Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tiết lộ chuyện tình bí mật

,
Chia sẻ

Cuộc tình trắc trở với nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã mang lại cho bà C. một cô con gái. Bà âm thầm sinh con, đặt tên là Mai Phương mà mãi đến sau này ông mới biết.

Người em song sinh của Dũng “khùng”

Sinh ngày 18 -1-1978, Dũng “khùng” - con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có người em sinh cùng ngày. Cho đến nay, không nhiều người biết bí mật này, kể cả những người thân thiết với gia đình nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Dũng sinh buổi sáng và người em mãi tới chiều mới sinh. Điều đặc biệt nữa là người em này không cùng... mẹ với Dũng khùng! Đó là ai?

Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, buổi sáng ông đưa vợ vào viện sinh Dũng, chiều về ông làm khai sinh cho đứa con thứ hai. “Đứa con” này hết sức đặc biệt bởi đó chính là kịch bản bộ phim nổi tiếng Cánh đồng hoang. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng coi đây cũng là một người con khác của ông, một người con tinh thần mà ông có ý tưởng thai nghén từ lâu.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết: Ý tưởng viếtCánh đồng hoang có trong ông từ những năm 1960, nhưng khi đó ông biết bối cảnh phim phải có cảnh đồng bằng Nam bộ nhưng giữa lúc chiến tranh loạn lạc, Nam - Bắc còn bị chia cắt, đạo diễn biết dựng phim, quay phim ở đâu?

Vậy là ông “ém” kịch bản lại. Cho đến đúng ngày đưa vợ vào bệnh viện sinh Dũng, ông về nhà ngồi bắt tay viết Cánh đồng hoang. Đến giờ ông cũng không thể lý giải làm sao kịch bản ấy được viết đúng ngày ấy, tháng ấy. Có lẽ như là một sự thôi thúc định mệnh. Kịch bản được hoàn thành trong vòng 7 ngày. Khi ấy ông không hề nghĩ rằng Cánh đồng hoang sẽ là bộ phim xuất sắc, tiêu biểu cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Chỉ biết rằng cùng lúc ông có hai người con. Một cậu con trai Nguyễn Quang Dũng bằng xương bằng thịt. Một đứa con điện ảnh mà ông tâm huyết. Có người nói đó là sự sắp đặt có tính định mệnh. Bởi vì sau này điện ảnh chính là sự lựa chọn của Nguyễn Quang Dũng và anh đã thực sự toả sáng ở lĩnh vực này.
 

Nguyễn Quang Sáng và 2 con trai
 
Kể về Dũng “khùng”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng dành cho anh những lời thật trìu mến: “Thằng đó nó hay lắm”.

Dũng “đeo bám” ông từ những ngày còn nhỏ. Cha đâu con đó. Những cuộc gặp gỡ bạn bè, những chuyến đi. Hầu như lúc nào Dũng cũng sát cánh bên cha. Dũng với cha không chỉ là một người con, mà còn là một người bạn.

Phim đầu tay của Dũng có nhan đề Con gà trống cũng là phim cha con cùng hợp tác. Cha viết kịch bản, con làm đạo diễn. Và ngay từ bộ phim đầu tay này, cá tính, tài năng của Dũng đã được thể hiện.

Sau này, khi đã thực sự dấn thân vào điện ảnh, Dũng tự tạo ra dòng phim giả tưởng của riêng mình. Có thể kể ra những tên phim gây sốt trong giới trẻ những năm qua của anh: Nụ hôn thần chết, Những nụ hôn rực rỡ, Giải cứu thần chết... Không khó lý giải vì sao Nguyễn Quang Dũng trở thành đạo diễn thuộc loại “đắt sô” hiện nay.

Khi được hỏi về cậu con trai “làm phim không giống ai”, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cười tự hào: “Phải vậy chớ! Dũng là Dũng, Sáng là Sáng”.

Cái tính “không giống ai” của Dũng khùng hẳn ít nhiều ảnh hưởng từ cá tính của người cha. Ông không bao giờ dạy con phải làm cái này, phải làm cái kia. Ngày còn đi học, khi bị cô giáo nhiều lần phàn nàn về chuyện con nhà văn mà lại học kém văn, ông không hề thấy buồn hay tức giận.

Khi nghe cô giáo than nhiều quá, ông nổi quạu với ý rằng: phải chăng cách đánh giá của nhà trường bị trật, nhất là với môn văn? Nếu cô giáo chỉ muốn học trò làm theo ý cô thì đâu phải là phương pháp sư phạm đúng?

Ông luôn khuyến khích con làm những thứ mà mình thích. Tự do phát triển những năng khiếu của mình. Thấy con thích âm nhạc, dù tiền bạc không dư dả, ông cũng cho mời cô giáo tới nhà dạy con học piano và organ. 16 tuổi Dũng đã có album nhạc đầu tay, phổ thơ Văn Cao.

