Nhiều bệnh nhân tiểu đường type 2... tự khỏi dần mà không hay
Phát hiện mới từ các nhà khoa học Scotland có thể mở ra hướng đi mới trong việc điều trị bệnh tiểu đường - vẫn được gọi là một trong các bệnh mạn tính phổ biến nhất.
Tác giả Mireille Captieux và nhóm nghiên cứu từ Đại học Edinburgh (Scotland - Vương quốc Anh) chuyên về bệnh tiểu đường cho biết cứ 20 người bị bệnh tiểu đường thì có một người tự thuyên giảm mà không hay.
Điều này lý giải phần nào cho sự thành công đáng kinh ngạc của các phương pháp điều trị tiểu đường type 2 đang được nghiên cứu trong vài năm nay - thường dựa trên chế độ ăn kiêng, tập luyện để giảm cân nghiêm ngặt nhằm giúp điều tiết insulin trong cơ thể được hoạt động trở lại bình thường.
Nghiên cứu mới cho thấy tiểu đường không phải căn bệnh mạn tính ngày một xấu đi như suy nghĩ trước đây (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo Sciecne Alert, khác với tiểu đường bẩm sinh (type 1), tiểu đường type 2 là một dạng bệnh do mắc phải, có nguyên nhân do lối sống: chế độ ăn, luyện tập... dần dần phá hoại cơ chế sản xuất insulin trong cơ thể, khiến cơ thể không tự kiểm soát đường huyết ở mức khỏe mạnh được nữa. Người bệnh tiểu đường thường phải dùng thuốc cả đời kết hợp với can thiệp về dinh dưỡng, vận động.
Dựa trên một bộ dữ liệu sức khỏe lớn ở Scotland, nhóm nghiên cứu đã lọc ra được hơn 162.000 người trên 30 tuổi bị tiểu đường type 2 theo kết quả đo HbA1c, một chỉ số phản ánh căn bệnh.
Từ nhóm này, họ đã tìm ra được tới 7.710 người đã thuyên giảm, chiếm khoảng 4,8% của nhóm, mà không thực sự can thiệp theo kiểu "tấn công" nào. Tình trạng này thường liên quan đến một sự kiện vô tình khiến họ giảm cân nhanh chóng hay thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
Trước đây, một số nghiên cứu từ Anh và các nước Âu Mỹ cho thấy có thể trị dứt nhờ việc "đảo chiều" quá trình mà nhà máy sản xuất insulin trong cơ thể bị phá hoại. Song, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và sức khỏe để trải qua thời gian trị liệu bằng ăn kiêng nghiêm ngặt.
Tuy nhiên phát hiện mới cho thấy các can thiệp tự nhiên hoàn toàn có khả năng khiến bệnh thuyên giảm dần theo thời gian, từ đó giúp các biện pháp can thiệp "đảo chiều" trở nên không cần quá nghiêm ngặt và dễ thực hiện hơn. Ngoài ra, chỉ cần thuyên giảm, bệnh nhân đã giảm mạnh nguy cơ biến chứng - bao gồm những sự kiện tim mạch chết người và nguy cơ tàn phế.
Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí khoa học PLOS One.