Quy định quan trọng liên quan đến 5,6 triệu xe máy chạy xăng ở Hà Nội sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2026?

Thái Hà,
Chia sẻ

Đây là nội dung Dự thảo do Sở Xây dựng TP Hà Nội soạn thảo, nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố Dự thảo Nghị quyết để trình HĐND TP Hà Nội xem xét vào kỳ họp tháng 9 tới. Dự thảo nhằm triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về giảm ô nhiễm không khí và thúc đẩy giao thông xanh tại đô thị. 

Nghị quyết đề xuất một loạt biện pháp nhằm hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, diesel), tiến tới chuyển đổi sang phương tiện xanh.

Theo đó, lộ trình hạn chế và tiến tới cấm hoàn toàn xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2026:

Quy định quan trọng liên quan đến 5,6 triệu xe máy chạy xăng ở Hà Nội sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2026? - Ảnh 1.


Từ 1/1/2026 đến 30/6/2026: Thí điểm hạn chế xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1.

Từ 1/7/2026: Cấm hoàn toàn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1.

Quy định quan trọng liên quan đến 5,6 triệu xe máy chạy xăng ở Hà Nội sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2026? - Ảnh 2.


Từ 1/1/2028: Mở rộng lệnh cấm đối với xe máy xăng/diesel và bắt đầu hạn chế ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 và Vành đai 2.

Từ 1/1/2030: Tiếp tục mở rộng lệnh cấm sang khu vực Vành đai 3, áp dụng cho cả xe máy và ô tô cá nhân chạy xăng/diesel.

Quy định quan trọng liên quan đến 5,6 triệu xe máy chạy xăng ở Hà Nội sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2026? - Ảnh 3.


Giai đoạn 2035–2050: Từng bước hạn chế toàn bộ xe cơ giới không phải là phương tiện xanh (bao gồm cả xe sử dụng khí CNG và hybrid) trong Vành đai 1 (2035), Vành đai 2 (2040), Vành đai 3 (2045) và toàn bộ thành phố (2050).

Quy định quan trọng liên quan đến 5,6 triệu xe máy chạy xăng ở Hà Nội sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2026? - Ảnh 4.


Song song với lộ trình này, Hà Nội sẽ thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm và Ba Đình trong giai đoạn 2025–2030. Sau năm 2030, vùng LEZ sẽ được mở rộng bắt buộc tại các khu vực ô nhiễm không khí cao.

Thành phố cũng dự kiến thu phí lưu thông và tăng giá dịch vụ trông giữ đối với xe sử dụng xăng hoặc dầu diezen phát thải gây ô nhiễm môi trường theo lộ trình hạn chế.

Hàng triệu xe máy xăng chịu tác động

Hà Nội hiện đang đối mặt với một trong những vấn đề lớn về giao thông và ô nhiễm môi trường khi thành phố có trên 9,2 triệu phương tiện, trong đó 1,1 triệu ô tô và 5,6 triệu xe máy chạy bằng xăng, còn lại là 1,3 triệu xe máy điện, báo VnExpress cho biết.

Xe máy xăng vẫn là phương tiện chính phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân Thủ đô, đặc biệt tại các quận nội đô, nơi có nhiều ngõ hẻm chật hẹp và mật độ dân số cao. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi gia đình ở các quận lõi có ít nhất hai xe máy, dẫn đến hàng trăm nghìn chiếc xe máy di chuyển mỗi ngày. 

Dự báo dân số Hà Nội sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ do quá trình đô thị hóa. Theo các chuyên gia, đến năm 2025, Hà Nội có thể đạt khoảng 7 triệu xe máy và 1,3 triệu xe ô tô con. Đến năm 2030, số lượng xe máy có thể lên đến 7,5 triệu và xe ô tô con là 1,5 triệu. 

Điều này đồng nghĩa với việc tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu không có các biện pháp kiểm soát và thay đổi phương tiện giao thông hiện tại.

Không chỉ vậy, khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội thu hút hàng trăm nghìn người từ các vùng ngoại thành và các tỉnh lân cận, khiến tình trạng ô nhiễm và giao thông càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh như xe máy điện và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch là cần thiết. Đây không chỉ là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà còn góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông, giúp xây dựng một môi trường đô thị bền vững.

Để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, Dự thảo đề xuất một loạt chính sách như: hỗ trợ tài chính, ưu đãi vay vốn, miễn phí đăng ký xe xanh, nâng cấp hệ thống trạm sạc, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử phạt các phương tiện vi phạm.

Việc ban hành Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải nhà kính, đồng thời thúc đẩy lối sống xanh, phát triển bền vững tại đô thị lớn như Hà Nội.

Thái Hà

Chia sẻ