"Sự thật" sau những "mối tình chị em"

,
Chia sẻ

Khi người con trai yêu một người con gái hơn tuổi mình, đó không chỉ đơn giản là tình yêu “sét đánh” có thể vượt mọi giới hạn tuổi tác.

Rất có thể đó là nỗi ám ảnh vô thức về “người tình” đầu tiên là người… mẹ (hoặc người chị) của mình.

Mệnh lệnh của người cha
 
Một cậu bé thường sợ cha hơn sợ mẹ. Người cha, trong trí óc của con trẻ, luôn là người ra lệnh và những mệnh lệnh của ông đôi khi là một điều gì đó có vẻ vô lý, trái ngược. Tuy nhiên, những cậu bé vẫn thi hành, vẫn làm theo những gì bố nói mặc dù luôn thắc mắc trong đầu: Tại sao mọi người lại phải răm rắp làm theo những gì “ông ấy” muốn?! Đôi khi các cậu “bật” lại nhưng hầu như đó là những phản ứng yếu ớt. Mức độ ‘bật” này tăng dần khi những cậu trai lớn lên và bắt đầu muốn thể hiện “bản lĩnh đàn ông”(!). Có thể thấy những cậu choai choai bắt đầu về nhà muộn hơn, gân cổ lên cãi khi bị bố bắt úp mặt vào tường, công khai bảo vệ mẹ trước những “bất công”...

Xem ảnh lớnNhững điều đó nhiều khi không thể hiện việc nuôi dạy con cái của bố mẹ đã thất bại. Nó khẳng định những cậu bé đã bắt đầu lớn lên, biết bảo vệ những gì chúng nghĩ là “thuộc về mình” và đó cũng là khi cảm giác và ánh mắt nhìn đối với bạn khác giới thay đổi.
 
Tuy nhiên, thế không có nghĩa là những cậu chàng đã thoát nổi cái bóng của người cha. Những ẩn ức từ thuở còn thơ về hình ảnh người bố hay chỉ đạo, ra lệnh cứ tích tụ trong vô thức của các cậu trai và thể hiện thành một dạng khác, được ngụy trang khéo léo hơn. Một trong những hình thức đó là “yêu người hơn tuổi”, nhất là những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo.
 
F.Chopin - nhạc sỹ thiên tài là một ví dụ. Là một người quá nổi tiếng, tài ba nhưng ông lại vô cùng uỷ mỵ yếu đuối, luôn tìm cảm hứng yêu đương từ những người phụ nữ chạc tuổi mẹ mình.

Khi mẹ quá dịu dàng

Ra mắt mẹ chồng không chỉ khó khăn với cô gái mà còn là áp lực rất lớn đối với chàng trai. Ngoài việc lo sợ người yêu mình không hợp với mẹ, có thể gây bất lợi cho hôn nhân thì chàng trai còn một nỗi lo sợ mơ hồ thôi thúc. Người mẹ khi đó, ngoài việc đóng vai trò phán xét còn đặt lên vai cậu con trai gánh nặng trách nhiệm. Mối dây tình cảm khăng khít được thiết lập hàng mấy chục năm trời hầu như không có gì thay thế được. Có những cậu trai nói yêu người yêu tha thiết nhưng chỉ cần gặp chút rào cản từ phía mẹ là chàng lại từ từ giãn ra và nào là yêu thương tha thiết thì cũng thua chữ “hiếu”.
 
Theo PGS.TS Đỗ Lai Thuý: Việc một người mẹ quá dịu dàng rất có thể gây cho con trai một mối liên kết cả đời không gỡ được. Những chàng trai đó cả đời sẽ vô thức tìm hình bóng của mẹ mình, sự chăm sóc dịu dàng đó từ những người phụ nữ lớn tuổi hoặc có những người cả đời sẽ không lấy vợ vì không sao thoát được hình bóng người mẹ.

Gọi là “hậu quả” thì khiến các bà mẹ tủi thân nhưng đúng đó chính là hậu quả từ việc người mẹ đã vô tình gắn một mối dây khó gỡ đối với cậu con trai mình khiến cậu không thể nào thoát khỏi cái bóng của người mẹ để đi tìm tình yêu của đời mình. Có những chàng trai chỉ có thể yêu người hơn tuổi, hay nói cách khác là chỉ có những người chín chắn già dặn và tỏ ra dịu dàng giống mẹ mới có thể làm cậu thấy ấm áp và rung động.

Hoàng, cậu sinh viên trường Công nghiệp là một người như thế! Bố Hoàng bỏ nhà đi từ khi cậu còn rất bé, Hoàng lớn lên từng ngày với sự chăm sóc duy nhất của mẹ. Tình yêu duy nhất, chỗ dựa duy nhất của cậu và cũng là thế lực duy nhất cậu sợ hãi cũng như là người phụ nữ duy nhất mà, khi cậu bắt đầu trưởng thành, lắng nghe và tôn trọng những quyết định của cậu. Hoàng chỉ biết yêu khi bắt đầu rời xa mẹ đi ôn thi đại học, một cô gái dịu dàng, nhỏ nhẻ, thường khuyên răn Hoàng đủ thứ và hơn Hoàng 2 tuổi. Cũng từ đó, Hoàng bắt đầu say mê những chị gái hơn cậu 4-  5 tuổi. Tất cả những cô gái này, người nào Hoàng cũng gọi là chị nhưng trong những entry blog đẫm nước mắt thì những nhân vật này biến thành “em” hết.

