Nhiều lo ngại sau khi Trung Quốc phong toả thành phố 21 triệu dân để chống dịch COVID-19
Theo David Qu, chuyên gia kinh tế thuộc bộ phận nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics, việc “bế quan tỏa cảng” Thành Đô được ví như một đòn đánh khác giáng vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang phải vật lộn với một loạt cú sốc.
Việc Trung Quốc phong tỏa một trong những thành phố lớn nhất là Thành Đô để tiến hành xét nghiệm COVID-19 từ ngày 1/9 đã làm dấy lên những lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lệnh phong tỏa kéo dài trong vòng 4 ngày đối với thành phố 21 triệu dân được cho là sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong khu vực, đồng thời tác động đến tâm lý người dân trên toàn quốc.
Lệnh giới nghiêm có thể gia hạn nếu thành phố phát hiện thêm các ca nhiễm COVID-19 mới.
Thành phố Thành Đô đóng góp 1,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc và là thành phố lớn thứ 6 của nước này, sau Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Trùng Khánh.
Thành Đô cũng là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, nơi đang phải hứng chịu những đợt hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng trong những tuần gần đây. Tháng trước, một cuộc khủng hoảng điện do hậu quả của tình trạng nắng nóng gay gắt đã khiến một số nhà máy thuộc tỉnh này phải đóng cửa.
Chính vì vậy, việc “bế quan tỏa cảng” Thành Đô được ví như một đòn đánh khác giáng vào nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với một loạt cú sốc, David Qu, chuyên gia kinh tế thuộc bộ phận nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics, viết trong một báo cáo.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù đóng cửa Thành Đô sẽ không gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế như đợt đóng cửa Thượng Hải trong hai tháng đầu năm nay, nhưng động thái này sẽ tác động rộng rãi đến tâm lý người dân và tạo ra những ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế của Thành Đô là không quá khả quan. Giai đoạn tháng 1-7/2022, doanh số bán lẻ và nguồn thu của chính quyền thành phố giảm, trong khi sản lượng công nghiệp cũng hạ nhiệt.
Trong sáu tháng đầu năm, Thành Đô chỉ ghi nhận tăng trưởng kinh tế 3%, thấp hơn rất nhiều so với mức 13,1% của cùng kỳ năm 2021.
Thành Đô không phải là thành phố lớn duy nhất của Trung Quốc hiện đang siết chặt các biện pháp kiểm soát virus SARS-CoV-2. Các thành phố Thiên Tân và Thạch Gia Trang ở gần Bắc Kinh, và thành phố Đại Liên ở phía Đông Bắc nước này cũng đã lần lượt đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Một số quận thuộc trung tâm công nghệ và sản xuất của Trung Quốc là thành phố Thâm Quyến cũng đã công bố các biện pháp đối phó nghiêm ngặt hơn đối với đại dịch.
Các chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn tài chính Nomura Holdings Inc. đã viết trong một báo cáo rằng: "Các điểm nóng (về COVID-19) đang chuyển dịch ra khỏi một số vùng và thành phố xa xôi - có vẻ ít quan trọng hơn về mặt kinh tế - sang các tỉnh, thành có vai trò lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế quốc gia của Trung Quốc".