Nhiều cha mẹ Trung Quốc đặt tên con gái họ với ý nghĩa đặc biệt để gửi gắm khát vọng sinh được con trai
Ở một số vùng của Trung Quốc, các bậc cha mẹ "săn con trai" bằng cách đặt tên cho con gái của họ là Zhaodi.
Tên phụ nữ Trung Quốc bao gồm Zhaodi - Chiêu Đệ - dịch theo nghĩa đen là "chiêu dụ em trai", có thể hiểu tương tự như từ "chiêu tài" mà chúng ta thường nghe. Cái tên này phản ánh sở thích của cha mẹ đối với con trai - phổ biến hơn ở những khu vực có văn hóa gia tộc mạnh mẽ.
Sử dụng cơ sở dữ liệu của chính phủ, nhà nghiên cứu Ren Xiaopeng và nhóm của ông từ Viện Tâm lý học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng trong số các cá nhân có 10 họ phổ biến nhất ở Trung Quốc, như Vương, Lý, Trần - chiếm 41,5% dân số - hơn 32.000 phụ nữ được đặt tên là Zhaodi. Theo khảo sát, có 47,4 phụ nữ được đặt tên là Zhaodi trên một triệu người ở Trung Quốc.
Nghiên cứu cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các tỉnh trong việc sử dụng tên Zhaodi cho phụ nữ.
Trong số 18 khu vực cấp tỉnh được phân tích, tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh có tỷ lệ thấp hơn, trong khi các tỉnh như Giang Tây và Phúc Kiến ở miền Đông Trung Quốc và Quảng Đông ở phía Nam, được biết đến với truyền thống văn hóa thị tộc mạnh mẽ hơn, cho thấy sự phổ biến cao hơn đối với tên Zhaodi.
Giang Tây có tỷ lệ cao nhất, với tỷ lệ 537 phụ nữ tên Zhaodi trên một triệu người, gấp 268,5 lần so với Trùng Khánh, khu vực có tỷ lệ thấp nhất là 2 trên một triệu.
"Văn hóa thị tộc đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Quốc. Nó nhấn mạnh các đặc điểm gia đình và bảo tồn số lượng thành viên thông qua một loạt các chuẩn mực xã hội và thứ tự địa vị", bài nghiên cứu nêu rõ.
Mặc dù những cái tên như vậy hiện rất hiếm trong xã hội Trung Quốc hiện đại, nhưng một số cá nhân có tên Zhaodi hoặc có tên mang ý nghĩa tương tự đã bắt đầu thay đổi tên của họ như một hình thức tự tháo bỏ sự ràng buộc và áp đặt này, đặc biệt là sau khi bộ luật dân sự mới được giới thiệu vào năm 2021.
Bên cạnh Zhaodi, những cái tên phổ biến khác có ý nghĩa tương tự bao gồm Laidi - Lai Đệ (dịch theo nghĩa đen là "em trai đến"), Pandi - Phiến Đệ (nghĩa là "mong ngóng em trai") và Mengdi - Mộng Đệ (nghĩa là "em trai trong mơ").
Nghiên cứu đã tính toán tác động của văn hóa thị tộc đối với mỗi tỉnh bằng cách kiểm tra sự hiện diện của gia phả và nhà thờ tổ tiên địa phương, đồng thời tính đến các yếu tố khác như quy mô nền kinh tế tỉnh, trình độ học vấn địa phương và tỷ lệ canh tác nông nghiệp.
Nói chuyện với Sixth Tone, Ren giải thích rằng các chuẩn mực xã hội liên quan đến văn hóa thị tộc có thể ảnh hưởng đến sở thích giới tính của cha mẹ. "Từ quan điểm của các thị tộc, một số phong tục chỉ có thể được thực hiện bởi người con trai. Truyền thống này càng mạnh mẽ, cha mẹ càng có nhiều khả năng muốn có con trai", Ren nói.
Các chuyên gia cũng quan sát thấy rằng sở thích của cha mẹ đối với con trai đặc biệt rõ rệt ở những khu vực có truyền thống thị tộc mạnh mẽ, nơi chỉ có đàn ông được cho là có khả năng tiếp tục dòng dõi gia đình, tham gia vào các nghi lễ cụ thể và được ghi tên vào trong gia phả.
Theo nghiên cứu, tên đóng vai trò như một định danh xã hội, có thể ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của một cá nhân. Trong khi hầu hết các tên Trung Quốc có thể cần được giải thích để người nghe hiểu được ý nghĩa, thì ý định đằng sau những cái tên như Zhaodi lại "trực diện và rõ ràng" hơn cả, ai nghe cũng hiểu ngay, Ren nói.
"Những phụ nữ tên Zhaodi có lẽ đã liên tục nghe gia đình thể hiện mong muốn có con trai từ khi còn nhỏ cho đến trưởng thành. Cái tên của mình bị gửi gắm khát vọng khác không phải dành riêng cho bản thân có thể khiến họ cảm thấy không thoải mái, thậm chí cảm nhận được nỗi thất vọng của cha mẹ về sự tồn tại của mình", Ren nói, nhấn mạnh việc thiếu nghiên cứu về tác động tâm lý của những cái tên này.
Nguồn: Sixth Tone