"Sống với nhau, hai người cần biết hấp dẫn..."

Trường Giang,
Chia sẻ

Vì đó chính là cách mà người phụ nữ mới có được hạnh phúc. Đừng bao giờ đội cho tình yêu một cái lốt để rồi là vợ nhưng thường xuyên ca thán về chồng...

Đó là chia sẻ của chị Mai Linh (35 tuổi) - người đã từng nghe rất nhiều phụ nữ tâm sự về chuyện chán chồng, về cuộc hôn nhân khổ sở của mình. Chị Mai Linh cho rằng: Cuộc sống gia đình là sự đồng thuận, không ai phải cam chịu ai, phục tùng ai... chị cho biết, hiện tại chị hài lòng với hạnh phúc gia đình mình. 

Chị là một người rất hạnh phúc với một gia đình đẹp, tôi tạm gọi như thế vì tạm thời chưa nghĩ ra từ nào đánh giá hạnh phúc gia đình của chị. Nhưng tôi có một thắc mắc là tại sao chị cứ thường can dự vào chuyện người phụ nữ khác chia tay người yêu hoặc bỏ chồng?

Cô thấy tôi hạnh phúc không? Tôi được chồng giúp đỡ những việc ở nhà. Anh ấy ra đường đạo mạo, chưa biết anh ấy có vào nhà nghỉ với cô nào hay không, nhưng về nhà anh ấy luôn tỏ ra yêu, chiều và giúp đỡ vợ hết sức. Việc này tôi thấy không phải để lấy lòng, vì đó là thói quen của vợ chồng tôi kể từ khi yêu rồi lấy nhau đến lúc có con cái.

Trong suy nghĩ của tôi, chuyện vợ chồng có thể là tồn tại đến hết cuộc đời, vẫn có khả năng 30% là đứt gánh. Hạnh phúc là do tôi chứ không phải do người đàn ông sống cạnh mình. Anh chồng của mình có thể ứng xử tốt với mình vì mình xứng đáng được ứng xử tốt.

"Hạnh phúc là do tôi chứ không phải do người đàn ông sống cạnh mình" (Ảnh minh họa).

Tất cả những người phụ nữ ca thán với tôi về sự thiệt thòi, khổ sở quá 3 lần là tôi đều khuyên dứt khoát với người yêu, với chồng. Vì tôi nghĩ, đến lần thứ 5, thứ 6 họ gặp tôi họ vẫn than về sự thiệt thòi và sự khổ sở khi sống với người đàn ông đội lốt tình yêu.

Tôi vẫn chưa thể hiểu được ý chị…

Tôi là một người phụ nữ có thể ngồi uống rượu với chồng và bạn chồng, hoặc với những người đàn ông khác mà không bị ai đánh giá. Hoặc có người đánh giá, nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy bất kỳ một lời đánh giá nào. 

Cách đây một ngày, tôi có ngồi cùng với một nhóm bạn bè. Một anh bạn tôi, đưa vợ đến bàn nhậu. Họ lấy nhau được 2 năm, có một nhóc hơn 1 tuổi. 

Tôi thấy cô vợ anh ngồi khép nép, nói gì cũng nhìn về phía chồng, xem phản ứng của chồng. Tôi ngồi với bạn mình, với chồng mình bao lâu, chưa bao giờ họ sai tôi làm một việc gì để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông. Nhưng lúc đó, tôi choáng váng vì cách hành xử của ông chồng cô ấy – anh bạn tôi.

Đầu tiên, cô ấy mới ngồi chưa nóng chỗ, anh ấy sai cô ấy đi lấy cà chua cho vào nồi lẩu, trong khi đó là việc của nhà bếp. Rồi mọi người ăn uống, cô ấy phải để ý, chén - bát của ai hết phải là phải tiếp đồ. Có một anh bạn, cô ấy không để ý nên không tiếp kịp, chồng cô ấy mắng cô ấy trước mặt mọi người.

