Tết về trên xóm nhỏ

Karth Tran, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Tết ở xóm tôi trọ thật giản dị nhưng ấm áp tình người, tình hàng xóm, tình của người xa quê hương...

Tết xưa trong trí nhớ của tôi rất ồn ào náo nhiệt với những hàng bán bánh, lịch, quần áo với người là người cùng những tiếng trả giá, những lời bình phẩm và những gương mặt hài lòng khi mua được món đồ mình thích. Tết năm nay không khí có vẻ trầm lắng hơn hẳn, không biết do Tết đến sớm hay do kinh tế khó khăn mà những hàng quán thưa hẳn người, không còn ồn ào, đông vui như xưa nữa.
 
Bỏ qua nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi hoàn tất khoá học 4 năm, tôi những tưởng những ngày giáp Tết này sẽ chán ngắt với những công việc dọn dẹp, giặt giũ, trang hoàng nhà cửa thế mà hoá ra đây lại là một mùa xuân đầy ý nghĩa – mùa xuân đầu tiên tôi ở lại Sài Gòn. Xóm nhỏ nơi tôi trọ học cùng anh chị đã cho tôi cơ hội để cảm nhận một mùa xuân về rất nhẹ nhàng mà sực nức hương vị.
 
Xóm tôi toạ lạc trong một hẻm cụt của số 189 khá nhỏ nên đứng trên ban công tầng 1 là có thể thấy Tết về trên khắp xóm và trong từng nhà. Chỉ mới qua 20 mà cả xóm đã tràn ngập không khí Tết với những chậu cúc mâm xôi, địa lan, hướng dương, mai, tắc xếp dọc từ đầu xóm cho tới cuối xóm.
 
Chỉ có khoảng hơn 20 nhà nên không khí thật yên vui và náo nhiệt, người lớn thì lo việc nhà cửa, chợ búa, trẻ con nghỉ Tết thì tụ tập thành từng nhóm gọi nhau bằng những cái tên thật ngộ nghĩnh: Chồn, Sóc, Phê, Thỏ, Tép…
 
Bế đứa cháu trai vừa tròn 1 tuổi đi rong khắp xóm mới thấy tết về trên từng viên gạch (nói văn hoa vậy thôi chứ xóm tôi tráng xi măng lấy đâu ra gạch mà viết, tuy nhiên xuân thì vẫn cứ là xuân mà đã là xuân thì Tết chắc chắn sẽ về mà,...)
 
Đã là Tết thì dù là Tết Nam hay Tết Bắc cũng không thể thiếu dưa hành, bánh chưng – bánh tét. Vừa cúng ông Táo xong là y như hôm sau, xóm tôi nô nức đua nhau đi mua kiệu, mua hành về phơi ngâm ăn Tết - nhà nhà làm hành, nhà nhà phơi kiệu. Lân la khắp xóm tôi được biết 26 cả xóm sẽ gói bánh chưng ăn Tết, tôi hồi hộp chờ đợi mong cho tới 26 để chứng kiến hương vị Tết Bắc trong lòng Sài Gòn.
 
 
 
Chiều 25 (tức là ngày 18/1 dương lịch), thấy ông chủ nhà ngồi rửa lá, tôi liền bế đứa cháu trai ra ngoài hiên ngồi xem,thấy lá dong ông mua rất to tôi mường tượng tới hình ảnh chiếc bánh trưng bà nội gói ngày xưa – vuông vắn và xanh mướt. Tối hôm đó vừa đi Hội Hoa xuân về tôi liền phi ngay sang nhà bà chủ nhà xem mọi người chuẩn bị (đậu thì từ sáng sớm tôi đã thấy bà ngâm liền 3 xô bự xự hơn 10kg, gạo thì ngót hơn 20kg chất đầy trong chậu, thịt thì đã được ướp bỏ tủ lạnh từ hôm 24 rồi).
 
Vừa vào tới bếp tôi đã thấy một cái Tết vừa cổ truyền vừa hiện đại hết mức: bà chủ nhà đang nấu đậu bên cái bếp gas âm tường hàng xịn bên cạnh đã có một khay nhân đậu đằng sau là một anh và một chị nào đó tôi chưa gặp bao giờ đang hì hụi đãi đậu bên bồn rửa bát, trông thì có vẻ cần mẫn đó nhưng mà thiếu chuyên nghiệp nên đậu đãi vẫn còn sót khá nhiều vỏ.
 




