Những cánh thư đảo xa - Chiến dịch mang yêu thương và sẻ chia tới những người lính Hoàng Sa - Trường Sa
Cuộc thi viết thư gửi đảo xa do báo Trí thức trẻ phát động.
Đối với tôi, những câu chuyện về chiến tranh, hay những người lính luôn là những câu chuyện đầy sự tự hào và mãnh liệt, nhưng cũng mang một màu thật buồn.
Có lẽ kể từ sau khi đọc “Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, hình hài những cuộc chiến - với tôi - đã không còn chỉ là những sự lấp lánh nữa mà là cả những đau thương và nỗi cô độc người lính đánh đổi.
Chúng ta vẫn dành những lời tôn vinh đẹp đẽ cho người lính, nhưng chúng ta chưa hiểu được hết những gì mà họ đã trải qua và hy sinh cho sự bình yên này.
Tôi vẫn nhớ cảm giác sau khi đọc một bài viết ngợi ca người lính tráng, và cảm giác thật trống rỗng mênh mang khi tiếng rền rĩ đau đớn của người cựu binh già nhà bên vang lên.
Điều gì có thể bù đắp nổi cho những người lính đã hy sinh cả thân thể, cả cuộc đời và trái tim của mình để giữ lấy bầu trời bình yên cho chúng ta lúc này?
Ngay cả với những người lính hiện tại, những chàng trai, những cô gái chọn con đường nhuộm màu tuổi trẻ của mình trong màu áo lính, lý tưởng và sự can đảm khiến họ dấn thân, chúng ta tự hào và dành cho họ những lời ca tụng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở những lời ca ngợi thì có thật sự xứng đáng với những gì mà họ đánh đổi? Tuổi thanh xuân, cuộc sống với những tiện nghi ai cũng có, tình yêu, gia đình, cơ hội học hành… họ bỏ lại để cống hiến cho Tổ quốc chắc chắn không phải vì những lời ngợi ca ấy.
Cũng ở ngay gần nhà tôi thôi, ngày qua ngày, những tiếng kêu đau đớn vẫn phát ra từ một căn nhà nhỏ xập xệ. Từ khi tôi biết ý thức, gần như không ngày nào là những tiếng rên rền rĩ ấy không vang lên.
Đó là một người lính già. 31 năm trước, ông trở về từ Gạc Ma. Những ký ức kinh hoàng về cuộc chiến và một mảnh tàn tích của chiến tranh vẫn đang tồn tại và hành hạ người lính ấy mỗi ngày trong suốt 31 năm sau đó.
Khi tỉnh táo, ông vẫn thường ngồi lặng lẽ ở quán nước ngoài vỉa hè, nhìn xa xăm, khổ ải và lạc lõng giữa sự nhộn nhịp của cuộc sống. Phố phường và những con người lướt qua một người đàn ông đã từng là chứng nhân, từng chiến đấu trong một cuộc chiến với sự đau đớn vẫn tồn tại song hành cùng ông kể từ ngày ấy.
Tôi có một người chị gái, chị yêu một anh bộ đội đóng quân ở Trường Sa. Bằng một thứ tình yêu bền bỉ và phi thường, mỗi ngày trôi qua - trong nhiều năm liền - chị vẫn viết thư tay cho anh.
Một hình ảnh thật lãng mạn và phi thực tế của thời hiện đại, nhưng vẫn diễn ra trước mắt tôi mỗi khi gặp chị. Rồi những bức thư không chỉ của chị, mà còn cả của Bi Bo em gái út - viết thư cho anh, hay một dòng chữ nhắn gửi dặn dò của mẹ.
Ở những hòn đảo biền biệt đất liền, cô đơn trong đại dương, chính cuộc sống thanh bình nơi quê nhà được kể trong những bức thư, những dòng viết đơn sơ từ tận đáy lòng với đầy nỗi nhớ và tình yêu này - mới là động lực mạnh mẽ nhất để những người lính trẻ tuổi dũng cảm dấn thân làm lá chắn cho cả một đất nước.
Suy nghĩ đó khiến chúng tôi nảy ra một “chiến dịch” nhỏ dành riêng cho các chiến sĩ đóng quân ở Trường Sa - Hoàng Sa. Chúng ta sẽ viết gửi đến các anh những câu chuyện yên vui nơi đất liền, những suy nghĩ, những tình cảm, những lời động viên từ tận đáy lòng.
Một đoạn video, một dòng chữ, một bức thư tay, một bức ảnh, trang vẽ.…Mọi thứ, mọi cách thể hiện, nhưng hãy là những lời đến từ trái tim bạn, từ những tình cảm trân trọng và trìu mến mà bạn dành cho người lính.
Chúng tôi sẽ lưu giữ lại, tổng hợp thành một đoạn phim và tận tay mang ra ngoài đảo xa dành tặng những người lính và ghi lại những phản hồi của các anh.
Sẽ có một triển lãm sau đó, để kéo gần hơn khoảng cách vời vợi giữa đất liền và những hòn đảo tiền tiêu, và để chúng ta cảm nhận được tình cảm của những người lính, hiểu thêm về tâm tư và cuộc sống của họ.
Hãy chia sẻ với những người lính đang chắc tay súng giữ gìn hòa bình cho đất nước những niềm vui nho nhỏ, niềm hạnh phúc, những khó khăn và cả nỗi cô đơn... Hãy luôn khẳng định rằng hậu phương chưa bao giờ lãng quên những người lính.
***
Vào một buổi chiều mùa hè rất đẹp, người lính già cạnh nhà tôi ngồi im lìm ngắm phố phường như mọi ngày. Một đứa trẻ từ đâu chạy lại, ngồi bệt xuống cạnh ông, ngắm nhìn đôi bàn tay gầy guộc, gân guốc của ông một hồi lâu.
Nó nhanh nhẹn dúi vào tay ông một chiếc kẹo mút: “Mẹ cháu bảo ông là chiến sĩ bộ đội, ông bị đau vì chiến đấu. Tối nào cháu cũng thấy ông kêu đau, cháu tặng ông cái kẹo ăn cho đỡ đau ông nhé". Nói đoạn, đứa trẻ lại tót chạy đi theo bạn bè.
Tôi không thấy người lính nói gì, nhưng thấy ông nở một nụ cười móm mém và một giọt nước mắt chực rơi.
Cuộc thi viết thư gửi đảo xa do báo Trí thức trẻ phát động
Thể lệ:
Từ ngày 14/3 đến 5/4. Email: thudaoxa@ttvn.vn để gửi thư/ ảnh/ clip/ đoạn ghi âm những chia sẻ, tình cảm mà bạn muốn gửi tới người lính đảo. Với mỗi lá thư, hãy gửi kèm cho chúng tôi một bức ảnh chân dung bạn. Ảnh và thư này sẽ được đăng tải trên trang riêng của chiến dịch, và gửi tới các chiến sĩ.
Thông tin về phim ngắn gửi các chiến sĩ và đoạn phim được thực hiện ở đảo xa để "hồi đáp" chúng ta sẽ được update ngay sau chuyến đi Hoàng Sa - Trường Sa kết thúc.
Cuối cùng, buổi triển lãm sẽ khép lại chuỗi sự kiện ý nghĩa này.