"Nhận diện" bạn trẻ đang sống thử

,
Chia sẻ

Thường xuyên vắng mặt trong các cuộc vui của trường lớp, không cho người thân hay bạn bè biết chỗ trọ là một trong những dấu hiệu tố cáo bạn trẻ đang sống thử.

Hiện nay việc các cô, cậu sinh viên sống thử hay "đi quá giới hạn" không còn hiếm. Vì xã hội chưa chấp nhận thực tế này nên những cặp sống thử thường lén lút, đôi khi bạn bè và gia đình thể không biết hoặc chỉ ngờ ngợ... Thực ra có thể nhận biết tình trạng này qua một số dấu hiệu sau.

Có vẻ... yêu trường lớp nhiều hơn

Theo lịch Hùng (Thanh Hóa) được nghỉ hè 40 ngày, nhưng chưa hết một tháng Hùng đã chuẩn bị đồ đạc, lý do là nhập trường sớm. Nhà Hùng cách trường hơn 200 km, mỗi năm Hùng chỉ về nhà vào hai dịp hè và Tết. Nhưng năm nay kỳ nghỉ hiếm hoi bên gia đình nhanh chóng làm cho Hùng chán, gia đình bây giờ không khiến cho Hùng lưu luyến bằng mái ấm bé nhỏ của mình ở trường. Hùng đã định sẽ ở lại nhà trọ trong suốt kỳ nghỉ, nhưng do người yêu vẫn khăn gói về quê như mọi người nên Hùng đành về quê cho có lệ. Giờ nhớ người yêu nên Hùng xuống trường sớm rồi liên tục nhắn tin, gọi điện giục giã người yêu xuống cùng mình. Chẳng bao lâu sau, người yêu Hùng cũng khăn gói quả mướp xuống... nhập học sớm.

Do muốn dành nhiều thời gian bên nhau nên những dịp nghỉ ngắn như thứ bảy, chủ nhật, nghỉ 30/4 – 1/5 hay nghỉ Tết dương lịch, các đôi sống thử thường viện lý do để không về nhà. Như trường hợp của Quỳnh (Hà Nam), nhà cách trường hơn 80 km nên Quỳnh vẫn thường xuyên đi đi lại lại thăm nhà. Nhưng từ ngày sống thử, tần suất về quê của Quỳnh giảm hẳn. Mỗi lần về quê Quỳnh chỉ ở nhà một ngày rồi lại tất bật xuống trường luôn. Quỳnh luôn viện lý do nhiều bài tập nên bố mẹ không giữ Quỳnh ở nhà, ngược lại còn động viên Quỳnh cố gắng học, cứ xuống trường lo học hành cho tốt, bao giờ học xong thì tha hồ về nhà chơi. Quỳnh cho biết: “Thực ra bây giờ mình cũng không muốn về quê nữa, nhưng mình nhớ mẹ lắm, lâu lâu về cho đỡ nhớ với lại gia đình đỡ nghi ngờ”.

(Ảnh minh họa)

Vì đang trong thời kỳ yêu nhau mặn nồng nên khi chàng hay nàng vắng nhà do về quê thì đối tượng kia thường không chịu nổi. "Một nửa" ở phòng trọ liên tục nhắn tin, gọi điện hỏi bao giờ xuống trường khiến nửa ở nhà cũng sốt ruột và tìm cách xuống sớm. Quỳnh thành thật chia sẻ: “Nếu anh ấy gọi nhiều mà mình không xuống được cũng thấy tội nghiệp lắm. Có lần mình bận việc đột xuất nên xuống muộn hơn dự tính, thế là anh ấy giận cả tuần, cho rằng mình bỏ rơi anh ấy. Đôi lúc mình cũng muốn ở nhà lâu lâu một chút, nhưng sợ anh ấy nhớ, rồi lại giận nên lại tìm cách xuống sớm”.

Đi có đôi có cặp

Bạn Huệ (Bắc Giang) khẳng định: “Cứ nhìn thấy đôi nào trong lớp hay đi với nhau là thế nào cũng đang sống chung với nhau. Họ đi học cùng nhau, đi dạo cùng nhau, đi ăn sáng cùng nhau, đi chợ cùng nhau, đến đi chơi điện tử cũng thấy đi cùng nhau thì dứt khoát là ở cùng nhau. Không ở cùng nhau thì lấy đâu thời gian đi với nhau nhiều thế”.

