Sở Y tế Nam Định giải thích vụ 2 cháu bé tử vong sau khi tiêm phòng ở trạm y tế
Hội đồng kết luận: Trẻ tử vong không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc xin; không do thực hành tiêm chủng; việc tử vong chưa xác định được nguyên nhân…
Thông tin 2 trẻ tử vong sau khi tiêm, uống vắc xin bại liệt tại trạm y tế ở Nam Định vừa qua gây xôn xao dư luận. Mặc dù phía Bộ Y tế cũng đã có thông báo và kết quả ban đầu cho thấy, "Trẻ tử vong không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc xin..." thế nhưng nhiều người vẫn chưa hẳn hết lo lắng.
Vắc xin ComBe Five được chỉ định
Liên quan đến sự việc trên, ngày 30/12, ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định cho biết, sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Nam Định đã thành lập đoàn công tác, tiến hành điều tra, thu thập thông tin về công tác tiêm chủng tại các cơ sở Y tế liên quan.
Sở Y tế tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội đồng đánh giá tai biến phản ứng nặng sau tiêm chủng. Hội đồng kết luận: Trẻ tử vong không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc xin; không do thực hành tiêm chủng; việc tử vong chưa xác định được nguyên nhân…
Ông Đỗ Đức Lưu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định thông tin về 2 trường hợp liên quan
Danh tính 2 trẻ xác định tử vong gồm, cháu Hứa Trần Gia H., (SN ngày 29/9/2018, ở xóm 10, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, Nam Định) và cháu Mai Tiến Đ., (SN 12/10/2018, ở xóm 13, xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, Nam Định).
Cụ thể; vào ngày 25/12/2018, cháu H. được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Thọ Nghiệp để tiêm vắc xin. Tại đây, sau khi khám sàng lọc, cháu H. được cán bộ Y tế chỉ đinh tiêm vắc xin ComBe Five mũi 1, OPV1 vào lúc 7h41.
Sau khi tiêm, qua thời gian theo dõi tại Trạm trong thời gian 30 phút theo quy định, cháu H. không có biểu hiện bất thường về sức khỏe, được cho về nhà. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, cháu có biểu hiện sốt nhẹ. Đến chiều ngày 26/12 cháu sốt cao.
Đến 19h30 ngày 26/12 cháu H. có biểu hiện tím tái. Qua thăm khám của một cán bộ y tế công tác tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy (hàng xóm của gia đình) cháu có biểu hiện thở nấc, cơn ngừng thở, nhịp tim rời rạc. Khi đó, gia đình đã gọi xe đưa cháu tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy. Tuy nhiên, khi đến nơi. Trung tâm xác định cháu đã tử vong trước đó.
Trẻ được đưa đi tiêm phòng (ảnh trẻ tiêm ngừa tại một bệnh viện)
Về cháu Mai Tiến Đ., (SN 12/10/2018, ở xóm 13, xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, Nam Định).
Vào 7h40 sáng ngày 25/12 cháu Đ. được cán bộ Y tế của Trạm Y tế xã Trực Mỹ tiêm vắc xin ComBe Five mũi 1, cho uống OPV lần 1 và uống Rotavin.
Sau khi tiêm và uống vắc xin, được theo dõi 30 phút tại Trạm Y tế đúng quy định, cháu Đ. vẫn khỏe mạnh, được về nhà. Tuy nhiên, sang ngày 26, từ thời điểm 17h cháu có biểu hiện sốt 38 độ C.
Sáng ngày 27/12, cháu có biểu hiện da lạnh, tím tái. Cháu được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng (cách nhà gần 10 km) sau đó để cấp cứu. Tuy nhiên, giống trường hợp cháu H., cháu Đ. cũng được Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng xác định đã tử vong ngoại viện.
Ông Đỗ Đức Lưu thông tin thêm, trong đợt tiêm chủng này, tỉnh Nam Định đã cấp cho các cơ sở Y tế trong tỉnh tổng cộng 11.040 liều vắc xin ComBe Five để tiêm mũi 1 trong ngày 25/12/2018. Tổng số trẻ đã được tiêm là 8.456/11.025 trẻ.
Ngoài hai trường bị tử vong trên, sau tiêm chủng, toàn tỉnh ghi nhận có 40 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị vì bị sốt cao, quấy khóc, một số trường hợp bị tím tái toàn thân, khó thở từ nhẹ đến nặng.
Ngoài ra còn có 716 trường hợp có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại vị trí tiêm. Các trường hợp trên đều đã được xử lý, sức khỏe trẻ đã ổn định.
6/12 tỉnh ghi nhận có trẻ sốt cao
Theo Bộ Y tế cho biết, đến ngày 27/12/2018, đã có 12 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBe Five đã được triển khai gồm: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An với tổng số trẻ được tiêm là 69.929 trẻ.
Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỷ lệ khoảng 0,05% - 5,5%. Các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Các địa phương còn lại sẽ triển khai vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng 1 năm 2019.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong đó có vắc xin ComBE Five la2: sốt từ 38-39°C chiếm tới 44,5%, phản ứng sưng 38,5%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56,3%, đau 25,6%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%.