Người phụ nữ mắc bệnh vảy nến nghe lời khuyên tắm tinh dầu dưỡng da, sau 3 tháng hậu quả khôn lường
Sau 3 tháng tắm tinh dầu dưỡng da theo lời khuyên của mọi người, bệnh vảy nến của cô Trần chuyển biến xấu.
Cô Trần (54 tuổi), sống tại Đài Loan, mắc bệnh vảy nến. Sau 3 tháng tắm tinh dầu dưỡng da theo lời khuyên của mọi người, bệnh tình của cô Trần chuyển biến xấu. Làn da ở vùng mông, đầu gối, eo lưng bị khô và tróc vảy nghiêm trọng.
BS. Lâm Lượng Hoằng, khoa Miễn dịch, bệnh viện Taichung Tzu Chi Hospital, cho biết tinh dầu có tác dụng dưỡng da, nhưng không phù hợp với bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Hơn nữa, khi người bệnh tự ý ngừng sử dụng thuốc sẽ khiến bệnh tình chuyển biến xấu.
BS Hoằng chia sẻ về trường hợp cô Trần có tiền sử mắc bệnh vảy nến và bệnh viêm khớp. Làn da của bệnh nhân thường tróc vảy, nổi mẩn đỏ, khớp ngón tay và khuỷu tay đều sưng. Trải qua điều trị tích cực, diện tích vùng da bị vảy nến không quá 50% và đã thu hẹp dưới 10%, làn da không còn tróc vảy và bệnh viêm khớp cũng ổn định. Bệnh tình cơ bản được kiểm soát tốt.
Sau khi tình trạng ổn định, cô Trần tự ý ngừng sử dụng thuốc và nghe theo lời khuyên của mọi người là tắm tinh dầu dưỡng da. Sau 3 tháng tắm tinh dầu, bệnh của cô Trần chuyển biến xấu. BS Hoằng ngán ngẩm cho biết, bệnh vảy nến là trường hợp hệ miễn dịch ở trạng thái bất thường, khi người bệnh sử dụng chất tẩy rửa mạnh hoặc thành phần hóa học như tinh dầu sẽ khiến hệ bài tiết dầu trên da mất cân bằng, khiến làn da nổi mẩn đỏ, tróc vảy và ngứa.
Khi người bệnh gãi ngứa sẽ khiến hệ miễn dịch không còn hoạt động bình thường. Bệnh về da liễu và bệnh viêm khớp sẽ chuyển biến xấu và trở nên nghiêm trọng. BS Hoằng cảnh báo, hiện nay điều trị bệnh vảy nến đạt hiệu quả trên 95%, người bệnh không được sử dụng chất tẩy rửa mạnh hay tự ý ngừng sử dụng thuốc, chỉ nên dùng nước sạch và xà phòng trung tính để bảo vệ làn da.
Vảy nến là bệnh gì?
Vảy nến là bệnh da mãn tính thường xuất hiện và sau đó tự hết. Những tế bào da tái tạo quá nhanh, tích tụ và tạo thành những vảy óng ánh như bạc trên bề mặt da. Bệnh có thể nhẹ, nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng.
Cơn bùng phát bệnh thường xảy ra do những vết thương nhỏ, khi bạn bị stress, nhiễm trùng, tiếp xúc với khí hậu lạnh và khô, bạn bị béo phì hoặc mắc phải những bệnh tự miễn khác. Đôi khi, vảy nến có thể xuất hiện mà không có lí do rõ ràng.
Những triệu chứng & dấu hiệu bệnh vảy nến là gì?
- Vẩy óng ánh bạc trắng hơi nhô lên bề mặt da với rìa đỏ hay hồng.
- Có thể xuất hiện những vết nứt đau.
- Da khô, nứt, có thể chảy máu.
- Ngứa, đỏ da và lở loét da.
- Sưng và cứng khớp.
- Vảy nến da đầu, ở mặt, ở cùi chỏ, bàn tay, đầu gối, bàn chân, ngực, phần lưng dưới, và những nếp gấp giữa bụng là những nơi người bệnh thường thấy bệnh xuất hiện. Móng tay và móng chân là những nơi thường bị tổn thương. Ngoài ra còn xuất hiện viêm da cơ địa bạn cần có biện pháp phòng ngừa.
- 25% người bệnh có triệu chứng viêm khớp nặng hơn khi bệnh vẩy nến trở nên nghiêm trọng.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc vảy nến?
- Có tổn thương trên da như vết cắt, trầy, vết cắn của côn trùng hoặc bị cháy nắng.
- Uống quá nhiều rượu.
- Hút thuốc.
- Căng thẳng, stress.
- Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là ở phụ nữ (ví dụ như trong tuổi dậy thì và mãn kinh).
- Uống một số loại thuốc như lithium, một số loại thuốc chống sốt rét, thuốc chống viêm bao gồm ibuprofen, thuốc ức chế men chuyển (được sử dụng để điều trị cao huyết áp) và thuốc chẹn beta (được sử dụng để điều trị suy tim sung huyết).
- Viêm họng.
Rối loạn miễn dịch khác, chẳng hạn như HIV, làm cho bệnh vảy nến dễ bùng lên hoặc khởi phát.
Theo Ettoday