Sau nhiều lần nín nhịn, nàng dâu quyết tâm xách vali ra đi, trước khi quay lưng còn tuyên bố một câu khiến nhà chồng “tức nổ phổi”
Cô cười nhạt, đáp lời 2 mẹ con họ: "Mẹ nói đúng đấy ạ. Thời buổi này, chồng với mẹ chồng thì dễ kiếm, chứ tiền thì khó kiếm lắm...
Bố mẹ Thùy ly hôn từ khi cô còn bé, hơn ai hết cô hiểu rõ nỗi buồn của những đứa trẻ có gia đình không trọn vẹn. Khi cô lấy chồng, mẹ cô cũng nhắc đi nhắc lại, cố gắng chung sống hòa thuận với chồng và nhà chồng, đừng để cảnh đổ vỡ xảy ra, lúc ấy mình thiệt 1 thì con cái thiệt 10.
Chính vì thế, khi bước vào cuộc hôn nhân với Phong, Thùy luôn đặt tiêu chí "nín nhịn" lên hàng đầu. Cưới xong, mẹ chồng muốn thâu tóm hết tiền vàng cưới của vợ chồng cô, cô cũng đưa, vì biết thừa nếu không đưa ắt sẽ có sóng gió trong nhà. Phong vẫn giữ nguyên thói quen đưa lương cho mẹ từ hồi độc thân, giờ lúc này đã có vợ, Thùy cũng cho qua. Không sao hết, sau này đằng nào chẳng là của vợ chồng cô, con cô, bởi mẹ chồng chỉ còn 1 mình lại có mỗi con trai là Phong.
Ảnh minh họa
Mẹ chồng bảo lương của Phong để tiết kiệm, tiêu nguyên lương của cô là đủ. Mà ngày cô đi làm, nên cô phải đưa sinh hoạt phí của cả nhà cho bà chợ búa, cơm nước. Thùy đồng ý. Nhưng tháng 20 ngày thì cô vẫn phải đi chợ, vì nhiều lần tối mịt về nhà song trong tủ lạnh chẳng có gì ăn. Biết trước, Thùy tan làm lại tạt qua chợ, hoặc sáng sớm trước đi làm chạy ra ngõ mua trước đồ. Tất nhiên tiền cô đâu thể xin lại mẹ chồng, chỉ rút tiền túi của mình ra mà thôi.
Khi cô mang thai, mẹ chồng chả nấu được gì bổ dưỡng cho con dâu, còn liên tục muốn sắm đồ mới. Nào thì thay tủ lạnh, đổi ti vi, lắp điều hòa. Thùy lấy đâu ra tiền mà sắm, đành chịu đựng mọi lời ca thán của bà. Chồng Thùy nhìn tất cả trong mắt nhưng thờ ơ như chuyện chẳng liên quan đến mình.
Thùy sinh con, mẹ chồng đuổi khéo cô về bên ngoại ở cữ hẳn 3 tháng. Trong thời gian ấy, bà với chồng Thùy sang thăm cô được mấy bận, chả mua cho cháu gì, còn hỏi vay khéo tiền thai sản của Thùy để chi tiêu. Vì "Lương thằng Phong mẹ cho hết vào tiết kiệm rồi, không tiện rút ra". Tất nhiên là làm gì có chuyện trả lại.
Bạn thân Thùy biết chuyện bảo cô dại, cô hâm. Thùy sao không biết những điều mình phải chịu là quá vô lí. Nhưng cô đã xác định sẽ chung sống với Phong cả đời, cô không muốn con mình phải chịu cảnh sống như mình từng trải qua. Vì thế cô chấp nhận nín nhịn hết. Chỉ là chuyện tiền bạc thôi mà. Hết tiền vẫn có thể kiếm ra.
Con được 5 tháng, Thùy đã về nhà chồng ở. Nhưng chủ yếu vẫn là mẹ con cô với nhau. Bà thì viện cớ đau tay không bế được cháu. Phong thì ngại trẻ con quấy nhiễu, cả ngày đi làm về mệt nhọc còn muốn nghỉ ngơi. 6 tháng là đi làm lại, Thùy đang không biết phải gửi con thế nào đây. Nếu muốn mẹ chồng trông, hẳn cô cần "trả lương" bế cháu cho bà, bên cạnh tiền chi tiêu sinh hoạt nộp cho bà hàng tháng. Chưa nói còn vô số thứ cần tiêu đến tiền, nào thì nuôi con, nào thì đi chợ vì mấy khi mẹ chồng đi chợ đâu, một mình cô lo hết, Thùy thật sự khó mà cáng đáng được.
