Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội

Lâm Thuỳ Dương,
Chia sẻ

Hàng trăm hộ dân ở phường Phúc Xá phải sống trong những căn nhà chật chội giữa siêu dự án Sông Hồng City treo 28 năm nhưng chưa hẹn ngày thực hiện.

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 1.

Con đường đầy ngõ 15 đường Hồng Hà xuống cấp, xưởng tạm dựng lên từ những tấm tôn khiến con đường càng trở nên nhếch nhác. Sống trong cảnh "đi không được, ở chẳng xong" suốt hàng chục năm qua, người dân phường Phúc Xá đã nhiều lần kiến nghị nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết nào để ổn định lại cuộc sống.

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 2.

Từ năm 1994 đến nay, dự án Sông Hồng City hay còn gọi là Trấn Sông Hồng được thông qua với mục tiêu xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng (phường Phúc Xá, quận Ba Đình). Mục tiêu là thế những đã 28 năm trôi qua, trên địa bàn phường vẫn không có bất cứ công trình quy mô nào được thực hiện. Đất dự án thay vì để phục vụ dự án, nay bị sử dụng thành bãi gửi xe, sân bóng hay điểm tập kết vật liệu xây dựng...

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 3.

Mặt đường Hồng Hà có phần thuộc dự án Sông Hồng City đang được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu là kinh doanh, làm xưởng. Những căn nhà nằm trong khu dự án trải qua hàng chục năm đã xuống cấp, lụp xụp nhưng người dân lại không được phép xây dựng cải tạo lại nên chỉ có thể cơi nới được phần nào hay phần đó.

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 4.

Bà N.T.B sống mấy chục năm ở căn nhà nhỏ nằm sâu trong một ngách thuộc ngõ 15 (đường Hồng Hà, Phúc Xá). Căn nhà của bà còn chưa được 10 m2, đã xuống cấp từ lâu nhưng do nằm trong dự án Sông Hồng City cũng chỉ có thể sửa tạm và cơi nới thêm chút trên gác thành chỗ để đồ lặt vặt.

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 5.

Cầu thang lên gác chỉ vừa cho một người đi, trên gác được bà N.T.B để những vật dụng ít dùng. Bà N.T.B than thở: "Tôi sống ở đây một mình, mùa hè như thế này rất nóng bức, khó chịu, hôm nào trời mưa thì nước ngập vào nhà bẩn thỉu, ẩm mốc nhưng chúng tôi không được phép xây dựng lại kiên cố vì đây đang là đất dự án. Không có sổ đỏ, có muốn chuyển nhượng hay xây sửa lại cũng khó, ai cố tình xây lên đều bị đập bỏ. Bây giờ nhiều nhà chỉ còn biết cơi nới bằng cách lắp các tấm tôn lên để tạo phòng, tăng diện tích sinh hoạt".

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 6.

Đấy không phải là câu chuyện của riêng bà N.T.B mà còn là vấn đề nhức nhối của hàng trăm hộ dân khác ở phường Phúc Xá. Gia đình bà N.T.M có đến 3 thế hệ (6 người) sống trong cùng một ngôi nhà chỉ chưa đầy 30 m2 nằm sâu trong ngõ 15. Nhà bà phải thuê người về ngăn gác để hai con và hai cháu ngủ, sinh hoạt ở trên còn hai ông bà thì ngủ ở dưới trên hai chiếc giường gấp, có hôm trải chiếu dưới sàn. Hơn thế nữa, căn phòng nhỏ đấy cũng được chị K.H - con dâu của bà - tận dụng để làm dịch vụ nối mi, làm móng hàng ngày cho khách.

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 7.

Những phần tôn đã móp méo, lại nằm sát ngay đường dây điện. Trong trường hợp hở điện, mái tôn và khung cửa sắt sẽ nhiễm điện, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 8.

Nhà lợp tôn toàn bộ tầng trên khiến mùa hè đã nóng bức càng thêm phần bức bối, lại thêm khung kiểu "chuồng cọp" nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra cháy nổ.

Những ngôi nhà mắc kẹt 28 năm trong "siêu dự án treo" bên bờ sông Hồng, Hà Nội - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Mão - tổ trưởng tổ dân phố 20 (Phường Phúc Xá, Ba Đình) - thừa nhận các hộ dân sống trong dự án treo muốn xây sửa là rất khó. "Hiện nay riêng tổ dân phố 20 của chúng tôi có đến 150 hộ không có sổ đỏ, còn những tổ dân phố khác cũng rất nhiều. Điều này ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân vì có nhà nhiều người, muốn xây thêm để ở cũng không được nên sinh hoạt trở nên chật chội, bất tiện. Cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị trong cuộc họp suốt 28 năm qua những 'đâu vẫn vào đấy', người dân không biết bao giờ mới có được cuộc sống ổn định." Bà Mão chia sẻ.


Liên quan đến vấn đề này, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi HĐND TP về việc trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa XVI.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án Sông Hồng City bị treo từ năm 1994 đến nay có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đến từ việc thay đổi quy định pháp luật nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ và quy hoạch phân khu qua các thời kỳ.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, vị trí khu đất dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực thành phố đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản.

Ngày 25/3/2022, UBND thành phố có Quyết định 1045 phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

UBND thành phố cho biết tiếp tục chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành có liên quan tiếp tục rà soát căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai dự án, đề xuất phương án giải quyết phù hợp.


Chia sẻ