Sự thật về ngôi đền thờ "Thần Tài của người Việt" - địa chỉ "vay tiền uy tín" nhất miền Bắc khai hội hôm nay mùng 10 tháng Giêng
Cứ mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người dân khắp nơi đổ về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh để "vay tiền", cầu tài, cầu lộc.
Đối với những người buôn bán, làm ăn, ngày mùng 10 tháng Giêng đặc biệt hơn cả trong những chuyến du xuân. Vì đây là ngày mở hội đền Bà Chúa Kho - địa chỉ uy tín, được coi là "ngân hàng vàng mã", là nơi nhiều người dân tìm tới với quan niệm "giao dịch với thần thánh". Và trong tín ngưỡng dân gian, Bà Chúa Kho cũng được coi là Thần Tài của người Việt.
Theo "Bà Chúa Kho, tình sử và huyền tích" và "Bà Chúa Kho và giai thoại về những nữ nhân kiệt liệt" của tác giả Lê Thái Dũng, Nhà xuất bản Hồng Đức, đền Bà Chúa Kho tôn thờ nhân vật Bà Chúa Kho trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Là một trong những phúc thần của tín ngưỡng dân gian, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân châu thổ Bắc Bộ. Bà Chúa Kho được thờ cúng ở nhiều nơi, dưới hình mẫu vị thần "thủ kho".
Số lượng các Bà Chúa Kho khá nhiều và đa dạng về xuất xứ, có vị là nhân vật lịch sử, có vị lại là con người nửa lịch sử nửa huyền thoại, có vị thì gần như là huyền thoại.
Bà Chúa Kho là ai?
Tại Bắc Ninh, có các nơi thờ Bà Chúa Kho, đó là làng Cổ Mễ (phường Vũ Ninh), làng Quả Cảm (xã Hòa Long), làng Thượng Đồng (phường Vạn An), làng Hạ Đồng (huyện Tiên Du). Ngoài ra, ở gần đó cũng có đền Bà Chúa Kho ở làng Trung Đồng, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Từ truyền thuyết ở các làng, Bà Chúa Kho có nguồn gốc từ Bà Chúa Quả Cảm (Bà Chúa Lẫm), Hoàng phi đệ tam cung của vua Trần Anh Tông. Lễ hội chính của các làng tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng và 15 tháng 8 Âm lịch. Riêng đền Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ có giỗ chính vào 12 tháng Giêng.
Sau thập niên 80 của thế kỷ trước, hàng chục vạn lượt người từ khắp nơi đổ về đi lễ mỗi năm, thực hiện lễ "vay tiền", "trả tiền", "trả lãi" ở đền.
Ngoài Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, Bắc Giang, danh xưng Bà Chúa Kho còn xuất hiện ở nhiều nơi như Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình,... Tuy nhiên vai trò và niềm tin thờ cúng của các bà có phần khác nhau. Chẳng hạn như Quản trưởng quốc khố Lý Thị Châu Nương ở đình Giảng Võ, Hà Nội; Bạch Hoa tiết liệt anh phong giám thương công chúa ở các di tích miếu thờ Cột cờ, đền Nguyên Thương, đền Bồng Lai ở TP. Nam Định; Lê Bạch Nương thiên phủ chư tích ở đường Điện Biên III, TP. Hưng Yên; Bà Chúa Ngừ Trần Thị Dung ở thôn Lại, huyện Hưng Hà, Thái Bình.
Các Bà Chúa Kho được thờ ở Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên và Thái Bình là nhân vật có thật được lịch sử hóa, là người có công trông giữ kho lương, vũ khí cho đất nước trong thời kỳ chống xâm lược, được nhân dân tôn vinh làm phúc thần sau khi mất.
Còn Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ - ngôi đền nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhất, xuất phát từ truyền thuyết cho rằng tên gọi Bà Chúa gắn liền với núi Kho. Tương truyền, nơi đây là khu vực cất của cải, lương thực, vũ khí của vua quan nhà Lý khi đánh giặc Tống. Hiểu đơn giản, bà là người trông coi núi Kho. Ngoài ra, Bà Chúa Quả Cảm hay Bà Chúa Lẫm không liên quan đến việc trông kho nhưng vẫn được nhân dân tôn là Bà Chúa Kho.
Có thể thấy rằng, đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cổ Mễ, Vệ An, Quả Cảm, Thượng Đồng thờ nữ thần trong tín ngưỡng Đạo Mẫu. Đền ở Cổ Mễ ngoài ban thờ Bà Chúa Kho còn thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ công đồng. Đền Bà ở làng Quả Cảm còn thêm dấu ấn của Đạo Giáo. Đền Bà ở Thượng Đồng và Hạ Đồng có thờ thêm Nguyên Súy Cao Hiển - Cao Sơn Đại Vương. Còn đền thờ ở các nơi khác không nhấn mạnh yếu tố thờ Mẫu.
