Phương án nào để giải quyết "siêu tàu" mắc kẹt ở kênh đào Suez?
Đã 6 ngày trôi qua kể từ khi "siêu tàu" chở hàng Ever Given bị mắc kẹt trên dòng nước kênh đào Suez, tuyến đường biển huyết mạch nối châu Á và châu Âu.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy, hơn 300 con tàu đang neo chờ ở hai đầu kênh Suez. Cứ mỗi giờ trôi qua, kinh tế thế giới lại mất đi khoảng 400 triệu USD vì hàng hóa bị ứ đọng ở nút cổ chai này.
Cơ quan quản lý kênh Suez đang chạy đua với thời gian, khẩn trương tìm cách gỡ khó. Các phương án giải cứu được "đặt lên bàn" như sau:
- Phương án đầu tiên đang được triển khai là xúc cát, nạo vét kênh đúng chỗ đầu tàu đang mắc cạn. 14 con tàu lai dắt cũng được điều động, vừa kéo vừa đẩy Ever Given thoát khỏi chỗ kẹt. Tuy nhiên, sóng to, gió lớn khiến nỗ lực này đang gặp nhiều khó khăn, "siêu tàu" chở hàng mới chỉ dịch chuyển được chút ít.
- Phương án B đang được tính đến là giảm tải trọng tàu Ever Given. Con tàu này đã chủ động xả 9.000 tấn nước được tích trữ trong các khoang cân bằng. Bên cạnh đó, việc dỡ bớt hàng hóa xuống cũng được cân nhắc.
Các tàu chở hàng "nhàn rỗi" tại vịnh Suez. (Ảnh: AP)
Hãng truyền thông BBC trích ý kiến một chuyên gia vận tải biển của Anh cho thấy, việc thực hiện phương án này là không dễ dàng. Ever Given là con tàu khổng lồ, cần cẩu dỡ hàng cũng phải ngoại cỡ. Chiều cao cần cẩu phải lên tới 60m, tương đương tòa nhà 20 tầng. Quy trình này phải mất hàng tuần lễ.
- Phương án C: đi vòng qua mũi Hảo Vọng. Các hãng tàu đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là chờ đợi để qua kênh Suez hay chọn tuyến đường khác. Hành trình từ châu Á đến châu Âu qua kênh Suez mất 14 ngày. Giờ đây, khi kênh Suez bị tắc đường, một lựa chọn khác là vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, nhưng hành trình này sẽ mất tới 24 ngày, gây tốn thêm thời gian, chi phí nhiên liệu và nhân lực.
Trong khi đó, giá cước vận chuyển không ngừng đội lên. Do đó, vấn đề do "siêu tàu" mắc cạn gây ra sẽ ngày càng trở nên phức tạp hơn nếu không sớm được giải quyết.