Người phụ nữ mất cả hai chân vì cục máu đông: Cảnh giác với những dấu hiệu đầu tiên của bệnh
Jo Spencer nói: "Ngay khi nhìn thấy bàn chân trái của mình, tôi đã phần nào nghĩ rằng mình sắp mất chiếc chân này rồi".
Người phụ nữ mất cả hai chân vì cục máu đông
Các cục máu đông có thể gây rắc rối cho cơ thể bạn khi chúng cắt đứt nguồn cung cấp máu trong tĩnh mạch và động mạch. Trường hợp của Jo Spencer, 55 tuổi, trưởng phòng Quan hệ Khách hàng của một công ty tài chính, đến từ Chester-le-Street, County Durham, đã cho thấy cục máu đông có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp như thế nào.
Trong khi các cơn đau tim và đột quỵ là một trong những hậu quả đáng sợ nhất của những cục máu đông thì Jo lại bị mất đi đôi chân của mình. Các bác sĩ phẫu thuật không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt bỏ chân của cô.
Mặc dù mắc bệnh tiểu đường từ năm 7 tuổi nhưng sức khỏe của Jo Spencer vẫn rất tốt. Đến tháng 5/2020, cô nhận thấy các ngón chân bên chân trái của mình chuyển sang màu xanh đen. "Ngay khi nhìn thấy bàn chân trái của mình, tôi đã phần nào nghĩ rằng mình sắp mất chiếc chân này rồi", Jo nói. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ chân trái, Jo bắt đầu thấy đau ở chân phải. Cuối cùng, bác sĩ đã gọi cho chồng của Jo và nói với anh ấy rằng họ cũng phải cắt bỏ cả chân phải.
Sự thay đổi màu sắc ở chân và cơn đau như Jo đã trải qua có thể là triệu chứng báo động đỏ của cục máu đông. NHS (Dịch vụ y tế quốc gia Anh) khuyên mọi người nên để ý vùng da có màu đỏ hoặc sẫm và bất kỳ vết sưng tấy nào ở khu vực này.
Các triệu chứng cục máu đông khác ở chân có thể bao gồm:
- Đau nhói hoặc chuột rút ở một chân (hiếm khi cả hai chân), thường ở bắp chân hoặc đùi.
- Sưng một chân (hiếm khi cả hai chân).
- Da quanh vùng đau có cảm giác nóng ấm.
- Da có màu đỏ hoặc sẫm màu xung quanh vùng bị đau.
- Các tĩnh mạch sưng cứng hoặc đau khi bạn chạm vào.
Thời tiết lạnh có thể thúc đẩy các cục máu đông có hại
Các cục máu đông đôi khi có thể xuất hiện với mục đích tốt là giúp cầm máu. Tuy nhiên, các cục máu đông giống như gel phát triển trong tĩnh mạch và động mạch của bạn mà không có lý do chính đáng có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tệ hơn nữa, nhiệt độ bên ngoài có thể góp phần dẫn tới quá trình này và làm tăng rủi ro cho bạn.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) giải thích, cho dù ở trời nóng nắng hay lạnh và băng giá, cơ thể bạn luôn phải cố gắng giữ cho nhiệt độ ổn định ở khoảng 37,5 độ C. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thời tiết lạnh giá có thể thúc đẩy các cục máu đông có hại xuất hiện.
UKHSA tuyên bố: "Khi chúng ta bắt đầu lạnh, máu trở nên đặc hơn, có thể gây ra hiện tượng đông máu. Đông máu có thể là một trong những lý do khiến chúng ta gặp cơn đau tim và đột quỵ cao hơn trong những ngày thời tiết lạnh hơn".
Theo NHS, cả hai bệnh này này đều có thể đe dọa đến tính mạng và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với Express.co.uk, Giáo sư Mark Whiteley, bác sĩ phẫu thuật tĩnh mạch hàng đầu và là người sáng lập The Whiteley Clinic, cũng cảnh báo rằng thời tiết lạnh có thể gây nguy hiểm cho độ nhớt của máu.
Giáo sư Whiteley cho biết: "Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, chẳng hạn như khi bước vào một tòa nhà ấm áp, có hệ thống sưởi trung tâm sau khi ở bên ngoài trời lạnh, có thể gây ra căng thẳng nhiệt cho cơ thể. Điều này có nghĩa là cơ thể phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ không đổi. Việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến độ nhớt của máu, khiến máu trở nên dính hơn và dễ đông hơn".
UKHSA và chuyên gia không phải là những người duy nhất nêu bật nguy cơ này, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí International Angiology của các nhà khoa học Trung Quốc cũng cảnh báo rằng nhiệt độ thấp hơn dường như "có liên quan đáng kể" với huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Nghiên cứu đã theo dõi các bệnh nhân nhập viện với DVT ở Thẩm Dương (Trung Quốc) trong khoảng thời gian 10 năm và phát hiện ra rằng nhiệt độ môi trường thấp có liên quan đến các biểu hiện của DVT.
Làm thế nào để phòng ngừa cục máu đông?
May mắn thay, các giám đốc y tế từ UKHSA đã chia sẻ rằng, hoạt động thể chất có thể bảo vệ bạn trước nguy cơ này. UKHSA viết: Việc vận động nhẹ nhàng cũng có thể hữu ích vì điều này giúp máu lưu thông khắp cơ thể và có thể ngăn ngừa đông máu.
Nếu bạn ngồi yên trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ thấy lạnh hơn. Nếu bạn không thể đi lại loanh quanh, hãy ngọ nguậy ngón chân và ngón tay của bạn. Những hành động này nghe có vẻ không có tác dụng vận động nhiều lắm nhưng ngay cả những biện pháp nhỏ như thế này cũng có thể giúp bạn giữ ấm và khỏe mạnh.
Theo Daily Express