Người phát tán danh tính khiến nam sinh bị vạ lây trong vụ cô giáo ở nhà nghỉ với học sinh lớp 10 có thể bị xử phạt thế nào?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Theo luật sư Cường, mọi hành vi sai trái trên mạng xã hội có thể gây hại cho người khác và đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Mấy ngày nay, câu chuyện cô giáo một trường THPT ở Bình Thuận vào nhà nghỉ với một nam học sinh 16 tuổi đã lan truyền chóng mặt trên khắp mặt báo và các trang mạng xã hội.

Điều đáng nói là khi mọi việc còn chưa sáng tỏ, không biết vì lý do gì, hình ảnh em Trần Công Mẫn học sinh lớp 10A3 của trường THPT Nguyễn Huệ ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) lại bị dân mạng lùng sục và quy kết em chính là cậu học sinh 16 tuổi ấy. Hậu quả khiến cuộc sống của em và cả gia đình em đã bị đảo lộn.

Được biết, học sinh có liên quan đến vụ việc này có tên Nguyễn Tuấn A.. chứ không phải em Trần Công Mẫn (lớp trưởng 10A3, trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, cư dân mạng đã vào Facebook cô H., thấy hình ảnh một học sinh chụp hình chung với cô này họ đã lấy hình ảnh đó đi bêu rếu trên nhiều trang mạng xã hội. 

Người phát tán danh tính khiến nam sinh bị vạ lây trong vụ cô giáo ở nhà nghỉ với học sinh lớp 10 có thể bị xử phạt thế nào? - Ảnh 1.

Chiều 10/3, khi PV đến thăm nhà em Trần Công Mẫn, em Mẫn chỉ nằm trong phòng và không chịu ăn uống. (Ảnh: Duy Quan).

Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của học sinh này.

Người phát tán danh tính khiến nam sinh bị vạ lây trong vụ cô giáo ở nhà nghỉ với học sinh lớp 10 có thể bị xử phạt thế nào? - Ảnh 2.

Còn cô giáo H. bị đình chỉ công tác giảng dạy, chờ kết luận từ cơ quan chức năng

Liên quan đến sự việc, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định: "Thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay nên các thông tin rất đa dạng, phong phú, cập nhật liên tục, nhất là các thông tin trên mạng xã hội. Bởi vậy người dân cần thận trọng bởi tính xác thực của các thông tin. 

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về trách nhiệm của công dân khi đưa tin trên mạng xã hội. Không phải mọi thông tin đều có thể được đăng tải tự do trên mạng xã hội. Tự do thông tin, tự do tiếp cận thông tin của chủ thể này bị giới hạn bởi quyền lợi hợp pháp của chủ thể khác. Bởi vậy nếu người nào đưa tin có tính chất bịa đặt, vụ khống nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì sẽ bị xử lý trước pháp luật".

Người phát tán danh tính khiến nam sinh bị vạ lây trong vụ cô giáo ở nhà nghỉ với học sinh lớp 10 có thể bị xử phạt thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

Luật sư Cường cho biết, Điều 9 của Luật an ninh mạng cũng quy định xử lý vi phạm về an ninh mạng. Theo đó, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật an ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, những thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác hoặc tung tin sai sự thật trên mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng Internet nhằm gây mất an ninh trật tự, gây hoang mang trong quần chúng hoặc xúi giục người khác hành hạ bản thân hoặc vi phạm pháp luật... thì đó là những hành vi vi phạm luật An ninh mạng. 

Nếu chưa gây ra hậu quả xấu cho xã hội, hành vi chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến diện.

Người phát tán danh tính khiến nam sinh bị vạ lây trong vụ cô giáo ở nhà nghỉ với học sinh lớp 10 có thể bị xử phạt thế nào? - Ảnh 4.

Nam sinh bị vạ lây trong sự việc này đã rất suy sụp trong những ngày vừa qua. Ảnh: Duy Quan

Theo đó, luật sư Cường cho rằng, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm g khoản 3 Điều 66).

Ngoài việc bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội một cách nghiêm trọng có thể bị xử lý về hình sự về các tội Vu khống, Làm nhục người khác hoặc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.

Bởi vậy, trong vụ việc này nếu gia đình cậu bé kia tố cáo, cơ quan công an vào cuộc xác minh, phát hiện có đối tượng biết rõ là thông tin sai sự thật nhưng vẫn loan tin, bịa chuyện nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì cũng có thể bị xử lý về tội Vu khống theo quy định của BLHS hiện hành.

Chia sẻ