Quán bánh ướt 35 năm tuổi bên ngoài nhìn xập xệ nhưng lại ngon và rẻ không đâu bằng, đi Huế mấy lần mới biết

Khánh Hà,
Chia sẻ

Chẳng cần biển hiệu bắt mắt hay không gian sang chảnh, quán bánh ướt O Lan (32 Hoàng Quốc Việt, Huế) vẫn khiến du khách tìm đến bằng được. Ngon, rẻ, đậm chất Huế, đây là “tọa độ sống chậm” mà cộng đồng yêu ẩm thực đang truyền tai nhau.

Trong hàng trăm hàng quán ở Huế, nơi đâu cũng có thể bắt gặp bánh ướt, bánh bèo - món ăn quen thuộc tưởng như “không có gì mới”. Ấy vậy mà một quán bánh ướt nhỏ, trông “xập xệ” và lọt thỏm trong con phố yên bình mang tên Hoàng Quốc Việt lại đang âm thầm trở thành “huyền thoại” với dân du lịch sành ăn. Quán bánh ướt O Lan không ồn ào, không quảng cáo rầm rộ, nhưng lại được nhiều người tìm đến vì quá ngon, quá rẻ và quá đỗi bình dị.

Hàng loạt clip hàng review đã khiến nơi này trở thành một “tọa độ ẩm thực” khó bỏ qua nếu bạn ghé Huế và muốn ăn như người Huế chính hiệu.

Quán nhỏ yên bình nhưng đậm tình Huế

Nằm tại số 32 Hoàng Quốc Việt - một con đường không quá sầm uất, quán bánh ướt O Lan không có bảng hiệu lớn, thậm chí trông khá giản dị với mái ngói bờ rô, bàn ghế nhựa cũ kỹ và sân vườn loang nắng. Nhưng chính cái giản dị ấy lại khiến thực khách cảm thấy gần gũi như đang được ăn trong sân nhà ai đó, thật thà, mộc mạc và đầy chất Huế.

@anuonggiohue

Nếu như với nhiều người cho rằng đến một vùng đất khác du lịch phải chọn nhà hàng nổi tiếng, đắt đỏ và sang chảnh thì rõ ràng góc nhỏ của quán bánh ướt O Lan dường như có vẻ khá... xập xệ. 

Thế nhưng, đối với những du khách sành ăn yêu ẩm thực và trải nghiệm văn hóa bản địa, đây là một chốn yên bình mà không phải người dân Huế nào cũng biết. Tìm được một góc nhỏ đầy hoài niệm và mộc mạc như vậy, có lẽ phải... đủ duyên.

@anuonggiohue

Bánh ướt O Lan có gì đặc biệt?

Ở Huế, bánh ướt không lạ, nhưng cái làm nên danh tiếng của O Lan lại chính là góc nhỏ mang đậm vibe hoài niệm xưa cũ. Quán nhỏ của O Lan không biển hiệu rực rỡ, không đông đúc nhân viên tíu tít, chỉ tựa như quán ăn nhỏ nhà bên hàng xóm mà chiều chiều đói bụng có thể đi bộ vài ba bước là có thể làm vài đĩa no nê.

@anuonggiohue

Quán bánh ướt không nằm trong phố lớn, cũng chẳng ở mặt đường, để tìm được quán cũng cần kiên nhẫn đi sâu vào trong xóm. Đối với những khách du lịch đã chán với cái xô bồ, đông đúc và ồn ào của phố thị, muốn trải nghiệm một góc nhỏ an yên và chill chill của thôn quê dân dã thì đây chính là tọa độ lý tưởng. Với giá cả chừng 15k/đĩa, chỉ tầm 2 đĩa là no căng.

@changchamruoc

O Lan - chủ quán bánh ướt, bánh bèo chia sẻ: "O đã bán được 35 năm rồi, trước kia có mẹ O bán nữa, quán bán chủ yếu bánh ram, bánh ướt, bánh bèo". Mọi thứ từ đổ bánh, làm nhân đều do O tự tay làm hết, có lẽ đây chính là điều làm nên cái ngon của những món ăn ở Huế. Dù ít dù nhiều đều do tự tay "nhà làm" để bán mà không phải nhập ở một xưởng gia công nào hết.

@changchamruoc

Dù quán nhỏ, không gian sân vườn lại rất “chill” với tiếng chim hót, cây xanh rợp bóng và sự yên ắng đáng yêu. Nhiều clip trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh thực khách ngồi ăn bánh ướt trong ánh nắng xuyên qua mái hiên, gió lùa nhè nhẹ - một cảm giác “rất Huế” mà chẳng nơi nào có được.

@tuanvu75hue

Có người ăn vì tò mò món ngon, nhưng quay trở lại vì... cái không gian ấy. Bữa ăn đôi khi chẳng cần sang trọng, chỉ cần ngồi yên, nghe chim kêu, ăn món ngon giá rẻ, vậy là đủ!

Trên mạng xã hội, hàng loạt comment khen nức nở:

- “Mình ghé 2 lần trong 3 ngày ở Huế, lần nào cũng ngon”.

- “Chưa bao giờ ăn bánh ướt mà thấy cảm xúc như vậy. Đúng kiểu ‘ăn một lần nhớ cả đời’”.

Có người còn nhận ngay ra "quán ruột" liền để lại bình luận rằng: "Một quán bánh bèo tuổi thơ, cứ 2 giờ chiều là đi bộ đến mua".

@tuanvu75hue

Quán bán từ 8h sáng đến 18h chiều đủ thời gian để du khách có thể hưởng cái tinh khôi của nắng sớm và đón chiều tà bên đĩa bánh thơm ngon. 

Ẩm thực Huế vốn nổi tiếng với sự dân dã, mộc mạc và giá cả phải chăng. Quán bánh ướt O Lan là một minh chứng sống động cho điều đó. Ẩn mình nơi góc nhỏ, không phô trương, nhưng lại mang đến hương vị và cảm xúc rất thật, rất đời. Nếu có dịp về Huế, đừng chỉ ghé Đại Nội hay cầu Tràng Tiền, hãy thử đi sâu vào những con hẻm nhỏ, tìm một chỗ ngồi bình dị, gọi vài cuốn bánh ướt, đĩa bánh bèo, chấm miếng nước mắm cay nồng… có thể bạn sẽ hiểu vì sao Huế khiến người ta lưu luyến đến vậy.

Chia sẻ