Người trưởng thành phải biết NGỪNG KẾT GIAO với 4 loại bạn này nếu không muốn rước khổ vào thân

Thạch Anh,
Chia sẻ

Bên cạnh những mối quan hệ chất lượng, có không ít những kiểu bạn độc hại mà ta cần rời bỏ để bảo vệ chính mình.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào sức khỏe tinh thần của một con người có lẽ chính là những mối quan hệ thân cận. Bên cạnh người thương, gia đình, những người quan trọng nhất đồng hành cùng ta trong cuộc đời có lẽ chính là bạn bè. Chẳng thế mà có câu ngạn ngữ: "Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào".

Dẫu vậy, có một sự thật là không phải mọi tình bạn, hay mọi loại bạn đều có giá trị tốt đẹp và đóng góp tích cực cho cuộc đời chúng ta. Một số tình bạn đích thực sẽ đứng vững trước thử thách của thời gian, là nguồn vui và cảm hứng phát triển; trong khi số khác lại chẳng mang lại ý nghĩa nào và thậm chí còn tước đoạt và ăn mòn giá trị của chúng ta. 

Loại bạn thứ hai, có thể coi là những người bạn độc hại mà người ta cần ngừng giao du.

Vấn đề là, nhận biết ai đó có phải một người bạn độc hại hay không không phải vấn đề dễ dàng, nhất là nếu mối quan hệ đó có sự gắn kết. Chưa kể, việc nhìn nhận hành vi của ai đó có độc hại hay không còn mang tính chủ quan, và đôi khi chính những tính tốt của họ vẫn luôn là lớp "lá chắn" bảo vệ cho tình bạn hay biện minh cho tình bạn ấy.

Sự thật là, rất hiếm có ai xấu hoàn toàn mà họ luôn có một vài mặt tốt nào đó. Dẫu thế, việc họ có đối xử tốt với ta không lại là một phạm trù khác. 

Đến tuổi trưởng thành, cần NGỪNG KẾT GIAO ngay với 4 loại bạn độc hại này nếu không muốn rước khổ vào thân - Ảnh 2.

Quan trọng hơn, việc ta ngừng giao du với ai đó không có nghĩa người đó là người xấu hoàn toàn, đôi khi chỉ đơn giản là người bạn đó không sẻ chia cùng giá trị, không phù hợp với tam quan của ta và, nghĩ một cách nhẹ nhàng, thì đã hết duyên. Việc ngừng qua lại với họ cũng không đồng nghĩa với sự thù ghét, mà đơn giản chỉ là tự vệ cho sự bình yên của bản thân mà thôi. 

Vậy đâu là những dấu hiệu rõ ràng nhất của một người bạn độc hại?

1.

Người chỉ biết nhận

Kiểu người chỉ biết nhận có thể dễ dàng bị lộ tẩy qua 4 hành vi: 

Đến tuổi trưởng thành, cần NGỪNG KẾT GIAO ngay với 4 loại bạn độc hại này nếu không muốn rước khổ vào thân - Ảnh 3.

Họ chỉ biết nhận về mình.

Đòi hỏi nhiều nhưng cho đi thì ít.

Thực hiện nghĩa vụ chỉ vì sợ.

Và chỉ làm ơn để được nhận lại.

Động cơ của kiểu bạn chỉ biết nhận là ham muốn, lúc nào cũng khao khát thêm nữa và bất chấp tất cả, kể cả tình bạn để đạt được mục đích. Kiểu người này luôn theo đuổi một mục đích trục lợi nào đó và không bao giờ yên lòng.

Mối quan tâm lớn nhất của họ không phải bản thân tình bạn có nảy nở hay phát triển hay không mà là họ đạt được gì với mối quan hệ ấy. Kiểu tình bạn này thiếu đi sự cân bằng, và giống với mối quan hệ ký sinh-vật chủ.

Nếu hy sinh vì loại tình bạn này, người ta không chỉ đang tự làm hại bản thân, mà còn làm hại cả chính người đó khi gián tiếp để họ tiếp tục đi trên chuỗi hành động lầm lạc và rời xa khỏi niềm vui đích thực của tình bạn chân chính, xây dựng bởi lòng chân thành, niềm tin và cân bằng.

2. 

Người nói suông

Kiểu người chỉ biết nói suông cũng nguy hiểm không kém, khi vũ khí của họ là lời lẽ ngọt như mía lùi để dễ bề thao túng. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là bất chấp hàng loạt lời hứa hay lý do, họ thực sự có rất ít hành động thực tiễn.

Đến tuổi trưởng thành, cần NGỪNG KẾT GIAO ngay với 4 loại bạn độc hại này nếu không muốn rước khổ vào thân - Ảnh 4.

Trong bộ kinh Sigalovada, Đức Phật có nói: "Người chỉ biết nói có thể nhận diện bằng 4 thứ: Luôn nhắc về sự hào phóng trong quá khứ; Hứa hẹn về sự hào phóng trong tương lai; Thốt ra những lời tử tế rỗng tuếch; Và viện cớ sự thống khổ của bản thân khi được nhờ giúp đỡ".

Vậy người ta phải tự đặt câu hỏi, mình có thể có được giá trị tinh thần gì từ một người bạn luôn cho ta thứ duy nhất là lời lẽ ngọt ngào nhưng rỗng tuếch, không biết giữ lời hứa và không bao giờ ở bên khi ta cần (họ luôn giỏi nghĩ ra những lý do vô cùng thuyết phục).