Về thời gian khai hội, ở các làng Quả Cảm, Thượng Đồng, Trung Đồng, Hạ Đồng về cơ bản tương tự nhau, vào ngày 10 tháng Giêng và 15 tháng 8 Âm lịch. Lễ Bà Chúa Kho ở Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình cũng chọn ngày sinh, ngày hóa của các Bà để tổ chức.
Lễ hội diễn ra đều theo nghi thức cổ truyền là rước kiệu, tế lễ, trò chơi dân gian. Lễ ở đền Bà Chúa Kho ở Cổ Mễ lại kéo dài cả năm, tấp nập người đến "vay tiền", xin "lộc rơi, lộc vãi" và trả lễ, nhưng đông nhất vẫn là hai dịp đầu năm và cuối năm. Thêm một điều đặc biệt là đền Bà Chúa Kho được gửi gắm niềm tin "vay tiền" và xin lộc nên ở các nơi thờ Bà đều nặng phần lễ hơn phần hội.
Đi lễ đền Bà Chúa Kho thế nào?
Đối với người dân đến đền Bà Chúa Kho cầu bình an, may mắn thì lễ lạt tùy tâm, tựa như câu nói:
"Ta về ta lễ đền ta,
Linh thiêng phúc đức đều là tại tâm".
Dâng lễ
Trước kia, tại đền thường chỉ có lễ chay, sau này có thêm lễ mặn, ngọt tùy theo các ban dâng lễ. Chẳng hạn như lễ chay thường dâng lên ban Thánh Mẫu (hoa quả, trà bánh, phẩm oản,...). Lễ mặn có thịt gà, lợn, vịt hoặc các món đồ chay tạo hình giống các loài như đã nói. Cũng có người dâng lễ gạo, muối, trứng. Tuy nhiên, không nên đặt các loại thịt sống lên ban lễ, như hạ ban công đồng Tứ phủ.
Ban lễ Bà Chúa Kho thường dâng các đặc sản chay. Còn ban thờ Cô, Cậu thường là nơi xin bình an, trí thông minh cho con trẻ nên lễ vật thường có hoa quả, phẩm oản, sách vở, các món đồ chơi nhỏ nhắn được gói trong các thiết kế tinh xảo.
- Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu: Vì được sử dụng với mục đích cầu xin bình an, sức khỏe và trí thông minh cho con trẻ trong nhà nên lễ vật sẽ bao gồm hoa quả, phẩm oản, gương, lược cùng một vài món đồ chơi nhỏ nhắn, đẹp mắt, được thiết kế tinh xảo và gói gọn trong túi nhỏ.
Trước khu vực vào đền, có nhiều cửa hàng "móc nối" làm dịch vụ bày mâm lễ cũng như đăng ký để dâng lễ trong cung cấm Bà Chúa Kho. Du khách nên tham khảo giá cả và các dịch vụ để không xảy ra tình trạng chặt chém hoặc mê tín dị đoan.
Nếu như lần đầu đến với đền Bà Chúa Kho, du khách có thể đến sân đền, thắp nhang (nên thắp số lẻ, không nên thắp nhiều quá), tiếp đó đến gian Tiền tế để xin khấn lý do đến xin lễ ở đền. Nếu cầu công danh, sự nghiệp đến ban Công đồng, ngay sau ban Công đồng là Tam tòa Thánh Mẫu. Và tiếp đó, vào cung cấm Bà Chúa Kho xin lễ cũng cần xin phép trước.
Nếu du khách không vào ban Bà Chúa Kho sẽ rẽ phải sang ban Sơn Trang, ban Cô, Cậu. Ngoài ra, một số ban khác du khách có thể tham quan như ban Sơn Thần, miếu Ông Cóc, Mẫu Địa, Mẫu Cửu, Thần Tài,...
Lưu ý khi lễ tại đền Bà Chúa Kho đầu năm
- Theo kinh nghiệm từ những người đi lễ tại đền Bà Chúa Kho cho hay, phần lễ ở các ban, du khách có thể hạ lễ xin lộc về, tuy nhiên đồ lễ ở ban Cô, Cậu thì không hạ.
- Đi lễ đền nên chọn trang phục kín đáo, lịch sự, thoải mái. Không nên ăn mặc hở hang.
- Đi nhẹ, nói khẽ, không nên ồn ào ở nơi trang nghiêm.
- Tại các gian hàng đồ lễ, du khách có nhu cầu mua nên hỏi giá kỹ để tránh bị "chặt chém", đội giá cao.
- Không nói tục, chửi thề ở nơi linh thiêng. Không chỉ trỏ, bình phẩm, chê bai đền.