Những cú "xi nhan trái nhưng rẽ phải" của "quý bà Ninja" và chuyện người đàn ông ở đâu trong nỗi lo toan ngược xuôi giờ tan tầm
"Ninja" chính là từ lóng mang tính mỉa mai, giễu cợt, chỉ các bà mẹ bỉm sữa tuềnh toàng, cùng loạt hành vi tham gia giao thông khó hiểu, kiểu như xi nhan trái mà rẽ phải. Nhưng tại sao lại có nhiều Ninja đến vậy?
Các quý cô Ninja đã trở thành từ thông dụng dành cho chị em đi xe có phần ngơ ngáo trên đường.
Ninja là từ chỉ những người phụ nữ đi xe máy, mặc áo chống nắng bùng nhùng dài tới gót, trùm cả mũ bảo hiểm, đeo kính và bịt khẩu trang kín mít không đường thở.
Chiếc xe đầu tiên Hạnh được bố mua cho sau khi ra trường đi làm là chiếc ga Ý nhập khẩu màu đỏ. Hạnh cao 1m52, bố phải mang xe ra hiệu để gọt yên cho cô. 7 năm qua đi, Hạnh kết hôn, sinh con, con Hạnh vào lớp 1, chiếc xe được ông ngoại tháng nào cũng mang đi bảo dưỡng nên vẫn chạy êm. Nhưng Hạnh thì lục tung Hà Nội lên để tìm một chiếc ga khác.
Cuối cùng, Hạnh gia nhập vào "đoàn quân" Ninja. Thấy bạn bè ngạc nhiên, Hạnh bảo: "Chiếc kia là con bồ, xinh ngon sang, nhưng khi nhà có việc thì vô dụng. Còn em này là con vợ, xấu mã nhưng tay dao tay thớt, gì cũng đảm đương được."
Sau 2 tháng trở thành tân binh Ninja, Hạnh kể: "Sáng hôm đó trời mưa, đường tắc mọi ngả, con thì sắp muộn học mà xe này ríu bánh vào xe kia, nhích từng cen-ti-mét một. Mình phanh không kịp, húc nhẹ vào hông một chiếc ô tô con, vậy là trăm ánh mắt đổ vào mình. Tiếng ai đó nói vọng đằng sau: Lại Ninja. Tự nhiên mình thấy tủi thân quá. Thật tình chẳng phải lần đầu húc hông xe khác và cũng không đếm nổi bao lần bị xe khác húc đuôi xe mình. Chỉ khác bây giờ mình đi chiếc xe được đặc trưng của Ninja…".
Dẫu vậy, thường đưa đón con đi học, Hạnh vẫn ra nhập binh đoàn Ninja. Bởi sáng ra nhẹ nhàng thì một túi của mẹ, 1 ba lô nặng trĩu của con treo phía trước, con trai 28kg ngồi phía sau. Hôm nào con trai có lịch học bóng rổ thì còn quả bóng to lủng lẳng, bộ đồ thể thao, giày thể thao. Rồi thì hai chiếc mũ bảo hiểm, áo mưa, ô, mũ… Đồ đạc lặt vặt của hai mẹ con nhiều như đi dã chiến. Chiếc xe với yên thấp và bè ngang giúp Hạnh di chuyển tự tin hơn trong bối cảnh liên tục phải chống chân lấy thăng bằng để nhúc nhích trên đường.
Câu chuyện về Hạnh - tân binh Ninja 2 tháng - là một trong vô vàn những mảng màu sáng tối trong thế giới của những người phụ nữ kín mít "không đường thở", lái xe như "thiếu não" vào giờ cao điểm ở chốn thị thành.
Trên những con đường nghẽn đặc khói bụi và tiếng còi xe, các Ninja lúc nào cũng nổi bật. Họ giống nhau một cách lạ lùng.
Họ giống nhau từ trang phục: Kiểu áo chống nắng toàn thân điển hình đủ họa tiết, thường là hoa dây và chấm bi, thứ mà mạng xã hội vẫn hay chế là thời trang trùm khủng bố Binladen.
Hoặc những chiếc áo thun trơn có mũ trùm đầu và phần tay dài có bao tay hở ngón cái, màu phổ biến nhất là xanh lơ nhưng đa phần đã bợt bạt đi vì dùng nhiều (đến cái gu chọn màu họ cũng giống nhau). Chiếc áo này sẽ đi kèm cái váy thực chất là miếng vải có dây buộc hoặc mảng dính để quấn một vòng che phần thân dưới.
Họ giống nhau từ phong thái nửa vội vã nửa lừng khừng. Họ hay phanh gấp và lúc cần đi nhanh thì họ lại đi rất lề rề. Họ muốn phi lên vỉa hè nhưng hay gặp khó khăn trong quyết định chọn điểm leo lên. Họ muốn lách qua các khe hẹp của làn ô tô nhưng lại lúng túng đắn đo rồi đột ngột quặt đầu xe sang làn khác mà không báo hiệu cho xe phía sau. Họ thường xuyên xi nhan trái nhưng rẽ phải, hoặc xi nhan phải nhưng đi thẳng.
