Người thầy phía sau màn hình, dấu gạch nối giữa giáo dục truyền thống và hiện đại

A.D,
Chia sẻ

Từ ngàn xưa, người thầy luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong thành công của mỗi học sinh. Ngày nay, vai trò của người thầy lại càng tăng lên một bậc khi thầy không đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà còn phải dẫn dắt và khơi dậy tinh thần tự học, khám phá của mỗi học sinh.

Người thầy trong giáo dục hiện đại

Khi giáo dục đang dần chuyển mình và hướng đến những thay đổi tích cực hơn, người thầy cần trở thành gạch nối giữa giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại. Những điểm tốt của giáo dục truyền thống vẫn cần được phát huy. Tuy nhiên, thầy cô cũng phải làm quen với những thay đổi này.


Trong chương trình giáo dục truyền thống, người thầy đóng vai trò trung tâm của lớp học. Trong lớp, phương thức tương tác giữa thầy và trò chủ yếu là một chiều từ thầy đến trò. Mô hình này bộc lộ một số nhược điểm như trò thiếu tự tin, không dám nói lên ý kiến hay trò không có thời gian để tư duy giải quyết vấn đề mà thầy đã xử lý giùm học sinh luôn.


Còn nền giáo dục hiện đại lấy học sinh làm trung tâm của sự học, mọi thứ phải hướng đến người học. Người thầy sẽ không còn đóng vai trò chủ đạo nữa mà chính học sinh mới là những người chủ động trong lớp. Thầy cô sẽ trở thành những người hướng dẫn, truyền cảm hứng, giúp đỡ học sinh khi các em cần chứ không phải tự tay đưa cho các em đáp án.

Quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, thầy cô là người hướng dẫn đã được áp dụng vào trong hình thức học trực tuyến. Trong các lớp học trực tuyến, các thầy cô vừa truyền đạt kiến thức cho các em thông qua các video bài giảng được thiết kế công phu vừa cổ vũ hoc sinh đưa ra ý kiến, để thầy trò có sự trao đổi qua lại giúp các em hiểu bài chắc hơn. Khi các em có những thắc mắc cần được giải đáp, thầy cô sẽ hỗ trợ thông qua các kênh như diễn đàn, hội nhóm học tập, Facebook cá nhân…

Không chỉ vậy, các thầy cô còn rèn luyện cho các em biết cách tư duy. Khi học tập mà chỉ dừng lại ở việc nhớ được dạng bài mà không biết liên hệ, vận dụng, phân tích, kết nối thì sự học sẽ rất giới hạn. Luyện tư duy cho học sinh là một trong những mục tiêu mà các thầy cô dạy trực tuyến hướng tới.

Những người thầy truyền cảm hứng từ sau màn hình máy tính

Hiện nay, có rất nhiều thầy cô đã và đang nỗ lực thay đổi để làm tròn vai trò người truyền đạt kiến thức và thúc đẩy để học sinh trở thành trung tâm của lớp học.

Trong 15 năm đi dạy Toán, thầy Hồng Trí Quang (trường THPT Khoa học Giáo dục trực thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn luôn luôn tâm niệm: “Thầy làm - thầy trò cùng làm - trò tự làm - cuối cùng là trò tự tìm tòi, tự đọc sách, tự học”.

Thầy Nguyễn Phi Hùng (Hệ thống Giáo dục HOCMAI) thì cho rằng: “Học không chỉ để có một tương lai hạnh phúc, học chính là hạnh phúc.” Thầy Hùng được đánh giá là thầy giáo “quái chiêu” khi đưa vào đề Văn rất nhiều chất liệu từ cuộc sống như phát ngôn phân biệt vùng miền trên mạng xã hội, sự việc hôi bia ở Đồng Nai,...

Hai thầy không chỉ hướng dẫn các em học trên lớp mà còn dìu dắt rất nhiều thế hệ học sinh online trên trang Hocmai.vn. Hocmai.vn là một trong những website học tập trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay với hơn 3 triệu thành viên. Trong số 3 triệu thành viên đó có cả học sinh lẫn phụ huynh. Rất nhiều em học sinh đã rèn luyện được khả năng tự học và học chủ động cho mình. Các em không chỉ xem bài giảng online mà còn tự xây lộ trình học tập cho mình, tự lựa chọn khóa học phù hợp và kiểm soát được quá trình học tập thông qua những nhắc nhở, thông báo kết quả học tập định kỳ. Cũng có không ít phụ huynh đã thực sự bị thuyết phục bởi phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng của hai thầy và cho con theo học tại các lớp học trực tuyến.

Người thầy phía sau màn hình, dấu gạch nối giữa giáo dục truyền thống và hiện đại - Ảnh 1.

Lời kết

Có thể nói rằng khi mỗi thầy cô vừa tiếp thu những mặt tốt của giáo dục truyền thống vừa thay đổi cho phù hợp với nền giáo dục hiện đại, không chỉ thầy cô giảng dạy tốt hơn mà các em học sinh cũng sẽ được đào tạo tốt hơn. Thầy cô hãy thay đổi bản thân để mở đường những thay đổi trong giáo dục.

Chia sẻ