Nhà báo Trương Anh Ngọc nói về việc dạy thí điểm môn Nữ công gia chánh: "Cái bếp không bao giờ là đặc quyền của phái nữ và môn học này nên đổi tên"

Hạ Uyên ,
Chia sẻ

Đừng coi "nữ công gia chánh" chỉ là những thứ mà nữ giới mới phải học, cần học. Bây giờ là thế kỉ 21 rồi, nên nghĩ thoáng một chút đi.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Phụ nữ và việc nhà từ xưa tới nay được xem như một "cặp bài trùng" không thể thiếu nhau. Người ta khoác lên nghĩa vụ đó bằng những từ mỹ miều như "thiên chức"; "đảm đang"... Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, quan niệm bếp nhà là của... đàn bà dường như đang được "định nghĩa" lại.

Mới đây, câu chuyện một trường học ở Huế thí điểm dạy môn Nữ công gia chánh đã một lần nữa khơi dậy tranh luận xung quanh chủ đề muôn thuở này. Đa số cư dân mạng bày tỏ sự ủng hộ sự cần thiết của môn học. 

Phần đông cho rằng, ý tưởng này rất hay, bởi việc biết nấu ăn là một kỹ năng cần thiết cho cả nam và nữ khi sống tự lập. Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít ý kiến bày tỏ rằng bản thân tên môn học đã thể hiện sự bất bình đẳng giới tính. Bởi theo họ, nấu ăn là kỹ năng ai cũng cần để tự lo cho bản thân, không phân biệt nam nữ.

Qua câu chuyện từ gia đình một người bạn, nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ quan điểm con trai vào bếp chẳng có gì phải xấu hổ cả. Vì cái bếp không phải và không bao giờ là đặc quyền của phái nữ. Anh cũng chia sẻ suy nghĩ của mình xung quanh việc thí điểm dạy môn Nữ công gia chánh ở trường học.

Nhà báo Trương Anh Ngọc nói về việc thí điểm môn Nữ công gia chánh ở Huế: "Con trai vào bếp chẳng có gì phải xấu hổ cả. Cái bếp không bao giờ là đặc quyền của phái nữ" - Ảnh 1.

Nhà báo Trương Anh Ngọc.

Con trai bạn năm nay 13 tuổi, và cậu bé không chỉ giỏi các môn thể thao ưa thích là bóng rổ và bơi, cậu còn rất thích vào bếp. Cái sự thích ấy bắt đầu từ khi cậu chừng 10 tuổi, sau khi bỗng dưng thấy một sự đam mê nào đó bùng lên khi xem các show trên tivi về Master Chef. Thế là cậu xin mẹ cho vào bếp, và từ chỗ chỉ là "phụ bếp", cậu đã thành bếp chính khi mẹ và bố đều bận công việc, có nhiều hôm về nhà rất muộn.

Bạn vui lắm, rất tự hào và đem khoe với mọi người. Rất nhiều người thích cậu bé, ủng hộ. Nhưng cũng có vài bạn nữ thì lại bảo, "sao lại làm thế, sau này nó lớn lên lấy phải vợ đoảng không làm được việc nhà thì sao". Bạn có vẻ buồn, và trong một lần chat với mình, bạn bảo thôi, không khoe nữa bởi thiên hạ nhiều chuyện quá. 

Mình thì bảo sao lại thế, hay mà. Con trai vào bếp là một điều rất tuyệt. Bởi con làm việc nhà, con biết nấu ăn, con chủ động rèn cho mình nhiều kĩ năng cơ bản, trong đó có kĩ năng đi chợ và nấu ăn. Như thế con sẽ càng tự lập, tự tin và tự chủ hơn nữa chứ, sao lại ngại mấy chị phụ nữ có tư tưởng cũ kĩ kia.

Những người có con trai vào bếp như bạn mình không ít và những người có quan điểm đừng dạy con trai làm bếp, sợ sau này lấy phải vợ lười thực ra còn khá nhiều. Nhưng bây giờ là thế kỉ 21 rồi, nên nghĩ thoáng một chút đi. 

Nhà báo Trương Anh Ngọc nói về việc thí điểm môn Nữ công gia chánh ở Huế: "Con trai vào bếp chẳng có gì phải xấu hổ cả. Cái bếp không bao giờ là đặc quyền của phái nữ" - Ảnh 2.

Một con người, dù là nam hay nữ mà có thể làm được nhiều thứ, nếu không nói là đa năng, thì càng tốt, nhất là khi người ấy được khuyến khích và tạo điều kiện cho từ khi còn nhỏ. Đấy là khuyến khích sáng tạo, tạo điều kiện cho tư duy độc lập, dám nói lên chính kiến và quan điểm của mình, dám ước mơ. Vào bếp là vào với dạ dày, vào với trái tim của ngôi nhà, vào với những điều nhẹ nhàng và đáng yêu của gia đình.

