Nhờ nghiêm khắc trong chi tiêu, dù mất việc nhưng vợ chồng trẻ Ninh Bình vẫn sống ổn ở Thủ đô trong mùa dịch
Cuối tháng 6, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không may cả 2 vợ chồng chị Liên đều mất việc. Đúng thời điểm dịch căng thẳng, anh chị chưa xin được việc mới đành làm thủ tục hưởng lương trợ cấp thất nghiệp.
Vợ chồng Liên quê gốc Ninh Bình, hiện đang thuê trọ ở Hoàng Mai, Hà Nội. Liên làm văn phòng với mức lương 10 triệu đồng/tháng, chồng chị làm nhân viên kinh doanh thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng.
Đôi vợ chồng trẻ này có 1 bé gái 2 tuổi, nhà còn đi thuê nên Liên kể, trong chi tiêu cuộc sống hàng ngày, anh chị luôn phải lên kế hoạch riêng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý tài chính đã đề ra.
Liên cho biết, bởi hai bên gia đình nội ngoại đều không có điều kiện nên ngay sau cưới vợ chồng anh chị đã xác định phải tự thân vận động trong mọi hoàn cảnh.
Về mặt tài chính gia đình, Liên luôn cố gắng tiết kiệm hết mức có thể. Hàng tháng nhận lương cô sẽ cất 50% bỏ tiết kiệm, còn lại 50% thu nhập tương đương với 13 triệu, cô sẽ chia thành từng phong bì ghi rõ các khoản chi cố định trong tháng. Cụ thể như sau:
- Tiền thuê trọ: 2 triệu đồng
- Tiền ăn: 4 triệu đồng
- Tiền điện nước: 1 triệu đồng
- Sữa bỉm và tiền học của con: 3 triệu đồng
- Đối nội đối ngoại: 1 triệu đồng
- Quần áo, xăng xe và các khoản phát sinh khác: 2 triệu đồng
Tổng chi phí: 13 triệu đồng
Chị Liên cho biết, khi đã lập ra bảng chi tiêu này, vợ chồng chị luôn thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tiêu âm vào tiền dự phòng.
Trừ tháng nào con ốm thì anh chị phải chấp nhận. Giữ đúng nguyên tắc chi tiêu như vậy, sau 5 năm kết hôn, anh chị đã để dành được 600 triệu đồng mua một mảnh đất dịch vụ dưới quê.
Vợ chồng Liên tính cố gắng làm ăn tích lũy thêm 1 vài năm nữa cộng thêm đất dưới quê được giá sẽ bán để dồn tiền mua nhà trên thành phố. Tạm thời vợ chồng vẫn chấp nhận đi thuê trọ.
Mất việc giữa mùa dịch khiến vợ chồng trẻ không khỏi hoang mang
Tuy nhiên từ cuối tháng 6, do ảnh hưởng của dịch bệnh, không may cả 2 vợ chồng chị đều mất việc. Đúng thời điểm dịch căng thẳng, anh chị chưa xin được việc mới đành làm thủ tục hưởng lương trợ cấp thất nghiệp:
"Mình được hưởng 6 tháng trợ cấp với số tiền 4.5 triệu đồng/tháng tương ứng với 60% lương đóng bảo hiểm. Chồng mình được hưởng 5 tháng, mỗi tháng 5.5 triệu.
Tổng cộng 1 tháng vợ chồng mình nhận được 10 triệu đồng. Tuy rằng với số tiền này còn chưa được bằng 1 nửa tổng thu nhập vợ chồng đi làm song với tình hình hiện tại, mình tự nhận thấy bản thân vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác khi họ mất việc, không có bất cứ 1 nguồn tài chính nào".
Lập lại kế hoạch chi tiêu cho phù hợp với tình hình tài chính hiện tại
Liên cho hay, vì tài chính gia đình đã giảm xuống còn chưa bằng 1 nửa so với trước nên chị cũng phải cân đối lại kế hoạch chi tiêu theo định mức tiêu 7 giữ lại 3, chỉ tiêu 7 triệu còn lại 3 triệu cô để tích lũy, tiền thuê trọ cũng được chủ nhà giảm cho 50%.
Liên cho biết, để duy trì đúng định mức chi tiêu, những khoản cố định như điện nước, tiền nhà cô bỏ riêng phong bì cất đi. Bỉm sữa của con thì ngay sau khi nhận lương trợ cấp thất nghiệp Liên đi mua đủ cho con dùng trong cả tháng, khó nhất là căn ke đúng tiền ăn.
"Mình chia rõ 1 ngày chỉ chi đúng 100k cho để mua thức ăn. Trong đó bữa sáng là 20k. Vì nhà có trẻ con khó ăn hơn nên mình sẽ nấu những món mà cả người lớn ăn chung được như cháo hoặc 1 lạng thịt xay nấu với miến, bánh đa, bún… có hôm thì mình dậy sớm nấu xôi ăn cùng ruốc.
Còn lại 80k mình chia đều cho 2 bữa chính, mỗi bữa 40k. Để mua được thức ăn rẻ, mình chịu khó dậy sớm đi chợ đầu mối. 1 tuần mình chỉ đi 1 lần, mua đủ những thực phẩm nhà hay dùng về thay đổi cách chế biến thành những món khác nhau, ăn luân phiên trong tuần vừa đỡ ngán lại vừa tiết kiệm".
Chỉ tập trung đầu tư cho những nhu cầu thiết yếu
Đặc biệt, Liên còn chia sẻ thêm rằng, để duy trì vững nguyên tắc chi tiêu không bị lạm phát, từ khi nghỉ việc ở nhà chống dịch, Liên tuyệt đối nói không với mua hàng online. Các khoản chi cho quần áo, mỹ phẩm hay đồ chơi của con đều cắt, chỉ tập trung cho những nhu cầu thiết yếu là ăn uống, sức khỏe gia đình.
"Không mua sắm online mình tiết kiệm được 1 khoản không hề nhỏ. Vợ chồng có thời gian quây quần chơi cùng con, gia đình vừa đầm ấm, tình cảm mà cũng bớt khoản tiền mua đồ chơi cho chúng. Nói chung phương châm của mình trong mùa dịch là phải đề cao tiết kiệm, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình", Liên chia sẻ.
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC