Nhiều vụ ngộ độc, tử vong sau uống vitamin D: Liều dùng cần tuân thủ cho từng đối tượng, tránh hậu quả đau lòng
Không chỉ riêng vụ trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc sau uống vitamin D, trước đây ghi nhận các trường hợp tương tự. Đây là lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai đang uống vitamin D nhất định phải tuân thủ một điều.
Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc sau uống vitamin D, trước đây cũng ghi nhận các trường hợp, thậm chí cả tử vong
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về trường hợp bé 6 tháng tuổi ngộ độc vì dùng quá liều vitamin D. Bệnh nhi được gia đình đưa đi khám vì nôn, tiểu nhiều, sụt 700g trong 1 tháng.
Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình được một người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống nhau. Tuy nhiên, có một lọ dành cho người lớn, một lọ cho trẻ em.
Nghĩ 2 lọ vitamin D này giống nhau, gia đình cho bé uống loại của người lớn với liều lượng 3 giọt/ngày. Theo các chuyên gia, trẻ đã uống khoảng 15.000 UI/ngày, cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi.
Các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị ngộ độc vitamin D và phải điều trị tích cực. Sau 5 ngày điều trị, trẻ đã hết nôn, không còn tình trạng mất nước...
Tuy nhiên sẽ phải ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D ít nhất 6 tháng, truyền dịch để bù lại lượng dịch mất và tăng đào thải canxi máu.
Sau khi trẻ ra viện vẫn phải tái khám thường xuyên để kiểm tra biến chứng sỏi thận, lắng đọng canxi.
Đây không phải trường hợp hiếm gặp duy nhất bị ngộ độc nhập viện do dùng quá liều vitamin D. Vào năm 2022, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận trường hợp 2 anh em ruột V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều do thói quen dùng vitamin D.
Bà của 2 cháu thấy cháu mình thích uống, nghĩ là thuốc bổ nên uống nhiều cũng không sao, đã tự ý cho 2 cháu uống tùy thích. Từ đó, 2 bé uống trực tiếp tại lọ, lấy vượt liều quy định nhiều lần trong thời gian dài.
Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, 2 bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày. Sau khi được làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy cả 2 bé đều bị tăng canxi máu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, có dấu hiệu suy thận cấp. Trẻ được chẩn đoán ngộ độc vitamin D và suy thận cấp do dùng quá liều vitamin D trong thời gian dài.
Không chỉ trẻ nhỏ mà cũng có người lớn gặp họa do dùng vitamin D quá liều lượng cho phép. Vào tháng 3/2024, tờ Times of India - Thời báo Ấn Độ đưa tin, cụ ông 89 tuổi (cư dân Surry, Vương quốc Anh) đã tử vong do bổ sung vitamin D quá liều lượng cho phép.
Trước khi qua đời, người đàn ông này đã bổ sung vitamin D trong 9 tháng liên tục, với liều lượng cao hơn mức khuyến cáo. Sau đó, ông được chẩn đoán tăng canxi trong máu nhưng không dừng lại thói quen dùng vitamin D quá mức của mình, dẫn đến hậu quả phải trả bằng cả mạng sống.
Theo BS Trương Hữu Khanh (Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), việc bổ sung vitamin D quá liều, dù là người lớn hay trẻ nhỏ, đều có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như tăng canxi máu, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, yếu cơ và thậm chí là rối loạn nhịp tim.
Chúng cũng là nguyên nhân gây sỏi thận, gây đau và các vấn đề với đường tiết niệu, tổn thương thận và suy giảm chức năng thận; làm chậm sự phát triển ở trẻ em, nguy cơ mắc các vấn đề xương; làm cứng các mạch máu và ảnh hưởng xấu đến chức năng tim mạch.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng ý thức việc uống vitamin D đúng liều lượng. Chị Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) hốt hoảng, sau vụ bé 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D mới đây, chị phải đưa con đi xét nghiệm máu và thay đổi liều dùng vitamin D theo bác sĩ khuyến cáo.
"Con mình thấp còi hơn bạn bè trang lứa, cứ tưởng dùng nhiều vitamin D là tốt để phát triển chiều cao nên mình toàn dùng gấp đôi liều lượng khuyến cáo", chị Xuân nói, vô cùng hối hận. Tâm sự của chị cũng là điều nhiều bố mẹ muốn con có chiều cao vượt trội, chưa tìm hiểu kỹ về vitamin D đang áp dụng.
Vậy, uống vitamin D với liều lượng ra sao để đảm bảo hiệu quả, tránh phản tác dụng?
Theo BS Trương Hữu Khanh, mỗi loại vitamin D đều có khuyến cáo bên ngoài vỏ bao bì, khi dùng cho người lớn hay trẻ nhỏ nên chọn đúng loại, tuân thủ khuyến cáo. Trừ những trường hợp cần có chỉ định riêng của bác sĩ do tình trạng sức khỏe, cơ địa... còn lại bạn dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất là hoàn toàn yên tâm.
Thông thường, vitamin D được khuyến cáo bổ sung theo đối tượng như sau:
1. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Vitamin D trong sữa mẹ có hàm lượng thấp và trẻ cũng không nên được phơi nắng buổi trưa, vì vậy cha mẹ nên bổ sung cho trẻ khoảng 400IU vitamin D3/ngày cho đến khi 1 tuổi. Phụ huynh cũng cần cân đối lượng vitamin D3 bổ sung ngoài với vitamin D3 có trong sữa công thức đối với những trẻ dùng sữa này. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh tình trạng thừa hoặc thiếu vitamin D cho con.
Ngoài 1 tuổi, bổ sung vitamin D phụ thuộc vào thời gian trẻ được tiếp xúc với ánh nắng và chế độ dinh dưỡng hàng ngày để bổ sung cho hợp lý. Tốt nhất nên cho trẻ khám dinh dưỡng để được tư vấn bởi bác sĩ nhi khoa.
Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, liều dùng tối đa đối với vitamin D ở trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1000IU/ngày; 1500IU/ngày đối với trẻ 12 tháng tuổi; Trẻ trong độ tuổi từ 1-3 là 2500IU/ngày; Con số này sẽ tăng lên tối đa là 3000IU/ngày và trên 9 tuổi là 4000IU/ngày. Tùy từng thể trạng, cũng có những trường hợp liều ngộ độc vitamin D có thể cao hoặc thấp hơn các mức nêu trên.
2. Đối với người lớn
Những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các mẹ bầu hoặc đang cho con bú thì nên bổ sung vitamin D với liều khuyến cáo là 600IU/ngày (khoảng 15 microgram bao gồm vitamin D từ thức ăn và bổ sung từ thuốc).
3. Đối với người cao tuổi (>71 tuổi)
Nhóm người cao tuổi nên bổ sung khoảng 800IU/ngày (tương đương 20 microgram).