Ngày còn học lớp chín nghe con bảo “Con chỉ thích làm điện ảnh để được đi đây đi đó, ông gật đầu cái rụp “Mai mốt ba viết kịch bản, con làm đạo diễn”. Không ngờ câu chuyện của những năm niên thiếu đó sau này trở thành hiện thực.
 
“Chính nhờ cha mà tôi không ngại nói bất cứ điều gì mình nghĩ, dù nó có trái chiều, có gây sốc” - Dũng “khùng” thú nhận.

Và cô con gái riêng có tên Mai Phương

Kể về Dũng khùng và người em song sinh có tên Cánh đồng hoang(!), nhà văn Nguyễn Quang Sáng bật mí mình còn có một con gái riêng, bằng xương bằng thịt chứ không phải là kịch bản nào khác, tên là Mai Phương. Mai Phương là kết quả của một câu chuyện tình nhiều trắc trở của ông với một nữ diễn viên.

Nhắc đến chuyện xưa của mình, giọng ông chùng hẳn xuống. Trước khi đi B, nhà văn Nguyễn Quang Sáng gặp một diễn viên điện ảnh sắc nước hương trời tên là C. Hai người phải lòng nhau từ cái nhìn đầu tiên. Cô gái bất chấp dư luận, theo ông về ở số 2 Cổ Tân, Hà Nội.

Trong thời gian chung sống với nhau, cô gái nhiều lần tỏ ra bứt rứt vì điều gì đó. Khi được gặng hỏi, C. thổ lộ là trước đây mình đã lỡ hứa hôn với một đạo diễn nên thật sự băn khoăn không biết phải giải quyết quan hệ tay ba này theo cách nào.

Nghe vậy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không hề giận, chỉ khuyên: “Đã hứa hôn với người ta rồi thì về với người ta đi”. Dù còn nhiều quyến luyến, nữ diễn viên C cũng nghe theo lời khuyên của ông. Trước khi cô gái về nhà chồng, ông còn dẫn lên phố Hàng Đào mua tặng cô một bộ áo dài. Sau đó C. vào Nam, chỉ còn mình ông ở lại Hà Nội.

Hai năm sau, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng vào Nam. Ông gặp lại C. Hai người nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Tình cảm xưa ngỡ đã nằm yên, giờ trào lên như sóng dậy.

Nhớ lại ngày ấy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bồi hồi: Cô gái nói một câu mà tôi còn nhớ mãi “Chiến tranh lạ lùng lắm, anh đi anh có thể chết, em ở đây em cũng có thể chết”.

Hai trái tim cô đơn đã dành cho nhau những giờ phút yêu thương cháy bỏng.

Cuộc tình trắc trở với nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã mang lại cho bà C. một cô con gái. Bà âm thầm sinh con, đặt tên là Mai Phương mà mãi đến sau này ông mới biết. Một thời gian sau, bà cũng chia tay với người chồng đạo diễn và sống cùng với con gái.

“Mai Phương giống tôi y chang” - nhà văn Nguyễn Quang Sáng khoe.

Thực ra chuyện tình giữa nhà văn Nguyễn Quang Sáng và diễn viên C., người chồng biết hết, nhưng chưa bao giờ ông trách mắng điều gì với bà về mối tình trắc trở ấy. Chỉ có điều sau một thời gian chung sống, hai người chia tay nhau.

Có thể bởi ông biết vợ mình vẫn còn nặng lòng với người khác nên chia tay nhau là cách để giữ lại những tình cảm tốt đẹp nhất của nhau. Chỉ có điều khi C. chia tay đạo diễn thì nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng đã yên bề gia thất nên họ không thể đến được với nhau.

Bà xã của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một người cùng quê, kém ông năm tuổi. Hai người lấy nhau khi ông đã bước vào tuổi 40. Bà là mẫu người phụ nữ chịu thương chịu khó, bao dung, nhân hậu, hy sinh hết lòng cho chồng cho con.

Nhiều năm sau, bà C. có đến thăm vợ chồng ông. Dù lờ mờ đoán được chuyện cũ của hai người, nhưng vợ ông vẫn cư xử hòa nhã, thân thiết với bà C. Hai người phụ nữ có lần còn dắt nhau về An Giang - quê của ông.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết, con gái Mai Phương của ông hiện cũng làm trong ngành điện ảnh. Chuyện con gái riêng của ông, sau này các con đều biết. Họ cũng cư xử với nhau rất hoà nhã. Cả Dũng và anh trai Dũng đều gọi Mai Phương là chị. Ba chị em rất vui vẻ và thân ái.

Ở tuổi 80, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vừa hoàn thành xong kịch bản thứ 14 của mình có nhan đề Chim bay về núi. Đạo diễn Trịnh Lê Văn sẽ thực hiện bộ phim này. Trong gia đình bé nhỏ của ông, những câu chuyện về điện ảnh hình như chưa bao giờ dừng lại...

Theo Điệp Anh
Tiền Phong
Chia sẻ