Nếu đấy là đam mê của bé trai, nên khuyến khích và tạo điều kiện cho con. Nếu con chưa biết làm những việc như thế trong bếp thì cũng tạo điều kiện cho con làm, thậm chí đừng ngại giao cho con việc chọn đồ ăn khi đi chợ để bắt đầu phát triển các kĩ năng sống và từ đó phát triển cả khả năng quản lí chi tiêu. 

Con trai vào bếp chẳng có gì phải xấu hổ cả. Vì cái bếp không phải và không bao giờ là đặc quyền của phái nữ cả. Đừng coi "nữ công gia chánh" chỉ là những thứ mà nữ giới mới phải học, cần học. Bây giờ là thế kỉ 21 rồi, nên nghĩ thoáng một chút đi.

Con trai nấu ăn được thường là những người rất cẩn thận, chân thành và cởi mở

Nhà báo Anh Ngọc cũng chia sẻ, anh hoàn toàn ủng hộ việc thí điểm dạy môn nữ công gia chánh trong trường học, không chỉ ở Huế mà còn nhiều nơi khác bởi đấy là kỹ năng để tự lập và trước hết là tự yêu bản thân mình. Có yêu mình, chăm sóc cho mình tốt thì mới chăm gia đình được. Việc một số đầu bếp giỏi là nam chứng tỏ rằng việc nấu ăn chẳng liên quan gì đến giới tính nam nữ cả.

Tuy nhiên, theo anh Ngọc, tốt hơn hết môn học này nên đổi tên và áp dụng như một hoạt động ngoại khóa, không tính điểm để tạo sự hứng thú: "Dù biết rằng đây là một thuật ngữ được dùng từ trước tới nay nhưng theo tôi không nên đặt tên là nữ công gia chánh bởi chính nó tạo ra sự bất bình đẳng. Nên thay bằng một cái tên dễ thương và bình đẳng với cả hai giới sẽ tốt hơn và tránh hiểu lầm".

Nhà báo Trương Anh Ngọc nói về việc thí điểm môn Nữ công gia chánh ở Huế: "Con trai vào bếp chẳng có gì phải xấu hổ cả. Cái bếp không bao giờ là đặc quyền của phái nữ" - Ảnh 3.

"Con trai nấu ăn được thường đều là những người rất cẩn thận, chân thành và cởi mở, tự lập. Ít ra những người xung quanh tôi đều như thế. Bản thân tôi mỗi tuần 3 lần làm bếp chính, còn lại là phụ bà xã. Lau nhà hút bụi thì là chuyện đương nhiên, cả giặt đồ sấy đồ dùng máy rửa bát cũng phụ trách nốt". 

Thời buổi toàn cầu hoá, cả thế giới dịch chuyển, mỗi người phải trang bị cho mình càng nhiều kỹ năng sống càng tốt, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Trong các kỹ năng sống thì nấu ăn là quan trọng nhất. Chẳng bao giờ là quá sớm để hướng dẫn một em bé vào bếp hay quá muộn để một cậu bé kể cả lớp 9, lớp 10 học cách nấu một bữa ăn đủ dinh dưỡng trước hết là cho mình và sau là cho gia đình.

"Làm việc nhà không chỉ vì mình mà xét ở một khía cạnh nào đó còn là một cách để tự lập, không phụ thuộc. Chẳng hạn tôi đi công tác 1 mình ở nước ngoài đều hay thuê căn hộ để mình tự nấu. không phải vì tiếc tiền ăn hàng, mà thích cảm giác mình chăm sóc tốt cho bản thân. Nhưng nếu trước đó không biết gì về nấu ăn, nội trợ thì khó có được chọn lựa như thế", nhà báo Trương Anh Ngọc nói.

Trả lời trên VnExpress, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng:

Nữ công gia chánh chỉ là một thuật ngữ để bao quát các kỹ năng sống. Ngoài việc tập trung dạy nấu ăn cho học sinh, giáo viên cũng sẽ dạy văn hóa ứng xử, tác phong của con người Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Thông qua các món ăn được dạy, các em sẽ hiểu hơn về văn hóa ẩm thực Huế, con người Huế.

Một số người hiểu nhầm nữ công gia chánh chỉ là môn học dành cho nữ sinh mà không dành cho nam sinh. Đã là đào tạo nghề thì không kể nam nữ. Trên thế giới hiện nay, nhiều đầu bếp nổi tiếng là nam không phải là nữ. Việc học nấu ăn, nâng cao kỹ năng sống là dành cho mọi giới.

Chia sẻ