Người đàn bà nghèo nhặt 180 nghìn xác thai nhi về chôn cất trên ruộng nhà mình sau cuộc gặp ám ảnh trong bệnh viện
Chúng tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Nhiệm (thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) sau gần chục năm. Người đàn bà ấy không già đi đáng kể. Từ những ngày đầu tiên đi làm việc "bao đồng" đến nay, hiện tại bà Nhiệm đã mang về trên 180 nghìn xác thai nhi chôn cất trên ruộng nhà mình.
Dùng chính ruộng nhà mình để chôn thai nhi
Từ năm 2007, bà Nguyễn Thị Nhiệm được nhiều người nhắc đến do "sở hữu" nghĩa trang hàng vạn thai nhi chôn cất ngay trong khu vực ruộng nhà mình đem hiến cho xã hội.
Người đàn bà nghèo thu lượm hàng vạn thai nhi đem về chôn cất, chia sẻ hành trình gian khổ
Mới đây, chúng tôi gặp lại bà Nhiệm. Bà cho biết đã không còn lạc lõng với công việc thu lượm xác thai nhi như trước. Bởi, đồng hành với bà bây giờ có rất nhiều thiện nguyện viên, không phân biệt tầng lớp.
"Số lượng bây giờ khoảng 180 nghìn, không phân biệt các bé được nhặt bởi các nhóm thiện nguyện. Bây giờ, những nhóm không theo Đạo, họ cũng liên hệ mang về đây chôn cất. Cứ mỗi 2 tuần một lần, các nhóm theo Đạo tổ chức chôn cất, rồi lại đến nhóm thiện nguyện không theo Đạo tổ chức ở đây. Không phân biệt tôn giáo, tại nghĩa trang này có cả các linh mục, có cả các nhà chùa đến làm công việc tâm linh cho các bé", bà Nhiệm phấn khởi.
Kệ mọi lời đàm tiếu
Nhắc lại câu chuyện của những ngày khởi đầu mang xác thai nhi về ruộng nhà mình chôn cất, dân làng không một ai ủng hộ. Thậm chí, nhiều người còn mắng mỏ, có người đặt cho bà Nhiệm những nghi ngờ đầy ác ý, cho rằngchỉ có người thần kinh mới làm công việc này.
"Mới đầu người dân ở đây chưa hiểu về bảo vệ sự sống, có người sợ ô nhiễm môi trường, có người hoang mang. Lúc đó, tôi chôn các em ở nghĩa trang tại một góc giáp với ruộng nhà mình, rồi mở rộng như hiện tại là 6 sào rồi", người đàn bà nghèo này cho hay.
Tại sao bà Nhiệm lại đi nhặt xác thai nhi như kẻ tâm thần lang thang trên mọi ngõ ngách như vậy? Vì mới lên 10 tuổi bà đã ý thức được mình là người theo đạo, được học giáo lý nên hiểu về sự sống là quà tặng vô giá mà trời ban cho.
Người phụ nữ này luôn tâm niệm phải "bảo vệ sự sống" nên thường xuyên hỗ trợ cho một số nhóm thiện nguyện chuyên đi nhặt xác thai nhi về chôn cất.
Vào năm 1987, trong lúc đang chăm sóc người thân chờ sinh con ở một bệnh viện đa khoa huyện, bà Nhiệm tình cờ gặp nam thanh niên đưa vợ đi "phá thai" khoảng 6 tháng tuổi.
Hiểu được tâm trạng người cha sẽ phải đau khổ đến mức độ nào, bà Nhiệm đến gần trò chuyện như những người cùng đi chăm bệnh nhân.
"Gặp các cặp vợ chồng đi sinh con thì mừng rỡ, hy vọng, nhưng gặp gia đình này thì tôi lạnh toát. Đến gần hỏi thăm, thanh niên đó tâm sự rằng, vợ chồng cháu đi nước ngoài để lao động nên không thể đẻ vào lúc này.
Tôi khuyên bảo, cháu ơi còn con thì còn của, cứ giữ lại đi. Ở ngoài mình khuyên, nhưng theo dõi bên trong thì cô vợ đã lên bàn để các bác sĩ làm thủ thuật. Sau đó, chính cô vợ này được ngước nhìn con 1 một lần, rồi bác sĩ cuốn vào chiếc khăn vải. Lúc đó, cũng không có chỗ đưa thai nhi đi. Cuối cùng thì họ đưa ra chôn vào một góc tường của bệnh viện. Đến tận bây giờ cứ mỗi lần tôi đi qua chỗ đó vẫn thấy ám ảnh".
Bà Nhiệm cho biết, sau lần ám ảnh đó, trong tâm trí của bà luôn thôi thúc phải tìm chỗ an nghỉ cho các sinh linh vô tội.
Ban đầu, bà Nhiệm gặp khó khăn vì rất khó tiếp cận với các bệnh viện, phòng khám tư có dịch vụ nạo phá thai, do họ chưa hiểu gì về "Bảo vệ sự sống" nên kịch liệt từ chối.
Nhưng qua một thời gian, chính những bác sĩ, y tá hoặc một số người mẹ không may lỡ chối bỏ con đã liên hệ nhờ bà Nhiệm đem đi chôn cất. Ban đầu, chỉ có một mình bà Nhiệm lặn lội đi khắp mọi nơi để thu gom thai nhi bị bỏ rơi, rồi sau đó bà có thêm đứa con gái cùng chung chí hướng với mẹ nên đồng hành.
Nghĩa trang Đồi Cốc trở thành điểm dừng chân cuối cùng cho những đứa trẻ chưa một ngày được biết đến yêu thương. Hiện tại con số ở đây đã là 180 nghìn thai nhi được chôn cất, tất cả đều được thống kê lại trong một cuốn sổ nhật ký mỗi ngày.
Thêm những hình ảnh về công việc của người đàn bà nghèo đầy lòng nhân ái