Rất dễ viêm màng não vì nuôi chuột cảnh

,
Chia sẻ

Viêm màng não, mắc bệnh dại, uốn ván, dịch hạch… luôn rình rập những người chơi chuột cảnh. Thế nhưng, thị trường chuột cảnh vẫn tấp nập và chuột không được kiểm dịch bày bán tràn lan.

Việc buôn bán chuột cảnh diễn ra sầm uất nhất tại quận 5, từ đường Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng cho đến Lê Hồng Phong... Tiếp phóng viên, một cơ sở bán chuột cảnh ở đường Lê Hồng Phong “báo giá”, chuột lang trưởng thành giá 35.000 - 40.000 đồng một con, chuột con 15.000 đồng. Riêng chuột Hamster được nhiều người yêu thích có giá cao từ 100.000 đến 150.000 đồng.

Một bé gái được bố mua tặng chuột Hamster. (Ảnh: Trường Cơ)

Nhiễm bệnh từ phân chuột

Sau nhiều lần xét nghiệm, chẩn đoán, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cũng phát hiện bệnh nhân N. (26 tuổi, ngụ quận 12), bị chuột truyền virus hiếm gặp là hanta. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, nổi chấm đỏ, sốt cao, xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu. Các bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết, sốt virus, rồi nhiễm trùng tiểu.., nhưng điều trị mãi vẫn không khỏi. Vài ngày sau, bụng bệnh nhân chướng lên, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim, nhịp tim chậm. Các bác sĩ chuyển sang điều trị viêm cầu thận, trị bệnh tim nhưng bệnh vẫn tiến triển nặng hơn.

Các bác sĩ tiếp tục gửi mẫu sang Viện Pasteur TP HCM để tìm hantavirus và kết quả là dương tính. Bác sĩ Trần Ngọc Nam, nguyên Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hantavirus có trong phân, nước tiểu, nước bọt của các loại chuột, kể cả chuột cảnh như Hamster, chuột lang. Khi chết, xác chuột vẫn phóng ra virus. Chúng lây sang người qua đường hô hấp (không lây bệnh từ người sang người).

Khi bị nhiễm virus này, người bệnh thường sốt cao, có khi kéo dài 4 - 6 tuần. Lúc đầu, bệnh nhân sốt, đau vai, đùi, lưng, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, tiêu lỏng, rồi chuyển sang triệu chứng giống bệnh lý về tim, phổi. Do đó, bác sĩ dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa, viêm cầu thận có mủ, bệnh đường hô hấp… Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tụt huyết áp, khó thở, viêm cơ tim, phù phổi và tử vong. Cũng theo bác sĩ Nam, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị vẫn là chăm sóc, theo dõi huyết động học, điều chỉnh các rối loạn tim mạch và hỗ trợ hô hấp ngay từ đầu.

Coi chừng bệnh dại

Giáo sư Trần Vinh Hiển, cố vấn khoa học Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, khuyến cáo, chuột cảnh thường sạch sẽ hơn chuột nhà nên mầm bệnh cũng ít hơn. Tuy nhiên, tất cả loài gặm nhấm đều có khả năng truyền bệnh dại và uốn ván. Riêng loài chuột còn có thể truyền thêm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis gây viêm màng não ở người. Ký sinh trùng này chui vào cơ thể thông qua phân chuột dính trên thức ăn, nước uống, rau ngoài vườn và các loại tôm cua nhiễm bệnh nhưng không được nấu chín.

Theo các bác sĩ, điều đáng lo nhất là việc nuôi chuột cảnh nhập lậu không được kiểm dịch, có thể gây ra các bệnh mà trước đây Việt Nam chưa có. Vì nhiều dịch bệnh chỉ bùng phát khi gặp môi trường, khí hậu, tập quán sinh hoạt. phù hợp. Việc nuôi chuột trong điều kiện mất vệ sinh dễ dẫn đến bệnh dịch hạch và khả năng lan truyền bệnh này từ chuột sang người rất dễ dàng. Chính thói quen ôm ấp, vuốt ve thú cưng khiến người mắc bệnh vì nhiễm virus từ các mô hạch của thú, hoặc bị bọ chét ký sinh ở chuột mắc bệnh cắn và lây truyền. 

Theo Trường Cơ
Baodatviet
Chia sẻ