Sau cú sốc đề Toán, tiếng Anh khó, nhiều sĩ tử bất an lo trượt đại học

Kim Anh/VTC News,
Chia sẻ

Nhiều thí sinh vẫn chưa hết 'sốc' trước độ khó đề Toán, tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT, đi kèm nỗi bất an khi dùng tổ hợp có hai môn này xét tuyển đại học.

Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã khép lại được vài ngày, nhưng với Nguyễn Quang Anh, học sinh lớp 12 tại Hải Phòng, cảm giác choáng váng sau buổi thi môn tiếng Anh vẫn chưa nguôi.

Từng đạt thành tích tốt suốt những năm học phổ thông, đặc biệt là ở môn tiếng Anh, Quang Anh bước vào phòng thi với tâm thế khá vững vàng. Thế nhưng, chỉ sau vài phút đối mặt với đề thi dài kín bốn mặt giấy, nam sinh bắt đầu hoang mang.

"Đề không chỉ dài mà còn nặng về từ vựng, ngữ pháp, thậm chí khó hơn bài thi IELTS. Nhiều câu em đánh bừa đáp án, không còn thời gian xem lại, trong khi những đề em luyện trước đây dù khó thì vẫn còn dư 10-15 phút" , nam sinh nhớ lại.

Sau kỳ thi, Quang Anh liên tục theo dõi các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm kiếm sự an ủi. Những dòng chia sẻ như "đề thi khó nhất lịch sử" hay "đề dài, khó ngang IELTS" xuất hiện dày đặc, khiến 10X cảm thấy bớt căng thẳng hơn. "Thấy nhiều bạn cũng than giống mình, em cũng đỡ lo phần nào, nhưng nghĩ đến điểm số lại sốt ruột” , Quang Anh thở dài.

Sau cú sốc đề Toán, tiếng Anh khó, nhiều sĩ tử bất an lo trượt đại học - Ảnh 1.

Nhiều thí sinh bất an khi dùng tổ hợp có Toán, tiếng Anh để xét tuyển đại học. (Ảnh minh hoạ)

Không chỉ riêng môn tiếng Anh, đề thi Toán năm nay cũng khiến Quang Anh không mấy dễ chịu. Sau khi đối chiếu với đáp án tham khảo, nam sinh ước tính chỉ đạt khoảng 7 điểm môn Toán, còn tiếng Anh, môn được coi là thế mạnh nhất có thể cũng chỉ quanh mức 7-7,5, trong khi mục tiêu ban đầu là 9 điểm.

"Trước kỳ thi, em dự định sử dụng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) để xét tuyển vào ngành Luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội. Năm ngoái ở khối ngành này, trường lấy điểm chuẩn 26,9. Với tình hình hiện tại, em khá bất an", Quang Anh nói.

Lựa chọn tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) để xét tuyển đại học, Phạm Khánh Huyền, học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho rằng bản thân cùng nhiều thí sinh khác đang ở thế bất lợi khi cả hai môn Toán và tiếng Anh đều bị đánh giá khó, mang tính phân hóa cao. Trong khi đó, một số môn tự chọn thuộc các tổ hợp khác lại được nhận xét là "dễ thở", ít tạo áp lực.

"Các bạn chọn tổ hợp khác có thể gỡ điểm nhờ những môn nhẹ nhàng hơn. Còn chúng em thi Toán và tiếng Anh - hai môn được đánh giá khó nhất kỳ thi, rất khó để đạt điểm cao" , Huyền chia sẻ.

Không có chứng chỉ IELTS để được xét tuyển thẳng, điểm thi đánh giá năng lực cũng chỉ ở mức khá, nữ sinh Hà Nội đặt toàn bộ hy vọng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 như cơ hội cùng để bước chân vào ngành học mơ ước tại một trường đại học top đầu.

Tuy nhiên, chưa kịp chờ đến lúc biết điểm, 10X đã phải nghĩ đến những lựa chọn khác. Sự bất an về khả năng trúng tuyển ngày một lớn, nhất là khi hai trong ba môn xét tuyển lại nằm trong số những môn bị đánh giá là khó nhất năm nay.

"Em thấy thí sinh lựa chọn tổ hợp A01 và D01 năm nay quá thiệt thòi. Em chỉ mong các trường có phương án xét tuyển hợp lý, để không ai bị loại oan vì đề quá khó, chứ không phải vì bản thân không đủ năng lực" , Huyền nói.

Sau cú sốc đề Toán, tiếng Anh khó, nhiều sĩ tử bất an lo trượt đại học - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Chuyên gia tuyển sinh tại một trường đại học ở Hà Nội nhận định, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, điểm chuẩn đại học năm nay sẽ thiết lập một mặt bằng mới, khó đoán định, do chịu tác động từ nhiều yếu tố.

Cũng theo vị này, lo lắng của thí sinh là hoàn toàn có cơ sở khi đề thi môn Toán và tiếng Anh được đánh giá là khó hơn so với mặt bằng chung. Do đề mang tính phân hóa cao, nên nhiều khả năng điểm chuẩn các ngành xét tuyển bằng tổ hợp D01 và A01 sẽ giảm so với năm trước.

Vị này cũng khuyên thí sinh nên giữ tâm lý ổn định, bởi theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường phải đảm bảo quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức xét tuyển. Nguyên tắc xét tuyển hiện hành cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Vì vậy, nếu có chiến lược sắp xếp hợp lý, các em hoàn toàn có thể an tâm theo đuổi ngành học yêu thích.

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính dự đoán phổ điểm tốt nghiệp THPT bình quân của thí sinh năm nay sẽ thấp hơn so với các năm trước. Do vậy, công tác tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục đại học sử dụng phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ có mức điểm chuẩn giảm.

Theo ông Tùng, điểm chuẩn trúng tuyển của các trường đại học top trên có thể giảm từ 3 - 5 điểm. Nhiều trường sẽ có điểm chuẩn thấp, các trường top giữa dự kiến điểm chuẩn dao động giảm từ 3 - 4 điểm.

Với riêng Học viện Tài chính, ông Tùng dự đoán dải điểm chuẩn trải rộng có thể từ 22 - 28 điểm, không tập trung như năm 2024 (từ 26,03 - 26,85 thang điểm 30 và 34,35 - 36,15 thang điểm 40). Đồng nghĩa, điểm chuẩn của một số ngành đào tạo của Học viện Tài chính có thể sẽ giảm hơn so với năm ngoái từ 3 - 4 điểm.

Chia sẻ