 
Thấy vậy, tôi cũng ngồi xuống lấy rổ đãi phụ, không khí thật vui vẻ với những câu chém gió hàng độc của ông chủ nhà và bà hàng xóm. Khi tôi về thì trời đã khá khuya mọi người vẫn đang cần mẫn đãi gạo, bà chủ nhà còn dặn với theo: “Út nhớ nha, bánh chưng này gói để nhà ăn chứ đừng có mang cho, ngon lắm đấy, bà Anh mà làm là có thương hiệu hẳn hoi đấy”, nghĩ thôi cũng thấy vui rồi.
 
Sáng sớm hôm sau, chị gọi tôi dậy sớm hơn mọi khi và bảo qua cắt lá phụ ông gói bánh. Nhà ông chủ vốn đã nhỏ hôm nay có vẻ còn nhỏ hơn với bao nhiêu là lá xếp thành từng đống và ông chủ nhà vốn nhỏ nay càng nhỏ hơn giữa hàng hà nào là lá, gạo, nhân. Người cắt lá (năm nay gói khuôn nên việc cắt lá trở nên đơn giản hơn hẳn), người gấp lá, ông chủ nhà phụ trách vai trò thợ gói bánh chính nên cần mẫn nắn khuôn, đổ gạo, cho nhân rồi buộc lạt.
 
Tuy bận rộn nhưng ông vẫn không bỏ lỡ những câu chuyện phiếm góp vui khiến đám đông cười rộ lên từng chặp. Hôm nay cả xóm gói bánh nên lâu lâu để đổi không khí tôi lại xách máy chụp hình chạy khắp xóm ghé từng nhà một chụp cảnh mọi người gói bánh (nhờ thằng cháu trai 1 tuổi dễ thương mà mối quan hệ của nhà tôi với cả xóm rất thân tình, he he).
 
Đi một lượt khắp xóm tôi thấy rằng xóm tôi rất quan tâm tới chất lượng sản phẩm, cụ tỷ là mọi người làm nhân bánh rất khủng, cục đậu xanh nào cũng to bằng cả 2 nắm tay tôi cộng lại (mà mọi người gói bánh bỏ tới cục rưỡi vào làm nhân), nhân thịt thì gấp 5 gấp 7 lần cái bánh chưng thông thường, gạo thì nếp cái hoa vàng loại 1, lá thì 6 lớp là ít nhất.
 
Cái bánh chưng đầu tiên gói xong tôi tức tốc đem cân được hơn 1,5kg, nghĩ  bụng đầu năm mà được ăn cái bánh này nhất  định sung túc cả năm (mà chắc năm sau tôi sẽ hên lắm đây vì tôi cũng là người được thử chiếc bánh đầu tiên khi nó vừa mới luộc xong được mấy tiếng).
 
Công cuộc gói bánh kéo dài hơn 6 tiếng (từ sáng sớm tới gần 12 giờ trưa),cả xóm thở phào nhẹ nhõm cười đùa vài câu rồi lại quay qua chuẩn bị nồi luộc bánh, người chạy qua kẻ chạy lại hỏi xem luộc chỗ nào cho khỏi phiền mọi người nghỉ ngơi, lúc thì hỏi nhà nào dư tấm tôn quay, khi thì xin ít củi không thì lại nháo nhào đi chăng bạt tránh mưa (mà thật ra chủ yếu là tránh khói bay lên cao ảnh hưởng tớ xóm bên).
 
 
 
 
Gần chục nồi bánh từ đầu xóm tới cuối xóm thơm lừng từng ngóc ngách, người lớn hối hả dọn dẹp rồi đi chợ chuẩn bị mâm rượu tất niên tối nay của cả xóm, trẻ con quay quần chơi cò chẹp. Nồi bánh nấu bằng củi cháy hồng rực cả một xóm nhỏ - một năm mới sắp đến trong sự chuẩn bị của người lớn và nỗi háo hức mong chờ của trẻ nhỏ.
 
 
Chiều nay tôi và anh chị sẽ lên xe về Bình Phước ăn Tết cùng gia đình, tuy không thể ở lại Sài Gòn hưởng trọn cái Tết đầu tiên này nhưng với tôi thế này là quá đủ cho một cái Tết Bắc trong lòng Sài Gòn náo nhiệt.
 
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Câu nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
 
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối, bánh chưng tôi có rồi thế nên nhất định về tới nhà tôi sẽ bảo bố tôi làm cây nêu và mua tràng pháo về đốt để tết này được trọng vẹn niềm vui. Hy vọng xóm nhỏ của tôi ở lại ăn Tết cũng trọn vẹn hạnh phúc. Năm mới an khang thịnh vượng nha mọi người.
 
Gửi tặng xóm nhỏ Mùa xuân 2012

 

Chia sẻ