Tác dụng, tác hại của thịt lợn nếu ăn quá nhiều
Thịt lợn là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, dưới đây là những tác dụng, tác hại của thịt lợn nếu ăn quá nhiều.
Thịt lợn là món ăn phổ biến trong mâm cơm hàng ngày của người Việt. Dưới đây là những tác dụng, tác hại của thịt lợn bạn nên biết.
Tác dụng của thịt lợn với sức khỏe
Dinh dưỡng
100g thịt lợn nấu chín chứa 297g calo, 26g chất đạm, 21g chất béo, không có chất xơ, đường, carbohydrates. Thịt lợn là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin B1, B3, B6, B12, sắt, kẽm, phốt pho, selen.
Vitamin B1 cần thiết cho loạt các chức năng của cơ thể, hàm lượng B1 trong thịt lợn cao hơn các loại thịt đỏ khác như thịt bò và cừu. Vitamin B6 và B12 tốt cho sự hình thành tế bào máu và chức năng của não.
Báo Vietnamnet dẫn nguồn Webmd cho biết, thịt lợn còn là nguồn cung cấp sắt được hệ tiêu hóa của con người hấp thụ rất dễ dàng. Selen hỗ trợ chức năng tuyến giáp. 170g thịt lợn có đủ lượng selen khuyến nghị hằng ngày.
Thịt lợn nạc, nấu chín hoàn toàn, ăn ở mức độ vừa phải có thể mang lại những lợi ích nhất định.
Bảo dưỡng cơ bắp
Protein chất lượng cao trong thịt lợn là các axit amin hoàn chỉnh, giúp tạo cơ bắp mới. Khi già đi, chúng ta mất khối lượng cơ, điều này có thể dẫn đến các tình trạng như thiểu cơ - thoái hóa cơ nghiêm trọng.
Hấp thụ protein có trong thịt lợn có thể làm chậm hoặc đảo ngược tình trạng thiểu cơ. Thói quen ăn uống này có khả năng duy trì các mô cơ khỏe mạnh mà bạn đang có.
Tăng hiệu suất cơ bắp
Thịt lợn chứa axit amin beta-alanine, giúp cơ thể bạn hình thành hợp chất carnosine rất quan trọng đối với cơ bắp. Các nghiên cứu chỉ ra bổ sung beta-alanine liều cao được thực hiện trong 4-10 tuần dẫn đến mức tăng 40-80% lượng carnosine trong cơ bắp của một người.
Hàm lượng carnosine cao liên quan đến giảm mệt mỏi và hiệu suất cơ bắp cao hơn.
Tác hại của thịt lợn
Bên cạnh những tác dụng, ăn thịt lợn cũng để lại những tác hại, đặc biệt khi bạn chế biến không đúng cách.
Bài viết của bác sĩ Nguyễn Hải Lê trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra những nguy cơ từ thịt lợn như sau:
Bệnh do nhiễm liên cầu lợn : Do cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Người có nguy cơ lây nhiễm S.suis và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bị bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn mang bệnh. Biểu hiện lâm sàng chính là viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết...
Để phòng bệnh, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt lợn; không ăn lợn chết, các món thịt lợn tái, đặc biệt là tiết canh lợn; những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn sống...
Bệnh giun xoắn (Trichinosis) : Thịt lợn nhiễm Trichinella spiralis gây ra bệnh giun xoắn. Ăn thịt lợn bị ô nhiễm và nấu chưa chín là một yếu tố nguy cơ đối với nhiễm Trichinella spiralis. Ký sinh trùng này có thể xâm nhập ruột, cơ, thậm chí tất cả các cơ quan của cơ thể. Các triệu chứng của bệnh giun xoắn có thể bao gồm buồn nôn, đau bụng và viêm cơ bắp kể cả cơ tim. Bệnh giun xoắn là một bệnh hiếm gặp và chỉ ảnh hưởng đến khoảng 10.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. May mắn thay, bệnh có thể phòng ngừa bằng cách đảm bảo thịt lợn được nấu chín. Nấu thịt lợn ở nhiệt độ 71-100°C là đủ để tiêu diệt bất kỳ ký sinh trùng nào.
Bệnh nhiễm vi khuẩn Yersinia ở ruột : Một nhiễm trùng tương tự khác do ăn thịt lợn chưa nấu chín bị nhiễm vi khuẩn Yersinia enterocolitica. Những vi khuẩn này gây nhiễm trùng được gọi là nhiễm trùng cầu khuẩn. Mặc dù phổ biến hơn so với nhiễm giun xoắn, nhưng bệnh này thường tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh bằng cách đảm bảo nấu chín thịt lợn.
Thịt lợn có tỷ lệ omega-6 / omega-3 cao: Ăn nhiều thịt lợn bạn sẽ nhận nhiều omega-6 hơn so với lượng omega-3. Bản thân omega-6 và omega-3 đều có lợi cho cơ thể nhưng việc tiêu thụ mất cân bằng 2 chất này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng tác động lâu dài đến sức khỏe. Tỷ lệ tiêu thụ lý tưởng nhất của hai chất này là 1:1. Hàm lượng omega-6 cao trong thịt lợn thường gặp trong thịt xông khói và thịt lợn bụng (hơn 5g axit béo omega-6 trên 100g).
Một số sản phẩm thịt lợn chứa nhiều nitrat và nitrit : Các sản phẩm thịt lợn như thịt xông khói và một số loại thịt lợn đã được chế biến sẵn có thể chứa nhiều nitrat và nitrit. Nitrat và nitrit là loại chất bảo quản hóa học thường được sử dụng trong thịt chế biến. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy có mối liên hệ giữa thịt chế biến và ung thư đường tiêu hóa.
Trên đây là những tác dụng và tác hại của thịt lợn. Các dữ liệu dinh dưỡng nêu trên cho thấy thịt lợn giàu chất dinh dưỡng thiết yếu. Thịt lợn đóng vai trò quan trọng để đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn của con người. Trong khi có một số lo ngại về sức khỏe, chúng ta có thể khắc phục hầu hết những điều này bằng cách nấu ăn vệ sinh.