Thách thức tái thiết sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và kinh nghiệm ứng phó thiên tai từ các nước

Chuyển động 24h,
Chia sẻ

Thiệt hại về người và của sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria liên tục tăng. Gần 49.000 người thiệt mạng, 6 triệu người mất nhà cửa. Chi phí tái thiết sẽ tốn từ 70-84 tỷ USD.

Thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khiến các quốc gia phải nhìn lại quá trình quy hoạch xây dựng phòng chống động đất. Ông Sebastian Gray - Kiến trúc sư Chile cho rằng: "Mục đích cuối cùng của tiêu chuẩn chống động đất không phải là ngăn một tòa nhà bị phá hủy, mà là để ngăn tòa nhà sụp đổ lên những người sống bên trong".

Cho đến nay, gần 49 nghìn người đã được xác nhận thiệt mạng. Con số này được dự báo sẽ còn tăng, bởi vẫn còn hàng nghìn người chưa được tìm thấy. Riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 80 nghìn người bị thương đang nằm trong các bệnh viện, 26 triệu người cần được hỗ trợ là tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO phải triển khai chiến dịch cứu hộ lớn nhất trong lịch sử 75 năm của tổ chức này.

Còn hãng dịch vụ tài chính JPMorgan thì ước tính, riêng Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại 25 tỷ USD do động đất. Trong khi tác động của sự kiện này ở cả hai nước sẽ phải mất nhiều thập kỷ mới tính toán được hết.

Thách thức tái thiết sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và kinh nghiệm ứng phó thiên tai từ các nước - Ảnh 1.

Bên cạnh việc khắc phục hậu quả động đất, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đẩy mạnh điều tra về tình trạng chất lượng yếu kém của các công trình xây dựng, bắt giữ hơn 100 nhà thầu bị quy trách nhiệm không tuân thủ các quy tắc về chống động đất. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia nằm trên mảng Anatolian có hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới, trong 25 năm qua nước này trải qua 7 trận động đất có độ mạnh là 7. Quốc gia này cũng đã có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo các tòa nhà không dễ sụp đổ khi động đất xảy ra.

Chile ứng dụng kiến trúc chống động đất

Chile thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất do nằm trên "Vành đai lửa'. Để thích nghi, quốc gia này đã thay đổi kết cấu các tòa nhà cao tầng. Một trong những phương pháp là cách ly địa chấn. Hiểu đơn giản, phương pháp này có thể giúp các tòa nhà nguyên vẹn trong khi tất cả mọi thứ xung quanh đều bị phá vỡ. Những kết cấu thép khổng lồ sẽ hỗ trợ các tòa nhà từ bên dưới, hoạt động giống như một bộ phận giảm xóc của ô tô.

Ông Eduardo Gonzalez - Kỹ sư xây dựng Chile: "Điều thú vị là các trụ cách ly cơ sở này giữ tòa nhà không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Có nghĩa là ngay cả khi mặt đất rung lắc, lực tác động lên tòa nhà cũng giảm đi rất nhiều".

Những khối bê tông to lớn có trọng lượng bình quân 160 tấn được treo bên trong tòa nhà có thể đu đưa giống như một quả lắc, giúp cân bằng lại sự rung chuyển của mặt đất, từ đó ổn định cấu trúc của tòa nhà. Thử nghiệm cho thấy chúng giảm 80% thiệt hại có thể xảy ra.

Thách thức tái thiết sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và kinh nghiệm ứng phó thiên tai từ các nước - Ảnh 2.

Luật pháp Chile quy định, các công ty xây dựng phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót trong xây dựng.

Ông Sebastian Gray - Kiến trúc sư Chile: "Mục đích cuối cùng của tiêu chuẩn chống động đất không phải là ngăn một tòa nhà bị phá hủy, mà là để ngăn tòa nhà sụp đổ lên những người sống bên trong. Không có tòa nhà nào chống động đất hoàn toàn, nhưng có những tòa nhà có thể bị hư hại nặng nề mà không gây nguy hiểm đến tính mạng con người".

Luật pháp Chile quy định, các công ty xây dựng phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót trong xây dựng. Điều đó có nghĩa là các nhà thầu ít nhất phải đảm bảo sử dụng đủ thép, bê tông và công nghệ chống động đất để kéo dài tuổi thọ của một tòa nhà.

Nhật Bản chủ động ứng phó với thiên tai

Thường xuyên đón nhận các sự cố thiên tai, Nhật Bản luôn có sự chuẩn bị cẩn thận để sẵn sàng đối phó, các cơ sở lánh nạn được xây dựng ở khắp nơi, đảm bảo mọi người đều có thể có nhanh chóng đi đến khi có cảnh báo trong trường hợp xảy ra thiên tai. Người dân trong khu vực đều sẽ được thông báo địa điểm này để có thể lánh nạn khi cần thiết.

Thách thức tái thiết sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và kinh nghiệm ứng phó thiên tai từ các nước - Ảnh 3.

Các cơ sở lánh nạn được xây dựng ở khắp nơi ở Nhật Bản

Ông Nakano Atsushi - Tổ chức phòng chống thiên tai Nhật Bản: "Khi xảy ra thiên tai, chính quyền sẽ có cảnh báo đối với mọi người bằng nhiều cách khác nhau, nếu như cảnh báo từ mức độ 3 thì trẻ em và người cao tuổi sẽ cần ưu tiên, nếu từ mức độ 4 trở lên thì tất cả mọi người cần phải di chuyển đến nơi an toàn".

Tại mỗi địa phương của Nhật Bản, tùy điều kiện về địa lý và tự nhiên sẽ có rất nhiều địa điểm lánh nạn dành cho các loại thiên tai khác nhau như động đất, sóng thần, sạt lở đất… tại mỗi địa điểm lánh nạn, chính quyền địa phương thường trang bị khá đầy đủ các thiết bị phục vụ nhu cầu tối thiểu trong nhiều ngày cho người dân như chăn, gối, đồ ăn và nước uống.

Ông Suzuki Manabu - Tổ hợp công nghiệp Sanmirai Tagajo, tỉnh Miyagi, Nhật Bản: "Tại địa điểm lánh nạn này có thể tiếp nhận rất nhiều người, trong đó chúng tôi đã chuẩn bị những thứ thiết yếu như lương thực, có thể cung cấp đủ cho 12.000 người trong vòng 3 tuần. Mọi vật tư cơ bản và cần thiết cho người dân khi lánh nạn đều đã được chuẩn bị".

Đảm bảo an toàn cho con người chính là tiêu chí quan trọng nhất trong các hoạt động phòng chống thiên tai của Nhật Bản, theo đó, các kỹ năng đối phó với thiên tai được nước này đưa vào huấn luyện cho người dân từ rất sớm; ngay từ các lớp mầm non, các em học sinh đã được dạy các kỹ năng để đối phó với các sự cố thiên tai, các biện pháp đảm bảo an toàn cho mình cũng như những người xung quanh, kỹ năng này dần dần đã trở thành bản năng trong cuộc sống của các em.

Chia sẻ