Đó là cách vô thức để Hoàng vẫn có thể theo đuổi một “hình bóng” nào đó mơ hồ xa xôi từ tận tầng sâu của những nơi kín đáo nhất trong lòng, giống như một người chồng đôi khi vẫn ngầm so sánh vợ với mối tình đầu, “con cá không bắt được bao giờ cũng to”. Tuy nhiên, chẳng có mối tình nào trong số những mối tình “máy bay bà già” đó của Hoàng thành cả. Tất cả chỉ là tình yêu đơn phương của Hoàng. Càng yêu nhiều, Hoàng càng bị từ chối nhiều, từ chối phũ phàng nhưng Hoàng vẫn yêu. Đó là vì vô thức, Hoàng muốn duy trì cái cảm giác đau đớn ngọt ngào đó, tình cảm đối với người mẹ yêu quý. Có một vài lần Hoàng thử yêu người ít tuổi hơn, thành công một cách nhanh chóng! Hoàng không bị “các em” từ chối như “các chị”, nhưng chẳng mấy chốc mà Hoàng lại thấy nhạt nhẽo chán nản.

Hoàng là một ví dụ có phần “ngọt ngào”, một ngày nào đó, cậu sẽ thoát được hình bóng của mẹ khi gặp một người con gái thực sự làm lu mờ “mối tình” vô thức đó. Đó cũng là lúc cậu hoàn toàn trưởng thành, bật khỏi mẹ như con tàu Apollo bật khỏi trái đất. Nhưng cũng có những chàng trai, cả đời chẳng yêu, chẳng lấy được ai. Các nhà phân tích tâm học lý giải thích là do chàng trai đó, “không thể thoát được cái bóng của mẹ mình”.

Người mẹ hãy đóng vai trò là bệ phóng

Vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng để giúp con trai có thể “thoát khỏi mình”. Nếu ví người con trai như con tàu vũ trụ Apollo thì nó cần một cái bệ phóng để có thể vươn mình khỏi đất mẹ. Người mẹ, ngay từ nhỏ nên tập cho con tính tự lập, biết bộc lộ tình cảm với con một cách có chừng mực hơn để cậu con trai không bị những tình cảm quá đỗi ngọt ngào chi phối.

Khi con trai bắt đầu lớn, việc hướng con trai đến những mối quan hệ khác giới lành mạnh là cách tốt để con trai mình thể hiện được bản tính đàn ông, thích che chở cho người phụ nữ của mình chứ không phải yếu đuối, khóc lóc dưới chân người yêu như ngày xưa vẫn thường ôm chân mẹ, mà một trong những biểu hiện đó là tìm đến những người phụ nữ nhiều tuổi hơn để cảm nhận được sự bé bỏng ngày nào, khi vẫn còn được mẹ nuông chiều bế ẵm.

Khi con trai dẫn bạn gái về nhà, người mẹ có thể bày tỏ sự ủng hộ bằng cách cố gắng nhìn nhận những điểm tốt của cô gái thay vì soi mói việc cô ta mặc váy quá ngắn hay cười lộ hết cả lợi... để giúp con trai tự tin hơn trong việc lựa chọn bạn tình.

Những việc làm này của người mẹ cũng sẽ khiến con trai mình biết tôn trọng vợ hơn, chính thức bước ra khỏi vòng tay người mẹ và đảm đương gia đình như cha của chúng ngày xưa vậy.
 

Theo Thần thoại Hy Lạp, các nhà tiên tri cho vua thành Thébes biết rằng con trai ông sẽ giết cha để lấy mẹ nên hoàng tử Edip mới chào đời đã bị vứt vào rừng. Tuy nhiên, Edip được cứu sang xứ khác và trở thành vua của nước ấy.

Khi lớn lên, Edip trở thành người dũng cảm can trường, tuy nhiên trên đường đến một vương quốc lạ (chính là vương quốc của mình mà Edip không biết), chàng đã giết cha mình, sau đó nhờ thắng quái vật Sphinx mà được lấy hoàng hậu thành Thébes và lên làm vua ở đây.
 
Nhiều năm sau, khi đã có 4 con, Edip biết được người mình lấy làm vợ chính là mẹ đẻ, chàng đã tự chọc mù hai mắt và tự lưu đày khỏi vương quốc. Các nhà Phân tâm học lấy luôn tên gọi của Edip đặt tên cho mặc cảm yêu mẹ ghét bố của người con trai.

 Theo GĐXH

Chia sẻ