Họ giống nhau đến cả cái cách trang bị những vật dụng bị số còn lại xem là dị thường, dị hợm. Như cái ghế bằng inox cao ngang yên xe đặt phía trước, cái thùng phụ kiện cồng kềnh gắn thêm ở yên sau, cái địu bằng nhựa to và dài đỡ được cả cổ trẻ con như thiết bị y tế dành cho người bị thoát vị đĩa đệm sau mổ. Đôi khi còn có cả chăn và gối vắt lên mặt đồng hồ xe.
Họ giống nhau đến… nhói lòng.
Giờ cao điểm sáng và chiều, Ninja ít khi đi một mình. Họ thường chở theo trẻ con. Chiếc xe cồng kềnh tải thêm túi lớn túi bé, những chiếc ba lô xếp chồng lên nhau ở phía trước. Buổi chiều thường có thêm cả làn đựng thịt đựng rau.
Còn lũ trẻ thì muôn màu muôn vẻ sau lưng mẹ.
Đứa tinh nghịch dùng cái cặp chống gù làm gối để nằm ngả ra. Đứa ngái ngủ ôm chặt lấy bụng mẹ gà gật. Đứa ngồi lọt thỏm co ro chỗ để chân phía trước ngủ ngon lành. Đứa ngồi trước tay lái, choãi tay gục xuống mặt đồng hồ đã được mẹ kê sẵn tấm chăn mỏng. Đứa líu lo suốt cả chặng đường, nghiêng bên này, ngó bên kia, mông lệch ra hẳn ngoài yên xe. Đứa quấn quýt luồn tay vào bên trong áo mẹ lần tìm ti mẹ, mắt thì dò xét xung quanh như thể xem có ai cười chê mình không.
Những bà mẹ Ninja vừa lăn bánh trên đường vừa phải đối phó với muôn vàn cảnh huống của lũ con, vừa bộn về thắc thỏm bao nỗi lo toan tủn mủn và bé mọn, lộn xộn và giằng díu trong đầu.
Thì phải căn giờ sao cho con không muộn học, thì nóng ruột nghĩ tới giờ chấm công khi tiếp sau quãng đường tắc này sẽ là cảnh chen lấn xô đẩy để giành một chỗ đứng trong thang máy, thì lẩm nhẩm cộng thầm các món tiền điện nước sắp đến ngày thanh toán, thì nôn nao về đứa bé học mẫu giáo vốn lười ăn sáng không biết có bị cô giáo mắng trong lúc ăn cháo không, thì tất tưởi sắp xếp công việc phải hoàn thành ở công ty… Và hiển nhiên là những miên man lục lọi: Tối nay ăn gì?
Những luồng suy nghĩ vắt ngang vắt dọc lên nhau trong lúc mắt vẫn căng ra để căn đường sao cho không bị húc vào xe phía trước, và đôi bàn tay ghì tay lái thi thoảng vẫn phải buông ra để giữ đứa trẻ đang nghiêng ngả phía sau. Cái ghế inox vướng víu, cái địu đỡ cổ thô kệch, đám gối chăn nhếch nhác kia có thể là kết quả của những giờ vắt óc giữa ồn ã xe cộ nồng xộc bụi xăng tìm ra phương án lái xe an toàn khi đưa đón hai con đi học mà cả hai đứa đều ngủ gật!
Khi ấy, cùng với chứng đãng trí sau đôi lần sinh nở, họ đã quên biến mất việc phải tắt xi nhan từ cú rẽ nơi ngã ba nào đó.
Từng có một số nhà (tự phong) mỹ học (phần lớn là đàn ông) bình phẩm về chiếc áo chống nắng của đàn bà Việt Nam. Đại ý, đó là thứ mốt "quái thai" của xã hội hiện đại. Họ bảo chưa từng có loại trang phục nào dị hợm như cái áo trùm đầu dài tới gót đó. Họ bảo chả lẽ đàn bà Việt sợ nắng đến thế sao? Họ bảo làn da Ngọc Trinh đã ám ảnh đàn bà Việt theo cách ghê rợn nhất. Họ bảo, những người đàn bà Ninja trên đường làm xấu cả bộ mặt đô thị.
Sự thật cũng gần như thế. Nhưng còn một sự thật khác là: Những người đàn bà Ninja cũng biết lối phục trang của họ chẳng đẹp chút nào.
Nhưng sự đẹp không quan trọng bằng việc họ cần nhanh chóng ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm và nhanh chóng trở về nhà vào lúc chiều muộn. Họ cần choàng lên người thứ gì đó nhanh nhất, tiện nhất để không muộn giờ học của con và không muộn giờ làm của mình, đồng thời giúp họ chắn được cái nắng rát da thịt mà làn da đã qua sinh nở không đủ khả năng chống chọi, giúp họ che đi mái tóc chưa kịp gội, đôi môi chưa kịp thoa son. Cũng có thể là giúp họ vớt vát làn da thanh xuân không có điều kiện đi spa hay dùng mỹ phẩm đắt tiền.