Hoàng (Lạng Sơn) cũng tỏ ra sành sỏi, khẳng định: “Bạn mình cậu  nào liên tiếp ba đợt nhậu dẫn người yêu đi cùng là có vấn đề. Không phải đang sống thử thì cũng dứt khoát là sắp về ở chung với nhau”.
 
Do sống chung nên tâm lý các bạn trẻ là sẽ chung tất với nhau. Chung niềm vui, mối lo sợ, chung tiền, chung sở thích, chung bạn bè… Vì thế, sinh nhật của bạn người này, người kia cũng đi cho vui, liên hoan ở nhà bạn người này, người kia cũng thông báo một suất có mặt. Đến điện thoại di động các đôi cũng dùng chung với nhau.
 
Từ ngày Hùng chuyển đến sống chung với người yêu, bố mẹ Hùng không còn lo lắng việc mất liên lạc với Hùng nữa. Hùng bản tính ăn chơi, thường xuyên cắm máy lấy tiền tiêu xài, hoặc bị bạn bè mượn máy cắm mất. Hùng cũng thường xuyên thay số để xài khuyến mại nên bố mẹ Hùng chỉ liên lạc được với Hùng khi Hùng chủ động gọi về. Nay có số điện thoại của bạn gái Hùng, bố mẹ Hùng chỉ cần gọi một tiếng, 5 phút sau Hùng đã có mặt để nghe điện thoại. Mọi thông tin liên lạc giữa Hùng và gia đình luôn được lưu chuyển qua chiếc cầu nối là bạn gái Hùng. Do tiếp xúc thường xuyên nên mối quan hệ giữa bố mẹ Hùng và người yêu Hùng ngày càng trở nên thân thiết và tốt đẹp. Theo Hùng: “Như thế này là nhất cử lưỡng tiện” nên Hùng báo với gia đình là đánh mất máy, trong khi thực ra Hùng đang sở hữu “hai tay hai máy” khác nhau.

Không cho người nhà, bạn bè biết chỗ trọ
 
Nhiều người nghĩ thoáng nên thông cảm đối với các đôi sống thử. Nhưng nhiều người vẫn có thái độ kỳ thị, coi thường các bạn gái không biết giữ gìn nên coi việc sống thử là một việc kinh khủng, động trời. Chính thái độ ấy khiến nhiều người sống thử cảm thấy mặc cảm và e sợ, luôn tìm cách che giấu.

Từ đầu học kỳ năm thứ hai Hằng chuyển về sống chung với bạn trai. Cũng từ đó, Hằng luôn cẩn thận trong việc nói chuyện về chỗ ở của mình. Bạn bè học cùng lớp hơn 3 năm nhưng hầu hết không biết chỗ ở của Hằng vì Hằng rất kín tiếng và không bao giờ mời bạn bè về phòng mình chơi. Đến sinh nhật mình, Hằng mời bạn bè ra quán nước và tổ chức luôn ở đó.
 
Để đối phó với gia đình, Hằng liên tục báo với gia đình chuyển chỗ trọ. Hằng viện ra đủ loại lý do khiến mình chuyển phòng. Do không biết chỗ trọ mới của Hằng nên khi người nhà xuống thăm đều phải gọi điện báo trước để Hằng đi đón. Khi đó, Hằng sẽ mượn phòng một bạn nào đó, chuyển tạm mấy món đồ rồi giả cách như đó là phòng mình. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên dù đã sống cùng người yêu từ lâu nhưng chuyện sống thử của Hằng vẫn không bị bạn bè và bố mẹ phát hiện ra.

Ở trường Dung, quản lý KTX khá lỏng lẻo, người chuyển ca chuyển vào liên tục nên quản sinh không quản lý hết được. Đầu năm, Dung cũng đăng ký một chỗ trong KTX. Mỗi khi người nhà xuống thăm, Dung lại chuyển vào KTX ở. Người nhà vừa lên xe về thì Dung lại lập tức chuyển đến sống với người yêu. Dung kể: “Có lần mẹ mình xuống thăm, không thấy mình ở phòng cũng thắc mắc. Mình nói có bạn cùng lớp bị ốm, con ra chăm sóc bạn, mẹ tin ngay, không nghi ngờ gì cả. Tất nhiên là phải quan hệ tốt với các bạn cùng  phòng trong KTX, có gì các bạn còn bắn tin cho kịp biết mà đối phó”.