Giữa lúc ấy con gái cô phát hiện bị một bệnh lí bẩm sinh. Tuy không nghiêm trọng nhưng cần phải phẫu thuật, và chi phí cũng khá tốn kém. Tiền thai sản và dành dụm từ trước Thùy đã tiêu gần hết sạch, vì sắm sửa và chăm con mấy tháng qua tốn kém quá, mà cô lại chưa đi làm lại để có lương. Sau khi biết bệnh của con, Thùy liền ngỏ ý với mẹ chồng, cho cô vay lại ít tiền, sau này đi làm cô sẽ trả dần cho bà. Thùy nói "vay" mà thấy cay cay sống mũi, bởi con bệnh, Phong đáng nhẽ phải có trách nhiệm. Bà cầm hết lương của Phong, nên việc bà đưa tiền ra là điều tất nhiên ấy chứ.
Ngờ đâu Thùy đã nói khó tới vậy, nhưng mẹ chồng vẫn từ chối với lí do cũ rích "tiền đã gửi ngân hàng, giờ không rút được". Còn Phong thì bảo vợ, đằng nào cũng vay rồi trả, vậy vay người ngoài khác gì nhau, có khi vay người ngoài còn có trách nhiệm mà trả hơn, chứ vay người nhà lại ì ra.
Thùy thật sự chẳng còn gì để nói. Cô bỗng cảm thấy chán chường cực độ, chẳng còn sức lực để tiếp tục nghĩ về tương lai ở cái gia đình này nữa. Cô cố gắng từ trước tới nay vì cái gì vậy? Cuối cùng có được điều gì không? Hay họ chỉ muốn "bóc lột" cô đến khi cô cạn kiệt thì quay lưng, thậm chí cả với chính máu mủ nhà mình. Lúc hết tiền bạc trong người, Thùy mới nhận ra, tiền quan trọng lắm, trước hết là nó sẽ cho con cô có cuộc sống đủ đầy, không thua bạn kém bè. Và ngay lúc này nó sẽ giúp con cô chữa bệnh. Tiền quan trọng như thế, đáng lẽ cô phải tích góp cho bản thân và con, cớ gì cần "nuôi báo cô" những kẻ chẳng yêu thương gì mình!
Cả thời gian ở viện với con, Thùy cứ nghĩ mãi, và càng nghĩ càng thấy chán, càng muốn buông bỏ những thứ nặng gánh đang quấn lấy thân. Khi con ra viện chưa bao lâu, mẹ chồng lại gọi Thùy đến nhờ cô vay hộ ít tiền, vì em gái bà đang cần tiền gấp lo chút chuyện. Thùy cười nhạt, lại muốn lợi dụng cô đây mà, cô vay đảm bảo rồi cô sẽ tự phải trả. Nếu là khi trước, có lẽ cô sẽ đồng ý, nhưng bây giờ cô chả ngại ngần từ chối luôn. "Đúng là chẳng nhờ vả được gì, động đến tiền nong một cái là nó xù lông lên ngay", mẹ chồng nói với Phong ngay trước mặt Thùy. Phong biết vợ không giúp nhà mình cũng nổi khùng, mắng Thùy ích kỉ, nhỏ nhen, không coi nhà chồng ra gì... đủ thứ từ ngữ nặng nề.
Ảnh minh họa
Thùy nhìn mẹ chồng và chồng, sợi dây mang tên "nín nhịn" còn rất mỏng manh trong cô cuối cùng cũng đứt phựt. Cô cười nhạt, đáp lời 2 mẹ con họ: "Mẹ nói đúng đấy ạ. Thời buổi này, chồng với mẹ chồng thì dễ kiếm, chứ tiền thì khó kiếm lắm. Con phải giữ chặt lấy tiền để nuôi thân, nuôi con chứ, không tới lúc cần tiền đi viện chả ai cho vay. Còn tất nhiên mẹ không xù lông lên là bởi vì từ trước tới nay mẹ toàn nhận tiền người khác đưa, mẹ đã bao giờ phải bỏ tiền túi của mình ra cho người khác đâu!".
Nói xong cô nhanh chóng thu dọn đồ của 2 mẹ con rồi xách vali về nhà ngoại. Đừng nói cô kiếm tiền khó khăn, cho dù thừa tiền đi chăng nữa, cô cũng không bao giờ muốn ở đấy mà tiếp tục cung phụng cái gia đình đó nữa đâu. Có khi họ lấy tiền của cô xong, sau lưng còn phỉ nhổ bảo cô ngu ấy chứ!