Cô ấy làm mọi việc một cách cam chịu. Khi không hoàn thành tốt những việc đó, cô ấy mặc định là lỗi của mình. Tôi tế nhị nói với anh bạn tôi – chồng cô ấy: “Chị ấy đến đây là để giao lưu, ăn uống với mọi người chứ không phải đến đây để phục vụ…”. Anh bạn tôi gạt phắt đi và còn đá chút đả kích, nhằm vào chồng tôi: “Việc đó là việc vợ anh làm quen ở nhà rồi. Việc nhỏ như thế không làm được thì làm vợ làm sao được?”.

Tôi cứ ám ảnh về hình ảnh người phụ nữ kia, và những người cam chịu phục vụ chồng từ nhà ra ngõ, ra đường. Họ được chồng cho đi chơi (nghe chua xót, đó là quyền của mọi người mà phải được sự đồng ý, cho phép của chồng) thì mới được đi. Họ gắn với chồng như một… bà ô sin đi phục vụ chủ. Đi chơi mà cũng phải dọn dẹp như ở nhà…

Và rồi họ lại “tâm sự” với tôi với giọng buồn thê lương, có thể có người còn thêm nước mắt. Tôi rất sợ những kiểu tâm sự thế vì tôi không hiểu tại sao người ta có thể sống với những thứ tồi tệ như vậy? Điều tôi nói với họ: Chia tay đi, có hai mục đích: Một là để họ lần sau không tâm sự với tôi nữa. Họ tâm sự xong, cuộc sống của họ vẫn nguyên vẹn vậy thì không nên tâm sự. Hai là, họ nhận thức lại bản thân. 

Nhưng, thông thường có 80% những người phụ nữ tâm sự với tôi, được nghe tôi nói vậy đã không… tâm sự với tôi nữa và sống tiếp cuộc sống vốn có của họ. Có lẽ họ lại đi tâm sự với những người khác, đồng cảm với họ chăng? Tôi không phải người phụ nữ chấp nhận những điều đó nên tôi không cùng tiếng nói với họ. Có thể tôi ích kỷ, hẹp hòi và thiếu sự nhân văn, nhưng tôi chọn giải pháp vậy.

Chúng ta hay "đội lốt" tình yêu, con cái và nhiều thứ để ép nhau sống “tích cực” (Ảnh minh họa).

Hôn nhân cần có sự hi sinh của một trong hai người, vợ hoặc chồng…

À, trong số chúng ta có rất nhiều người thường hay nhân danh tình yêu, con cái và nhiều thứ để ép nhau sống “tích cực”. Nhưng kỳ thực, cuộc sống gia đình là quá trình trao đổi ý kiến và đồng thuận. Tôi không phải người phụ nữ toàn năng, chồng tôi cũng không phải người đàn ông hoàn hảo. Tuy nhiên, sống với nhau, tôi cần hai người hấp dẫn nhau.

Tôi là một người phụ nữ hay, tốt, tôi phải được chồng ghi nhận và nâng niu những cái đó. Cái gì tôi chưa tốt, tôi sẽ sửa nhưng phải nói với nhau có tình, có lý. Chồng tôi cũng vậy, tôi ghi nhận những cái tốt của anh ấy trong cuộc sống, ghi nhận những khó khăn và tôi có khả năng chia sẻ với anh ấy nhiều thứ.

Cứ cho là tôi ích kỷ, nhưng tôi không tin rằng người đàn ông là chồng có thể che chở cho tôi. Chính vì thế mà tôi chủ động trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Mục tiêu của tôi là làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình với công việc, gia đình và các quan hệ xã hội cũng cần phải độc lập và nghiêm túc. Chồng tôi không thể can thiệp và không thể ý kiến không đúng về cuộc sống riêng tư của tôi.

Trước mặt mọi người, chúng tôi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương nhau chứ không phải thể hiện đẳng cấp sai khiến, hằn học và hạ bệ nhau. Tất nhiên, có những thứ gợn trong cuộc sống gia đình, nhưng cơ bản là thế nên tôi chấp nhận được.

Đây cũng là một điều chị em phụ nữ nên suy nghĩ. Mỗi người sẽ có những lựa chọn ứng xử với người bạn đời, nhưng tôi thích cách ứng xử của chị! Chúc chị hạnh phúc!

Chia sẻ