Những nhà phát minh nhí này sẽ khiến khán giả kinh ngạc với ý tưởng quá đỗi thông minh
Các cô cậu bé nhà phát minh nhí đã khiến cho MC Steve Harvey và khán giả của "Little Big Shots" kinh ngạc với những phát minh mới đáng yêu nhưng cũng vô cùng hữu ích của mình.
Trong một tập đặc biệt của chương trình truyền hình Little Big Shots, khán giả và MC Steve Harvey đã được dịp đón tiếp một loạt những em bé thông minh với các ý tưởng đáng kinh ngạc. Những phát minh mới mà các em đem tới khiến người xem không khỏi trầm trồ bởi dù các em chỉ mới 7, 8 tuổi nhưng lại có thể nghĩ ra những vật dụng hữu ích và có lợi cho môi trường đến thế.
"Little Big Shots": Những thiên tài nhí khiến khán giả kinh ngạc vì những phát minh vượt trội của mình.
Cô bé đầu tiên được giới thiệu, Emily (7 tuổi), với phát minh là cây vợt hái nho và các loại trái cây tiện lợi. Thoạt đầu, ai nhìn vào cây vợt của Emily đều cảm thấy nó chỉ giống như một cái vợt bắt côn trùng bình thường, hoàn toàn không có gì đặc biệt. Sau đó, Emily đã giải thích tường tận về phát minh của mình. Những cây ăn quả quanh nhà bé đa phần đều mọc trái rất cao, đặc biệt là cây dâu đen (blackberries). Mỗi lần muốn hái quả, Emily đều không thể tự mình hái mà phải nhờ đến bố mẹ hoặc người lớn.
Cô bé Emily với chiếc vợt thu hoạch dâu đen của mình.
Cô bé đã chăm chú quan sát mẹ mình và biết bà gặp khó khăn trong việc hái dâu.
Điểm đáng chú ý đó chính là cô bé đã phát hiện ra rằng dù là người lớn hái thì việc hái quả vẫn rất ư là khó khăn vì quả vốn đã nằm ở rất cao rồi. Suy nghĩ một thời gian, cô bé quyết định sáng chế ra chiếc vợt hái quả đặc biệt này. Phần lưới của vợt đương nhiên là để hứng quả rơi xuống. Trên đầu vợt, Emily còn gắn thêm vào đó một chiếc móc câu có lưỡi bén để cắt cành cây và khiến quả rớt xuống phần lưới đựng bên dưới. Cô bé không chỉ giải thích mà còn tự mình thị phạm cảnh hái quả ngay trên sân khấu cho mọi người xem. Một cô bé 7 tuổi mà đã có thể nghĩ ra được một phát minh đặc biệt thế này rồi cơ đấy!
Thế nên cô bé đã sáng tạo ra cái vợt hái trái cây. Và giờ đây Emily có thể tự mình hái quả mà không cần sự giúp đỡ của người lớn.
Tiếp theo là sự góp mặt của cô bé Anna (11 tuổi), với phát minh của mình, Anna đã xuất sắc giành được giải cao nhất trong hạng mục các phát minh có lợi cho môi trường. Đối với chính quyền địa phương thì hẳn là việc xử lý các rác thải liên quan đến nhựa và nilon là điều vô cùng đau đầu bởi chúng chính là ngọn nguồn của việc ô nhiễm môi trường và mang đến tác hại xấu cho thiên nhiên. Cô bé Anna đã nhìn ra được điều đáng lo ngại ấy và tự mình sáng chế ra một loại túi nilon có thể tự phân hủy trong nước chỉ trong vài phút đồng hồ.
Anna đã giành giải cao nhất trong hạng mục các phát minh về môi trường.
Theo như được biết, một chiếc túi nilon bình thường cần đến 1000 năm thì mới phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên. Trong thời gian 1000 năm đó, những chiếc túi nilon đã gây ra bao nhiêu nguy hại cho môi trường thực vật và sinh sống của con người lẫn cây cỏ, động vật. Anna cho biết chiếc túi nilon tự tiêu hủy trong nước của cô bé được làm từ những chất dễ tiêu hủy và một nguyên liệu đặc biệt mà cô bé gọi là "gốc dễ tan". Chính phát minh này của Anna đã góp thêm một hướng giải quyết cho việc xử lý ô nhiễm nguồn nước và đại dương mà nguyên do chính hầu hết đều bắt nguồn từ những chiếc túi nilon tưởng như vô hại này.
Những chiếc túi nilon tan trong nước của cô bé thật sự rất hữu hiệu và ắt hẳn nếu được sử dụng rộng rãi sẽ rất có lợi cho môi trường.
Chàng trai cuối cùng mang đến một phát minh tiện lợi dành cho những người có sức khỏe kém và thường hay bị cảm sốt. Cậu bé Yusef mắc phải chứng dị ứng khá nghiêm trọng và thường hay bị hắt xì cũng như chảy nước mũi mỗi khi bị cảm hoặc gặp phải những thứ khiến cậu bé bị dị ứng. Lúc trước vì nước mũi cứ chảy mãi làm Yusef khó chịu, cậu bé đã dùng giấy vệ sinh (khăn giấy) để ngay mũi mình và cố định chúng bằng băng keo để hút nước mũi nếu có chảy ra mà không cần phải chùi liên tục. Về sau, Yusef đã cải tiến chiếc băng hút nước mũi của mình thành một chiếc khẩu trang tiên tiến hơn.
Yusef cùng với phát minh khẩu trang thấm nước mũi của mình.
Thay vì băng dính như ban đầu, Yusef đổi thành dây chun để dễ đeo vào đầu và điều chỉnh kích cỡ theo từng dáng đầu sẽ tiện lợi hơn và cũng giữ được lâu hơn. Còn về phần giấy vệ sinh, Yusef đã cải tiến và sử dụng băng gạc. Băng gạc sẽ giúp thấm nước mũi nhanh hơn và cũng không cần phải thay đổi liên tục. Mặt khác, băng gạc mềm hơn giấy vệ sinh sẽ không khiến người đeo thấy khó chịu. Yusef cũng không quên mang đến cho Steve Harvey một chiếc khẩu trang chống dị ứng đặc biệt do mình sáng chế ra và tặng riêng cho ông.