Quy định mới về việc dừng đèn vàng, áp dụng từ tháng 11, ai cũng cần biết để không bị phạt nặng

Luna,
Chia sẻ

Nhiều người vẫn tưởng chỉ vượt đèn đỏ mới là lỗi vi phạm còn vượt đèn vàng thì không, nhưng hóa ra hiểu nhầm này sẽ khiến bạn tốn rất nhiều tiền phạt.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 06/2016/TT-BGTVT, khi tín hiệu đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”, hoặc trước đèn tín hiệu theo chiều đi (trong trường hợp không có vạch sơn “Vạch dừng xe”). Nếu người điều khiển phương tiện đã tiến sát đến hoặc vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, dừng lại sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

Người điều khiển phương tiện khi đến đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu; trong trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định. Chính sách này có hiệu lực từ 1/11/2016.

đèn vàng
(Ảnh: Internet)

Trước đó, từ ngày 1/8/2016, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã xôn xao trước quy định tăng nặng mức phạt (mức tăng hơn gấp đôi) đối với lỗi vượt đèn vàng theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, theo đó, lỗi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Nếu theo Nghị định cũ 171/2013/NĐ-CP thì mức phạt vượt đèn vàng thấp hơn vượt đèn đỏ, nhưng bắt đầu từ tháng 8, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự vượt đèn vàng sẽ bị phạt từ 1,2-2 triệu đồng, người đi mô tô, xe máy và các loại xe tương tự vượt đèn vàng bị phạt từ 300-400.000 đồng.

Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông cho đến nay vẫn tưởng rằng chỉ vượt đèn đỏ mới là lỗi, còn vượt đèn vàng thì không bị xử phạt, nhưng nay khi đã biết những quy định cụ thể này, bạn hãy nghiêm chỉnh chấp hành để không bị phạt nặng, và quan trọng hơn là không gây nguy hiểm cho chính mình và những người khác cùng tham gia giao thông.

Tổng hợp
Chia sẻ