Nỗi sầu nhung lụa của nàng Công nương xinh đẹp Nhật Bản
Dù rất xinh đẹp, giỏi giang nhưng Công nương Masako của Hoàng gia Nhật Bản lại phải chịu cuộc sống bí bách, ít biết tới bên ngoài.
Cô gái thường dân được giáo dục cực tốt
Trong cuốn sách Công nương Masako – người tù của ngai vàng Nhật của nhà báo Úc Ben Hills đã miêu tả về bà như là một người vô cùng xuất sắc nhất trong thế hệ phụ nữ ở lứa tuổi của bà, là sinh viên giỏi của ba trường đại học hàng đầu thế giới: Harvard, Oxford, Tokyo. Sau khi tốt nghiệp đại học, Masako trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp thông thạo 6 ngoại ngữ, được lựa chọn là nữ bộ trưởng đầu tiên của một bộ ở Nhật.
Masako đồng thời là con gái ông Hisashi Owada, cựu bộ trưởng ngoại giao Nhật, cựu thẩm phán Tòa án Tư pháp quốc tế. Thuở nhỏ, cô bé Masako mê thể thao, yêu thích động vật và có lần đã thổ lộ ước mơ trở thành bác sĩ thú y. Trong trường, tài hùng biện của cô không ai sánh được. Masako đam mê học tập, có ý chí mạnh mẽ. Một bạn học của Masako thậm chí còn nói rằng hầu như chẳng bao giờ thấy Masako khóc cả. Cô ấy ăn nói rất khéo, có thể thích nghi với bất kỳ ai, bất kỳ môi trường nào. Chính vì vậy, Masako đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Nhật hiện đại - duyên dáng, hấp dẫn và thông minh.
Ấy vậy mà cuộc sống sau này của bà lại không được suôn sẻ và liên tục bị vướng vào căn bệnh trầm cảm.
Thời còn trẻ, Masako là cô gái vô cùng xinh đẹp, thông minh.
Vẻ đẹp đến từ chính sự thánh thiện và trầm tĩnh.
Đường tình trắc trở, hai lần chê kết hôn với hoàng tử
Hoàng thái tử Naruhito đã đến lúc kén vợ. Để trở thành ứng viên, hoàng tộc đưa ra một số yêu cầu, trong đó bao gồm việc không được có chiều cao vượt quá người Nhật truyền thống - tức phải thấp hơn 1,65m, dưới 30 tuổi, chưa từng phẫu thuật thẩm mỹ và điều quan trọng - phải trinh bạch. Bạn bè nhận thấy Masako là một ứng viên cực kỳ hoàn hảo.
Chuyện bắt đầu từ mùa hè 1986, khi Masako đang làm việc ở Bộ ngoại giao và đi cùng cha mẹ đến dự bữa tiệc chiêu đãi tại hoàng gia. Hôm đó có khoảng hơn 30 cô gái - được xem là phẩm hạnh, thông minh nhất nước Nhật - được mời đến dự tiệc, nhưng thực chất là để hoàng thái tử Naruhito có điều kiện lựa chọn.
Danh tính những cô gái này đã được lên thành một danh sách, kèm theo đầy đủ “sơ yếu lý lịch”. Cái tên Masako Owada được ai đó thêm vào giờ chót bằng nét viết tay nguệch ngoạc. Naruhito nhanh chóng phát hiện ra sự hiện diện của Masako và bắt đầu mở đợt “truy kích”, bất chấp lời can ngăn của các cố vấn.
Masako đã lọt vào mắt xanh của hoàng tử như một định mệnh.
Masako nhớ lại: “Thậm chí có mơ tôi cũng không dám nghĩ sẽ có một ngày nào đó tôi bước chân vào hoàng gia”. Nhưng lúc đó, việc trở thành nàng công chúa tương lai đối với Masako là một điều gì đó bất an thực sự. Thay vì vui vẻ đón nhận cuộc tình lãng mạn với vị hoàng đế tương lai, cô vẫn cần mẫn đeo đuổi sự nghiệp riêng của mình. Vì thế, cô đã lịch sự từ chối lời cầu hôn của Naruhito, không chỉ một lần mà những hai lần.