Nếu không phải vậy, họ đã chẳng là Ninja.
Những người đàn bà Ninja không có tiền hoặc không dám bỏ tiền ra mua chiếc áo chống nắng đôi triệu để đảm bảo mỹ quan đô thị. Những người đàn bà Ninja không dám khoe đùi trong chiếc váy bị kéo ngắn hớ hênh khi đi xe máy, lại chẳng thể khép chân, thẳng lưng khi địu sau là con địu trước cũng là con. Những người đàn bà Ninja dành thời gian trong bãi đỗ xe để chỉnh trang lại áo quần, và chui vào toilet ngay sau khi chấm công để tô chút màu lên làn môi tái nhợt.
Những người đàn bà Ninja đâu có ngại đi một chiếc xe không đẹp, choàng một miếng vải không đẹp, "thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng", sấp sấp ngửa ngửa cốt lo cho hết những việc đàn bà tủn mủn. Trong khi ấy, người đàn ông của họ rất có thể đang nán lại văn phòng để chờ qua giờ tắc đường mới về nhà, hay đang hừng hực khí thế ở sân bóng để xả stress sau ngày làm việc căng thẳng, hoặc cũng có thể đang đặt mông ở một quán bia hơi cụng ly với bạn bè, đối tác.
Người đàn ông của họ không sấp ngửa vì không phải đưa đón con đi học, không phải nghĩ xem "tối nay ăn gì" và luôn được ưu tiên đến sở làm đúng giờ với tư cách trụ cột gia đình.
Giữa ồn ã điệp trùng mắc cửi người xe, thiếu vắng bóng dáng người đàn ông trong nỗi lo toan ngược xuôi giờ tan tầm. Cuộc sống bộn bề gấp gáp và quá tải nhu cầu chốn thị thành mang đến cho người phụ nữ nhiều cơ hội nhưng cũng đặt lên vai họ nhiều gánh nặng. Họ tự nguyện ghé vai đỡ đần "việc lớn" cùng người đàn ông, nhưng cũng tự nguyện gồng gánh "việc nhỏ" một mình.
Sự tự nguyện ấy khiến người đàn ông của họ không có cơ hội hiểu được những cú phanh rít và rấn ga tất tưởi, những cái xi nhan như chập mạch và những cú chuyển làn thiếu não vào thời điểm ai ai cũng muốn nhanh. Nhanh, nhanh và nhanh, tưởng một thói quen xấu xí, nhưng là hệ quả của cuộc sống phải bìu ríu quá nhiều lo toan, việc nọ chồng việc kia, quây quấn tâm trí của người đàn bà mang trọng trách làm mẹ, làm vợ, làm xe ôm, làm giúp việc, làm bảo mẫu kiêm siêu nhân.
Sự tự nguyện ấy cũng khiến các Ninja trở thành chủ đề cho số còn lại mỉa mai, giễu cợt, xào nấu nên những câu chuyện phiếm mua vui đầy tính phân biệt. Chiếc xe và bộ trang phục chống nắng thiếu thẩm mỹ vô tình trở thành thước đo để xếp loại phụ nữ, với điểm giá trị thấp trong thang bậc chung. Kèm theo đó là định kiến giới về khả năng lái xe bất chấp việc phụ nữ nói chung và Ninja nói riêng chưa bao giờ có mặt trong bất kỳ thống kê nào về những đối tượng gây tai nạn giao thông nhiều nhất tại Việt Nam.
Trong lúc phần đông xã hội áp đặt cái nhìn đó lên Ninja, họ đã bỏ qua tất cả những nỗ lực và vất vả của người đàn bà đang cố gắng hoàn thành tốt nhất khối lượng công việc vượt ra ngoài phạm vi trách nhiệm thông thường lẫn sức tải thông thường, những người đàn bà chỉ đang cố gắng giỏi việc nước đảm việc nhà theo cách mà tư tưởng truyền thống biến tấu hiện đại hồn nhiên xếp lên vai họ.
Dẫu sao thì, mọi lời nói, mọi ánh nhìn đều bị cản lại bởi chiếc áo chống nắng kinh điển kèm khẩu trang kính mắt bịt mọi đường thở. Những người đàn bà mà ta nhắc đến trên đây chẳng quan tâm lắm đâu, họ sẽ thản nhiên rấn ga phóng qua tất cả xì xào mà không cần xi nhan hoặc không tắt xi nhan. Và nếu họ có đọc được những dòng này, ngày mai họ vẫn sấp ngửa bước ra đường làm Ninja. Làm thế nào để chở được hai đứa con đi học mà cả hai đứa đều ngủ gật, đó mới là mối bận tâm lớn nhất với họ mỗi ngày.
À quên, còn cả chuyện "Tối nay ăn gì" nữa chứ.