Nỗi khổ con riêng của vợ
Vì nhiều lý do cha mẹ chia tay, những đứa trẻ thiệt thòi không được sự thương yêu chăm sóc của cha mẹ. Khi họ tái hôn, thêm một lần nữa nỗi khổ của những đứa con nhân lên.
Giấu chồng thương con
Vừa mở cửa hàng, chị Hạnh đã thấy Hùng, con trai của đồng nghiệp ngồi trước quầy tự bao giờ. Đã quá quen với chuyện này, chị Hạnh gọi cậu bé vào trong, lấy nước và phần xôi sáng của mình cho ăn. Rồi vừa bày hàng, chị vừa hỏi Hùng:
- Hôm nay đến có việc gì thế cháu? Mẹ Thường nghỉ làm ca sáng, có việc gì cứ nói với cô.
Chị Hạnh lẳng lặng móc ví lấy số tiền đưa cho Hùng, dặn phải mang biên lai về cho mẹ xem. Số tiền tạm ứng cho Hùng, sẽ được thanh toán lại với chị Thường vào buổi chiều.
Hùng là con riêng của chị Thường. Bố Hùng sa đà vào cờ bạc, rượu chè, thường xuyên đánh đạp vợ con. Chị Thường không chịu được đã li hôn với chồng cách đây 7 năm. Thời gian đầu, Hùng ở với mẹ.
Sau khi chị Thường kết hôn với anh Tuân, một quân nhân cao cấp mới góa vợ, Hùng không được ở với mẹ nữa. Cậu được bố dượng gửi trả về cho bố đẻ. Mặc dù nhà bố dượng rất giàu có, tiện nghi, nhưng không đủ chỗ cho đứa con riêng của vợ trú chân. Ông ta công khai cấm Hùng đến thăm mẹ. Mẹ Hùng rất sợ chồng nên cũng đành chấp nhận.
Từ ngày vợ bỏ đi, bố Hùng ngày càng sa đà vào rượu chè, đề đóm. Kiếm được đồng nào, ông ta cũng nướng hết veo trong chốc lát. Tiền ăn, tiền học và mọi chi phí khác của Hùng, lúc nào nhớ ra thì ông trả, khi hết tiền, con hỏi, ông ta xòe hai bàn tay không ra trước mặt con. Thằng bé lại lếch thếch đi bộ ra cửa hàng thực phẩm, nơi mẹ làm việc, cầu cứu.
Thương con đứt ruột, chị Thường cũng chỉ có thể lén lút giấu chồng chu cấp cho con. Hạnh, người bạn đồng nghiệp hết sức thông cảm với hoàn cảnh của chị. Bởi vậy, mỗi khi Hùng đến không gặp mẹ, chị Hạnh thường thay bạn đáp ứng những yêu cầu của thằng bé. Có lần tình cờ anh Tuân ghé qua cửa hàng, bắt gặp Hùng ở đó.
Anh hỏi Hùng đến có việc gì. Chị Hạnh phải chống chế hộ “Cháu đi học về qua, em gọi vào chơi hỏi chuyện thôi mà”. Anh Tuân vẫn ngờ vực, bực bội, cứ gườm gườm nhìn thằng bé. Vì chuyện này, anh ta cứ dằn vặt chị Thường mấy tháng. Anh ta sợ chị Thường vương vấn chồng cũ, sợ thằng bé níu kéo mẹ về với bố nó.
Xảy cha thành… ôsin
Cùng chung hoàn cảnh mẹ đi lấy chồng, nhưng bé Phương lại có nỗi khổ riêng. Bố em mất từ khi em lên 5, mọi nỗi đau, mọi yêu thương người góa phụ trẻ dồn nén lại để chăm chút cho đứa con gái, kỷ vật tình yêu anh để lại cho chị. Trong mười năm sau ngày chồng mất, đứa con hầu như là bạn gái duy nhất của chị. Bé Phương dường như rất hiểu nỗi lòng của mẹ. Nó quấn quýt với chị, không muốn rời xa.
Nhưng những ngày tháng bình yên ấy đã kết thúc khi chị Ngoan đột nhiên quyết định kết hôn với một người đàn ông góa vợ. Ông ta là một thầy giáo dạy ở một trường học gần đó. Người bố dượng của Phương không có nhà riêng.
Khi về ở chung với mẹ con Phương, ông ta đem theo đứa con trai 12 tuổi. Một năm sau, Phương có thêm một em gái, đúa con chung của mẹ và dượng. Nếu như trước đây, mọi sự quan tâm mẹ đều dành cho Phương thì giờ đây, mẹ chia sẻ cho 3 người nữa, nhất là đứa bé mới sinh. Mẹ mệt mỏi và hay cáu gắt. Dượng cũng vậy, hơi một tí là quát mắng.
Không còn đâu mâm cơm nóng hổi với những món ăn Phương yêu thích đợi cô sau mỗi buổi đi học về. Thay vào đó là những chậu tã lót chưa giặt, những chồng bát đũa xoong nồi bẩn chất cao ngất. Nếu không làm thì phải bế em cho mẹ. Giờ đây Phương bị đổi vị trí từ một đứa trẻ được nuông chiều sang một vú em bất đắc dĩ. Cô làm hỏng, làm vỡ, lóng ngóng vụng về nên bị mắng luôn.
Trên gương mặt đứa trẻ 16 tuổi sớm xuất hiện nét u buồn, vẻ hoảng hốt và sợ sệt. Kết quả học tập của cô giảm đi trông thấy. Từ một học sinh giỏi đứng đầu khối, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi của quận, giờ đây, cô bé chỉ nhận được giấy khen học sinh tiên tiến. Niềm mơ ước được học trong trường chuyên của Thành phố cũng xa tầm tay.
Phương chỉ thi đậu vào trường cấp III bình thường của quận nhà. Mẹ Phương thay vì động viên an ủi, lại ra sức trách mắng con gái không chịu học hành. Còn bố dượng thì cười nhạt, hoặc mỉa mai. Phương sợ hãi, thu mình vào góc nhỏ của mình, âm thầm khóc gọi bố.