dụ như bài sau: "Mèo Felix bắt được 12 con cá trong 3 ngày. Kể từ ngày thứ hai trở đi, mỗi ngày nó bắt được nhiều cá hơn ngày trước đó. Vào ngày thứ ba, nó bắt được số cá ít hơn tổng số cá 2 ngày đầu. Hỏi Felix bắt được bao nhiêu cá trong ngày thứ ba?".

"Đứng trên góc độ chuyên môn, có thể thấy, Toán "của Ta" vẫn thiên về kỹ thuật, muốn giải 1 bài toán như vậy, đòi hỏi học sinh phải thành thục các phương pháp và sử dụng nhiều bước tính toán (điển hình là đề thi vào Trường THCS Amsterdam chẳng hạn). Còn Toán "của Tây" lại tập trung vào khả năng quan sát, ước lượng, phán đoán; nếu đã bí thì bí luôn mà nếu làm được thì lại không cần tính toán nhiều, có khi chỉ 1-2 phép tính là xong", thầy Minh nhận định.

"Đẹp" nhưng có phù hợp?

Thầy Minh cho rằng, xét trên góc độ hình thức, nếu Toán "của Ta" là một cô thôn nữ bình dân thì Toán "của Tây" có thể coi là một tiểu thư đài các. Các bài Toán "Tây" khi được đưa vào 1 đề thi thường có tính chất "nịnh mắt" người đọc rất cao, bởi cái mới, cái đặc thù của nó. Nhưng, đẹp thì liệu có tốt không, và việc tham gia vào các kỳ thi quốc tế có giúp gì nhiều cho việc định hướng thi vào lớp 6 CLC?

Thầy Minh chỉ ra 3 vấn đề cần xét đến sau đây:

Thứ nhất, các bài Toán Tây là Toán nhập khẩu chứ không phải hàng nội địa. Với những kỳ thi như Kangaroo, IMAS, TIMO, IMC... những bài Toán trong đó luôn mang những nét đặc trưng riêng. Nhưng các trường như THCS Ams, THCS Cầu Giấy, THCS Ngoại ngữ, THCS Archimedes... liệu có tự biến mình thành một bản sao của những kì thi đó không lại là một vấn đề rất đáng suy nghĩ. 

Nhìn vào đề thi lên lớp 6 các trường những năm qua sẽ thấy, đa phần các bài Toán vẫn được ra dưới hình thức rất quen thuộc, thuần túy; thậm chí Ams vẫn ưa chuộng kiểu ra đề "cơ bắp", nặng kỹ thuật. Vậy nếu chúng ta quá sa đà vào toán Tây mà đến lúc thi vào 6, đề lại ra theo một phong cách khác thì ít nhiều sẽ có bất lợi.

Tham gia những  kỳ thi "Quốc tế" có giúp ích gì cho việc thi vào lớp 6 chất lượng cao?  - Ảnh 2.

Thầy giáo Trần Nhật Minh, tác giả sách "Các dạng bài và đề ôn thi vào lớp 6 CLC".

Thứ hai, cứ cho rằng, phong trào "Toán Tây" sẽ ảnh hưởng đến cách ra đề của một số trường top đầu, thì tỉ lệ sẽ là bao nhiêu? Câu trả lời sẽ là không quá 20%. Đơn giản một điều, khi mà học sinh của chúng ta nhiều em vẫn đang đánh vật với Cấu tạo số, với phần trăm, hình học, chuyển động... còn không xong thì chẳng có lý do gì cứ suốt ngày làm những bài "mèo Felix với chuột Jerry" cả. 

Do vậy, khi học, chúng ta hãy cố gắng cân bằng tốt nhất có thể. Với các phụ huynh, hãy hỏi và nhìn vào chính con mình xem các con đã thành thạo các dạng Toán cơ bản "của Ta" chưa, hay cứ nói đến Toán chuyển động, Phần trăm là "run"? Toán nước ngoài rất hay, nhưng giờ là chúng ta phải thi, phải chọi thực sự để vào trường chứ không phải để "thi cho vui" như thi Kangaroo nữa.

Thứ ba, tất nhiên, không phủ nhận vai trò và tác dụng của những cuộc thi như IKMC, IMAS, WMTC... Bỏ qua các vấn đề về tính thương mại hay khâu tổ chức đôi khi còn chưa chuyên nghiệp thì sự trải nghiệm mới mẻ và kích thích tư duy học sinh là có. Song, gia đình và các con cần biết chọn lọc, cân đối, xác định mục tiêu rõ ràng, tránh kiểu tham gia ào ào, cái gì cũng thi (theo quan điểm của thầy Minh, 1 năm chỉ nên tham gia dưới 3 kỳ thi giao lưu). 

Với những bạn giỏi sẵn, thì rõ ràng, học gì cũng được, Toán chuyển động hay Toán Úc, Toán Canada cũng ổn. Nhưng với những bạn chưa phải xuất sắc, thì việc cân bằng kiến thức là vô cùng quan trọng, mà nếu các con quá sa đà vào 1 loại thì sẽ rất dễ bị mất phương hướng.

Chia sẻ