Phun thuốc diệt muỗi coi chừng ngộ độc
Để phòng dịch bệnh, nhiều gia đình tìm mua thuốc để diệt muỗi. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách, những thuốc này có thể gây nguy hại cho người.
Giáo sư Trần Văn Sung, Viện Hóa học, cho biết, các sản phẩm thuốc xịt muỗi, nhang trừ muỗi thường sử dụng nguyên liệu thuộc họ Pyrethrine (được chiết xuất từ cây hoa cúc). Hoạt chất này khi tiếp xúc với môi trường sẽ bị ôxy hóa, chuyển thành các chất ít độc hại. Tuy nhiên, nếu dùng tràn lan, nó có thể gây ngộ độc.
Pha thuốc cho đặc để muỗi… nhanh chết
Phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) vốn nổi tiếng với hàng loạt đại lý bán dụng cụ y tế, dược phẩm. Nay con phố này lại trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân khi tìm tới mua thuốc diệt muỗi. Tại cửa hàng số 29B, khi phóng viên hỏi thuốc phun diệt muỗi, bà chủ tên N. nhanh nhảu mang ra hai loại thuốc bột và thuốc nước. Chưa kịp hỏi về giá cả, công dụng và cách thức sử dụng, bà đã vội đon đả: “Diệt ruồi, muỗi, gián… chết tất! Yên tâm, từ ngày có dịch, nhiều gia đình, cơ quan toàn tới đây mua thuốc này thôi, hiệu nghiệm lắm!”. Hỏi về cách thức sử dụng thì bà nói gọn lỏn: “Cứ đọc kỹ hướng dẫn thì rõ, đơn giản thôi mà!”. Gặng hỏi thêm về cách thức phun, bà chủ dặn: “Không nhất thiết phải theo công thức pha như hướng dẫn đâu. Nếu nhà nhiều muỗi thì pha đặc hơn cho nó nhanh chết”.
Nên thận trọng khi dùng thuốc diệt côn trùng. Ảnh: Đức Long.
Tuy nhiên, một cán bộ của Viện Hóa học công nghiệp cho biết, sản phẩm chứa hóa chất càng mạnh, côn trùng càng mau chết thì khả năng gây ngộ độc cho người tiếp xúc càng cao. Đặc biệt, nếu là loại sản phẩm dạng trôi nổi trên thị trường, hóa chất càng có tác động lâu với côn trùng sau khi phun thuốc thì con người càng phải hít những hóa chất này mỗi ngày. Ngay đối với những hoá chất diệt côn trùng được Bộ Y tế cấp chứng nhận về độ an toàn thì việc thường xuyên tiếp xúc cũng không có lợi cho sức khỏe.
Cần phun thuốc đúng cách
Giáo sư Trần Văn Sung cho biết, trước đây các sản phẩm diệt côn trùng thường được sản xuất theo ba nhóm: nhóm có gốc clo hữu cơ (gồm các chất như Aldrin, DDVP, DDT, BHC, Lindane), nhóm có gốc phốt pho hữu cơ (gồm Dichlorvos, Mathathion, Diazinon) và nhóm có gốc Pyrethrine. Thuốc xịt muỗi nhóm 1 và 2 đã bị cấm sử dụng do rất độc. Người dùng có thể bị nhiễm độc nếu không mang khẩu trang, bị dị ứng da, chảy nước mắt, ngứa, hắt hơi, khó thở…
Hiện hầu hết sản phẩm thuốc diệt côn trùng đều được nhập khẩu. Sản phẩm của các hãng lớn đều thuộc nhóm 3, tức là thành phần hóa học có gốc Pyrethrine. Ưu điểm của nó là an toàn cho người, động vật máu nóng, nồng độ tương đối thấp. Đa phần các sản phẩm này đều được kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người và động vật.
Khi phun các loại thuốc này, hóa chất sẽ bám lên bề mặt tường, tủ, bàn ghế. Côn trùng đậu vào sẽ bị hoá chất làm tê liệt hệ thần kinh và chết. Tùy vào liều lượng, địa bàn, thời tiết phun mà thuốc diệt muỗi có tác dụng trong 3 - 6 tháng với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Giáo sư Trần Văn Sung đưa ra chỉ dẫn, người dân chỉ nên phun thuốc theo định kỳ 3 - 6 tháng. Tốt nhất sau khi phun thuốc từ 30 phút đến một tiếng đồng hồ, nên mở cửa cho thoáng khí. Không nên để người già và trẻ nhỏ vào phòng mới xịt thuốc diệt côn trùng để đề phòng những tác động phụ của thuốc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thúy Hoa, trưởng khoa Côn trùng và động vật sinh học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện các loại bình xịt muỗi, côn trùng được bày bán hoạt động theo nguyên lý giàn phun, tạo hạt rất nhỏ. Vì vậy, khi phun thuốc, nên phun theo nguyên lý từ trên cao, lan tỏa ra ngoài để các hạt thuốc phủ đều trên diện tích cần phun. Ngoài ra, người phun phải phun giật lùi, cách khoảng 0,5 - 1 m để tránh các hạt thuốc diệt côn trùng bay vào mắt.