Số lượng lông, tóc trên cơ thể thường phụ thuộc vào gen nhưng nếu chúng mọc bất thường thì hãy coi chừng với một số bệnh này

Mai Nhung,
Chia sẻ

Lông trên cơ thể mọc nhanh, cứng, rậm rạp hoặc dễ rụng là do đâu? Hormone có thể là nguyên nhân đằng sau những hiện tượng bất thường này.

Lông là một phần của cơ thể và có nhiệm vụ che chắn cơ thể, ví dụ như tóc che chắn vùng đầu. Gary Goldenberg, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư về da liễu tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai cho biết, số lượng lông, tóc trên cơ thể thường phụ thuộc vào gen. Do đó, bạn sẽ nhận thấy một số người mọc ít lông, lông mỏng, trong khi những người khác lại có lông rậm rạp và cứng hơn.

Sự thay đổi đột ngột của lông trên cơ thể, ví dụ như lông phát triển nhanh, dày hơn đến dễ rụng... đều có thể có là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tất cả những hiện tượng, từ lông phát triển nhanh, dày hơn đến dễ rụng đều cần phải lưu ý. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến lông, tóc mọc bất thường:

Mất cân bằng hormone

Lông trên cơ thể tiết lộ điều gì về sức khỏe? - Ảnh 1.

Lông tóc mọc nhanh hoặc dễ rụng thường là dấu hiệu cho thấy mất cân bằng hormone androgen.

Margaret E. Wierman, giáo sư kiêm trưởng khoa nội tiết tại Trung tâm y tế trực thuộc Đại học Colorado ở Denver cho biết, chứng rậm lông thúc đẩy lông mọc ở bụng, ngực, rốn và trên lưng. Mọc nhiều sợi lông xung quanh vú là hiện tượng bất thường ở phụ nữ và bác sĩ có thể dựa vào dấu hiệu này để chẩn đoán chứng rậm lông.

Trên thực tế, khi nồng độ estrogen suy giảm trong thời kỳ mãn kinh, testosterone tăng cao, nhiều phụ nữ có xu hướng nhận thấy tóc mỏng, dễ rụng, trong khi lông trên mặt lại rậm và dày hơn.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một vấn đề sức khỏe xảy ra do hiện tượng mất cân bằng hormone sinh sản. Theo thống kê của Hiệp hội tư vấn Sức khỏe Phụ nữ Hoa Kỳ, tình trạng này ảnh hưởng đến gần 1/10 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

PCOS tác động tới buồng trứng, nơi sản sinh ra trứng mỗi tháng như một phần của chu kỳ kinh nguyệt. Khi mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang, trứng sẽ gặp vấn đề về phát triển hoặc không thể di chuyển ra ngoài trong ngày “đèn đỏ” như bình thường.

Hiện tượng này sẽ thúc đẩy một loạt các triệu chứng như chu kỳ không đều, xuất hiện mụn trứng cá, mỏng tóc hoặc mọc quá nhiều lông trên mặt, cằm và các bộ phận khác trên cơ thể. Nguyên nhân là do nồng độ testosterone trong cơ thể tăng cao kích thích lông phát triển quá mức.

Thiếu sắt

Lông trên cơ thể tiết lộ điều gì về sức khỏe? - Ảnh 2.

Ngoài hiện tượng rụng tóc, thiếu sắt còn có thể dẫn tới giòn móng và thúc đẩy thói quen tiêu thụ đồ ăn vặt.

Một số người có xu hướng rụng tóc tự nhiên vào mùa xuân và mùa thu, trong khi những người khác lại vào mùa hè và mùa đông. Tuy nhiên, rụng tóc quá nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo thiếu máu hoặc thiếu chất sắt trong máu. Người đang ăn chay có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Nếu bạn nghi ngờ bản thân đang thiếu sắt, hãy đi xét nghiệm máu để tìm  hiểu rõ nguyên nhân.

Tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả

Lông trên cơ thể tiết lộ điều gì về sức khỏe? - Ảnh 3.

Bác sĩ thường tiến hành xét nghiệm máu hoặc đo lượng hormone kích thích tuyến giáp để chẩn đoán tình trạng này.

Theo Viện Tiểu đường, Bệnh tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), tuyến giáp nằm ở cổ và là nơi sản sinh ra các hormone giúp kiểm soát năng lượng trong cơ thể. Khi thiếu hụt hormone tuyến giáp, nhiều bộ phận trên cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó có tóc.

Rụng tóc liên quan đến tuyến giáp có các triệu chứng cụ thể. Hiện tượng rụng 1/3 lông mày, xuất hiện nếp nhăn trên móng tay là dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp tự miễn.

Thay đổi hormone estrogen

Lượng hormone estrogen trong cơ thể cũng tác động không nhỏ tới lông tóc. Khi nồng độ hormone này tăng cao, tóc có xu hướng dày hơn bình thường. Trái lại, chúng nó có thể gây rụng tóc nếu ở mức thấp. Joshua Zeichner, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York giải thích, sự thay đổi đột ngột của estrogen sau khi mang thai hoặc ngừng sử dụng thuốc tránh thai là nguyên nhân khiến không ít chị em phụ nữ bị rụng tóc tạm thời.

Tác dụng phụ của thuốc

Lông trên cơ thể tiết lộ điều gì về sức khỏe? - Ảnh 4.

Một số loại thuốc điều trị có thể tác động trực tiếp đến sự phát triển của lông trên cơ thể.

Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm và thuốc chống đông máu là gây rụng tóc tạm thời. Rụng tóc TE (Telogen effluvium) là tình trạng rụng tóc thường xảy ra sau khi mang thai, phẫu thuật, sụt cân nghiêm trọng hoặc căng thẳng cực độ.

Trái lại, một số loại thuốc có thể thúc đẩy sự phát triển của lông tóc như danazol, thuốc chống co giật phenytoin và glucocorticoid. Trong hầu hết các trường hợp, sự thay đổi về tóc không phải vĩnh viễn và sẽ tự biến mất khi bạn ngừng sử dụng thuốc.

Bệnh tự miễn

Một số bệnh tự miễn có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe nang tóc, dù hiện tượng này khá hiếm gặp. Người mắc có thể bị rụng tóc, xuất hiện các mảng trắng trên đầu do rụng tóc hoặc thậm chí trọc đầu. Tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc steroid và tóc sẽ mọc trở lại sau một khoảng thời gian.

Xuất hiện khối u

Nếu chứng rậm lông xuất hiện rất đột ngột, nghiêm trọng và kéo dài, kết hợp với nồng độ hormone tăng cao, đây có thể là dấu hiệu cho thấy một khối u xuất hiện trong cơ thể của bạn. Khối u có khả năng kích thích sản sinh hormone nam, làm mất cân bằng hormone, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển lông tóc. Tuyến thượng thận và buồng trứng là hai nơi có nguy cơ xuất hiện khối u cao nhất. Dù tình trạng này không phổ biến, mọi người nên đến bác sĩ để kiểm tra nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường.

Theo Prevention

Chia sẻ