Am hiểu đột xuất về những vấn đề sức khoẻ giới tính, sinh sản

Để thích nghi với cuộc sống có đôi có cặp, tất yếu các bạn trẻ phải tự trang bị cho mình những biện pháp phòng tránh. Khác với những bạn trẻ quan hệ theo kiểu "qua đường", những đôi sống thử có sự gắn bó dài lâu nên vấn đề quan hệ ra sao, bảo vệ sức khỏe giới tính thế nào, các vấn đề về tình dục nói chung sẽ được các bạn tìm hiểu kỹ càng.
 
Vì bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người yêu mình nên từ ngày sống thử Hằng liên tục cập nhập những thông tin liên quan đến sex, sức khỏe, vấn đề sinh sản, giới tính. Từ ngày sống chung, lần đầu tiên Hằng đọc những thông tin về màng trinh, thuốc tranh thai. Lần đầu tiên biết cái bao cao su hình dạng thế nào, sử dụng ra sao. Lần đầu tiên Hằng biết chỗ của phòng khám phụ khoa trong bệnh viện.
 
Lâu lâu, do tiếp xúc nhiều với những thông tin nhạy cảm này nên Hằng cũng bớt thấy ngại ngùng và chủ động tìm hiểu thêm những vấn đề có liên quan. Nhưng theo Hằng thì "phần nhiều các bạn giống như Hằng rất chủ quan, không tìm hiểu thông tin một cách chính thống qua những tài liệu trên báo đài, sách vở, internet mà tìm hiểu chủ yếu qua những thông tin truyền miệng, kiều như “tớ nghe nói …”. Có bận mình đưa bạn mình đi phá thai. Hỏi tại sao bạn có phòng tránh bằng bao cao su rồi mà vẫn bị, bạn ý nói: vì thấy bảo cho ra ngoài sẽ không sao nên bỏ không dùng bao cao su nữa . Nhìn bạn tái xanh sau khi hút thai, mình vừa thương vừa giận bạn, tại sao bạn lại chủ quan thế chứ?”.
 
“Mình quan tâm đến mấy vấn đề sức khỏe giới tính, sinh sản vì bây giờ nó liên quan trực tiếp đến mình”- Dung nói. “Có bữa mình và em gái xem tivi, gặp mấy câu hỏi về giới tính, mình trả lời vanh vách làm em mình ngạc nhiên quá. Mình rất muốn truyền cho em mình tất cả những hiểu biết của mình về vấn đề này để em nó biết nhưng không có cách nào mở miệng được. Tự nhiên lôi mấy chuyện này ra nói thì ngại quá”.
 
Còn Quỳnh, bạn bè cùng lớp cũng khá ngạc nhiên khi thấy Quỳnh trở nên am hiểu về những "vấn đề nhạy cảm". Nhiều bạn trong lớp khi gặp vấn đề thường kín đáo gọi Quỳnh ra một góc và xin tư vấn. Dù không muốn bạn bè trong lớp biết mình sống thử, nhưng Quỳnh vẫn chủ động tư vấn cho các bạn khi các bạn trong lớp yêu cầu. Quỳnh cho biết: “Nếu không biết gì sẽ rất nguy  hiểm, nhất là cho con gái bọn mình. Bây giờ chỉ cần nhìn thái độ, thói quen của các bạn trong lớp là mình biết ai đang sống thử như mình rồi”.

Thường xuyên vắng mặt trong những cuộc vui của tập thể

Nếu trước đây girl đó là một người năng nổ, không bao giờ vắng mặt trong các công việc của lớp mà nay đột nhiên thường xuyên xin phép về sớm, lặn mất tăm trong những buổi sinh hoạt, ít xuất hiện hơn trong các buổi sinh nhật, liên hoan thì có thể girl đó đang có một gia đình nho nhỏ phải chăm lo.
 
Nếu một boy thường nhậu thâu đêm suốt sáng nay tự nhiên về sớm, các cuộc vui chơi đường dài, lâu ngày boy này cũng báo vắng mặt. Tự nhiên boy này cai rượu, cai thuốc lá, cai chơi đêm thì có thể boy này đang có một "người quản lý" mới.
 
Việc nhận ra các đôi sống thử không phải là quá khó, nhưng điều quan trọng là nếu nhận ra điều đó thì hãy quan tâm hơn đến họ, tư vấn cho họ những gì họ chưa biết. Chính thái độ nghi kỵ, coi thường là nguyên nhân đẩy các đôi sống thử xa lánh chính gia đình và bạn bè mình.
 
Theo VTCNews
Chia sẻ