Người mắc bệnh xương khớp thường khổ sở khi trời lạnh: Hãy nghe chuyên gia chỉ cách chăm sóc cơ thể để giảm đau
Người mắc các bệnh về xương khớp chịu ảnh hưởng nhiều khi thời tiết giá lạnh. Vào mùa đông người bị khớp sẽ có cảm giác đau nhức mỏi hơn bình thường, nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể để lại một số biến chứng.
Bệnh xương khớp thường rất nặng vào mùa đông
PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Trưởng khoa Ngoại TKCS và CTCH (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, bệnh xương khớp rất thường gặp, nhiều nhất phải kể đến viêm khớp dạng thấp và chịu ảnh hưởng nhiều khi thời tiết giá lạnh. Vào mùa đông, người bị bệnh khớp có cảm giác đau nhức mỏi hơn bình thường, nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể để lại một số biến chứng.
Theo PGS.TS Trần Trung Dũng, vào mùa đông, thời tiết giá rét, trong đó có những ngày mưa phùn gió bấc, không khí ẩm ướt làm cho tình trạng đau khớp bùng phát dữ dội. Nguyên nhân là do các mạch máu ngoại vi co lại làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.
Thời tiết lạnh nhiệt độ xuống thấp, các khớp đau thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, cả hai bên. Buổi sáng, khi mới ngủ dậy, người bệnh thấy có cảm giác cứng tại khớp, khó vận động. Dấu hiệu này rõ nhất ở các khớp cổ tay và bàn tay, khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay... một hoặc vài tiếng, mới giảm bớt cảm giác cứng khớp.
Theo thống kê, bệnh khớp chủ yếu gặp ở nữ giới, tuổi trung niên. Khi khớp bị viêm kéo dài với các đợt cấp tính, bệnh nhân thường sưng đau nhiều khớp, sốt, có thể có các biểu hiện ở các cơ quan khác.
Ngoài ra, bệnh thường gặp ở các nhân viên văn phòng, làm việc nhiều trên máy tính... với biểu hiện đau vai gáy, đau thắt lưng, viêm các điểm bám tận của các gân vào đầu xương trong chứng bệnh đau cân cơ (fibromyalgia). Nguyên nhân là do trời lạnh, các cơ thường co lại để sinh nhiệt (rét run), tư thế "so vai, rụt cổ" do các cơ vùng gáy co lại để hạn chế tối đa trao đổi nhiệt với môi trường lạnh xung quanh.
Các tư thế này phải duy trì trong thời gian dài làm cho các cơ cạnh cột sống bị giữ ở một tư thế lâu, gây mệt và mỏi cơ. Có thể đau một hay hai bên bả vai, hạn chế các động tác của cột sống như cúi, ưỡn, nghiêng... Các triệu chứng hay đi kèm là trạng thái mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ...
Khi tiếp xúc với thời tiết lạnh, đầu ngón tay, ngón chân bị trắng bệch, tê buốt do thiếu máu đầu chi, sau đó chúng trở nên tím ngắt, căng tức. Đây chính là biểu hiện của co thắt các mạch máu đầu chi trong hội chứng Raynaud, đây là một biểu hiện hay gặp trong bệnh xơ cứng bì toàn thể. Xơ cứng bì là một bệnh hệ thống, do bất thường về hệ thống miễn dịch, có biểu hiện ở tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó thường thấy như da dày lên, mờ hoặc mất các nếp nhăn trên mặt, khó há miệng, lắng đọng canxi ở tổ chức dưới da, giảm tiết dịch các tuyến ngoại tiết như tuyến nước bọt, tuyến nước mắt, dịch tiêu hoá, xơ hoá phổi, tràn dịch màng ngoài tim, màng phổi...
Chăm sóc khớp vào mùa lạnh đúng cách để giảm đau nhức
PGS.TS Trần Trung Dũng cho biết, việc chăm sóc khớp vào mùa lạnh đúng cách có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ các khớp và sức khỏe toàn thân. Những biện pháp sau đây giúp người khỏe mạnh và bệnh nhân viêm khớp bảo vệ xương khớp hiệu quả trong mùa lạnh.
Trước hết cần ăn uống theo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, gồm 4 nhóm chất: Đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Đạm nên ăn là thịt nạc như thịt lợn, bò, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá, tôm, cua, trứng, sữa. Chất đường nên ăn là gạo, ngô khoai, sắn, các loại đậu, trong đó, gạo không nên xay xát quá trắng sẽ làm mất hết các chất bổ. Chất béo tốt cho sức khỏe là chất béo trong cá và hải sản, các loại dầu thực vật dùng để chiên xào thức ăn. Chất béo trong hải sản còn giàu omega-3, omega-6 rất tốt cho xương khớp và tim mạch. Vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau củ quả, trái cây chín. Trong đó, cần chú ý tăng cường các vi chất cần thiết như canxi, vitamin C, D, cá, các loại hạt, rau lá xanh, ăn nhiều trái cây, uống sữa…
Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà, đồ ăn quá chua, quá mặn, tránh ăn nhiều mỡ động vật…
Ngoài ra, người bệnh cần chú ý duy trì cân nặng hợp lý để tránh thừa cân béo phì gây áp lực lớn lên các khớp, giữ ấm trong mùa lạnh, ra ngoài đường cần mặc đủ quần áo ấm, khăn mũ để tránh nhiễm lạnh khiến các khớp thêm đau nhức.