"Hoạn nạn mới thấy chân tình". Hành động là thứ nói rõ ràng nhất về bản chất cách cư xử của một người với tình bạn, chứ không phải những lời lẽ hoa mỹ, đao to búa lớn. Tất nhiên, kiểu người luôn tạo cảm giác ấm áp, thân thiện giả tạo đôi khi cũng vui để giao du cùng, nhưng không bao giờ nên coi họ là bạn, vì đơn giản họ thiếu sự đáng tin và trung thực.

3.

Kiểu bạn xu nịnh

Những kẻ xu nịnh có một biệt tài là luôn tìm ra khao khát của người khác để lợi dụng bằng cách tán dương nhằm đạt được sự chấp nhận và yêu mến. Họ là bậc thầy trong việc nói những gì mà người khác muốn nghe, có thể coi đó là năng lực "rót mật vào tai" thậm chí còn khéo hơn cả kiểu người số 2.

Tất nhiên, kiểu bạn này sẽ rất hứng thú với "nạn nhân" là những người có cái tôi lớn và luôn tạo ra niềm vui cho họ, mục đích đằng sau thì chẳng có gì là tốt đẹp. Kiểu bạn này cũng có thể nhận ra qua 3 dấu hiệu sau:

- Luôn bênh vực cả những hành vi tốt và xấu mà không hề rạch ròi.

- Khen ngợi trước mặt.

- Nhưng ngấm ngầm hạ bệ sau lưng.

Đến tuổi trưởng thành, cần NGỪNG KẾT GIAO ngay với 4 loại bạn độc hại này nếu không muốn rước khổ vào thân - Ảnh 6.

Loại bạn này có sự tương đồng về tính bất nhất với kiểu người chỉ biết nói suông. Mặc dù việc bênh vực ta với mọi hành động nhìn có vẻ giống một tình bạn chân thành, thực tế thì những lời khen và ủng hộ bất chấp của họ chỉ có ích cho một thứ duy nhất: lòng tự phụ. Người này tin rằng bạn sẽ luôn giữ họ bên mình, miễn là họ còn thốt ra những lời tán dương ngọt ngào mà bạn muốn nghe.

Tất nhiên, với kiểu tính cách miệng lưỡi không xương như vậy, rất khó để những người này thực sự phong bế chủ tâm mà họ sẽ luôn để lộ bằng hình thức rõ ràng nhất: nói xấu sau lưng. Họ có thể bất đồng với một hành động của ta, nhưng thay vì chỉ cho ta phản biện hay giúp ta nhận ra đúng/sai ở góc nhìn khách quan, họ đem nó làm câu chuyện phiếm hay tệ hơn là để hạ bệ uy tín của ta với người khác.

Đó cũng có lẽ là mối nguy lớn nhất mà kiểu bạn này mang lại. Họ không giúp ta phân biệt được nên và không nên (dù về mặt đạo đức hay luân lý); cũng có nghĩa, họ khuyến khích những hành động có hại cho bản thân ta và những người xung quanh - cái tôi cũng có lúc lạc lối.

 4.

 Kiểu người khinh suất, ham chơi

Một số người bạn có thể đặc biệt thú vị để chơi cùng, khi họ luôn cuốn ta vào những cuộc phiêu du hay ý định táo bạo, bất ngờ dù chúng có độc hại hay nguy hiểm đi chăng nữa. Kiểu bạn này không có gì khó nhận ra, khi những nơi thường xuyên nhất ta giao du cùng họ là "tứ đổ tường": những thói hư tật xấu đáng lên án như cờ bạc, rượu chè, tiệc tùng sa đà...

Sự nguy hiểm của loại bạn này đến từ trạng thái bất ổn, lúc nào cũng quá mức hưng phấn và say sưa - đều là những thứ dễ lây lan. Với kiểu người này, vui chơi có lẽ không bao giờ là đủ, dù có phải hy sinh công việc, thời gian và các mối quan hệ khác. Những tính xấu dẫn đến nghèo khó và nợ nần như ham mê cờ bạc, hoang phí tiền của, lười biếng, ham chơi có vẻ đều gắn bó với kiểu bạn và tình bạn này.

Đến tuổi trưởng thành, cần NGỪNG KẾT GIAO ngay với 4 loại bạn độc hại này nếu không muốn rước khổ vào thân - Ảnh 7.

Tất nhiên, những kiểu hành vi đó chẳng tốt cho thứ gì khác ngoài niềm vui ngắn hạn và nông cạn. Chúng không chỉ hủy hoại ví tiền mà còn làm phiền những mối quan hệ chất lượng và thời gian lao động, phát triển bản thân của chúng ta. Cái bẫy của kiểu bạn này là nó vô cùng hấp dẫn và dễ gây nghiện, nhất là với những người còn trẻ và chưa đủ bản lĩnh. 

Gần mực thì đen, cứ qua lại với kiểu người này, sớm muộn ta cũng bị họ dụ dỗ, rủ rê mà đi theo. Đức Phật thậm chí coi những người này là kẻ thù ngụy trang, khi họ đặt ham muốn thỏa mãn thú vui trên cả lợi ích của bạn bè.

Biết được 4 loại bạn nguy hại này, việc đầu tiên ta cần làm có lẽ là nên dừng giao du với họ (ít nhất là cho đến khi họ hoàn toàn thay đổi). Cũng đừng cố gắng thay đổi người khác, vì giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, nếu sự thay đổi không đến từ bên trong thì mọi nỗ lực bên ngoài đều là vô ích.

Nguồn: Einzelgänger 

Chia sẻ