Người nhà giấu nhẹm việc dùng thuốc "nhà tôi 3 đời", bác sĩ loay hoay mãi không cứu được bệnh nhân
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết anh từng cấp cứu 1 bệnh nhân tiểu đường nhiều năm, gút nặng theo dùng thuốc "nhà tôi 3 đời". Do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.
Bệnh nhân này có tiền sử mắc bệnh tiểu đường kèm theo gút. Đang được dùng insulin hàng ngày theo phác đồ, bệnh nhân nghe lời quảng cáo, bỏ điều trị chạy sang ông lang "nhà tôi 3 đời" điều trị tiểu đường. Hậu quả khiến bệnh nhân bị tăng thẩm thấu, toan ceton.
Cả nhà giấu biệt thông tin bệnh nhân bỏ điều trị, khăng khăng "dùng thuốc đều lắm". Các chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai loay hoay chỉnh thuốc mãi không đáp ứng trong khi bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu, suy thận giống ngộ độc kim loại nặng.
Phải đến khi bác sĩ "thủ thỉ", "doạ dẫm" đủ kiểu, người nhà mới đưa ra mấy gói thuốc. Đem chụp X-Quang gói thuốc có hình ảnh cản quang của kim loại nặng đúng như triệu chứng nhiễm phải. Bệnh nhân sau đó tử vong.
Trước đó không lâu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận.
Hình ảnh chụp lên có chì trong thuốc.
Được biết, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm. Tuy nhiên, người này không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống. Loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng có 1 gói là thuốc paracetamol, 1 gói là phenformin điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu nhưng vẫn bị dùng để "đội lốt", mạo danh thuốc Đông y, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để bán ra thị trường.
Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương và cho rằng thuốc Nam, thuốc lá lành tính, không bổ ngang thì cũng bổ dọc, nhiều người đã bất chấp mua về uống. Không những thế, dư luận thường gắn mác và đồn thổi về những "thần y", "thần dược" khiến người dân dễ dàng tin theo, phó thác sức khoẻ và tính mạng cho những "lang băm".