Từ chối lần cầu hôn đầu tiên, Masako sang Anh học 2 năm ở Balliol College, Oxford, trở về nước trở thành người chuyên viết diễn văn cho thủ tướng Nhật. Năm năm trôi qua, hai người lại gặp nhau và Naruhito tiếp tục ngỏ lời cầu hôn. Oái oăm, ông vua tương lai của Nhật Bản vẫn nhận được câu trả lời y như cũ: không. Năm 1992, sau nhiều cuộc thảo luận khá dai dẳng với cha mẹ, theo nhiều nguồn tin báo chí, cuối cùng Masako đã chấp thuận. Lúc này, Masako đã 29 tuổi và cô cho biết Naruhito đã phải cam đoan với cô rằng: “Có thể em lo sợ khi về làm dâu hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời”.
Công nương Masako trong ngày cưới.
Vẻ ngoài xinh đẹp đã ngay lập tức khiến nàng trở thành nhân vật gây chú ý mạnh mẽ.
Tuy vậy, có một sự thật ẩn chứa đằng sau việc Masako liên tục từ chối vị hôn phu của mình được cho là không muốn bị ràng buộc bởi những lễ giáo quá khắc nghiệt của Hoàng gia Nhật.
Gánh nặng sinh con nối dõi
Nhiệm vụ đầu tiên khi trở thành Công nương của Masako là sinh quý tử nối dõi cho Hoàng tộc. Đây quả là một điều khó khăn đối với Masako, người từng hình dung mình là phiên bản của công nương Diana và luôn làm chủ chính mình.
Để bắt đầu xây dựng nên một gia đình, hai vợ chồng phải kiên nhẫn trong suốt 8 năm ròng và Masako phải chịu cảnh sẩy thai năm 1999. Hai năm sau bi kịch ấy, Masako hạ sinh an toàn cô con gái Aiko. Tuy nhiên, cả nước Nhật chưa hết hân hoan thì lại nổ ra tiếp một cuộc tranh cãi - liệu có phải thêm một điều luật cho phép phụ nữ được kế tục ngai vàng hay không?
Sau nhiều lần trắc trở, công nương Masako mới chỉ hạ sinh được một bé gái, chính là công chúa Aiko.
Gia định hạnh phúc trong sóng gió sinh con nối dõi của Hoàng gia Nhật.
Cuộc sống của con chim quý nhưng lại bị nhốt chặt trong lầu son
Trong 3 năm đầu sau khi cưới, công nương Masako rất hiếm khi rời khỏi hoàng cung, chỉ được về thăm cha mẹ 5 lần. Nàng phải nộp lại hộ chiếu cho Cục quản lý hoàng gia Nhật, mọi hoạt động đều bị giám sát chặt chẽ và bị cấm tiết lộ đời sống riêng tư cho báo giới.
Ít ai có thể ngờ được, cô thiếu nữ năng nổ năm nào lại phải giam mình trong cung cấm đến mức kinh khủng như thế này.
Vốn là gia đình hoàng gia có bề dày lịch sử nên những quy tắc bất di bất dịch là không thể nào tránh khỏi.
Không những thế, ngay sau ngày kết hôn, Masako đã mất quyền công dân và bị xóa tên khỏi danh sách bầu cử. Những áp lực từ phong tục Hoàng gia cũng lập tức xuất hiện. Chẳng hạn, Công nương phải luôn mặc lễ phục Hoàng gia gồm sáu áo kimono nặng đến 20kg. Cô cũng chỉ được cất lời nếu chồng cho phép. Trong một ngày, Công nương phải thay kimono nhiều lần hay nếu mặc áo không phải kimono, mầu áo không được quá rực rỡ... Thậm chí khi muốn ra phố, Công nương Masako không bao giờ được đi một mình, và phải được chấp nhận trước mười lăm ngày.
Sự chán chường và bị ức chế về cuộc sống nghiêm ngặt trong cung cấm, nhất là không thể sinh hoàng nam để sau này nối dõi vua cha đã hành hạ, đẩy Masako vào căn bệnh trầm cảm triền miên.
Người ta đã gọi sự cô đơn của Masako chính là "nỗi sầu nhung lụa".
Bởi những gánh nặng tình thần sau nụ cười kia mà bà đã từng phải trải qua.