Ngửi thấy mùi gas trong nhà, đừng bỏ chạy, hãy làm ngay những bước sau

Newben,
Chia sẻ

Nắm vững những thao tác này để tránh tai nạn đáng tiếc khi khí gas bị rò rỉ nhé.

Dù hiện nay đã có khá nhiều lựa chọn như bếp từ, bếp hồng ngoại, bếp gas vẫn là thứ quen thuộc trong hầu hết hộ gia đình. Tuy mang đến lợi ích trong việc nấu ăn nhưng đây cũng được xem là quả bom nổ chậm trong nhà. Có rất nhiều trường hợp bị bỏng liên quan đến việc sử dụng bếp gas nhưng các bà nội trợ - những người sử dụng vật dụng này nhiều nhất - lại không biết cách xử trí khi phát hiện khí gas bị rò rỉ.

Nếu bạn ngửi thấy mùi gas đâu đó trong nhà, có thể đường ống nhà bạn đã bị rò rỉ, van khóa bị hư hay ống gas nối sai khớp. Ngay khi phát hiện, lập tức khóa van bình gas, mở cửa sổ để thông gió, tuyệt đối không được bật/tắt đèn, không được nổ máy xe hay dùng điện thoại dù là di động hay cố định, bởi những hành động này đều có thể tạo ra tia lửa, gây cháy nổ. 

Ro ri khi gas 1
Nếu bạn ngửi thấy mùi gas đâu đó trong nhà, có thể đường ống nhà bạn đã bị rò rỉ, van khóa bị hư hay ống gas nối sai khớp. (Ảnh: Internet)

Cần nói thêm rằng, gas nặng hơn không khí (khoảng 2,07 lần), khi rò rỉ, gas thường nằm bên dưới, luẩn quẩn quanh bình gas (do khả năng khuếch tán trong không khí kém). Thêm vào đó, bản thân khí gas rò rỉ không gây cháy nổ, mà nguyên nhân cháy nổ là do khí gas kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp cháy. Chỉ cần ở một nhiệt độ cao thích hợp hay tia lửa phát ra (từ những việc làm trên) thì nguy cơ cháy nổ xảy ra là rất cao.

Theo Frank Lesh - Giám đốc điều hành của American Society of Home Inspectors - sau khi làm những thao tác trên, hãy lập tức gọi điện thoại cho nhà cung cấp gas, rời khỏi nhà và chờ đến khi thợ sửa chữa xuất hiện, giải quyết mọi chuyện ổn thỏa. Lưu ý rằng không được sử dụng điện thoại trong nhà (di động và cố định) để gọi khi đường ống gas bị rò rỉ. Hãy ra khỏi nhà, dùng điện thoại di động hoặc mượn điện thoại của hàng xóm để gọi đến thợ sửa chữa.

Ngoài ra, để an toàn cho cả gia đình, cần phải lưu ý những điểm sau khi sử dụng bình gas:

- Không sử dụng bình gas mini đã cũ vì độ an toàn không cao. Đối với bình gas mini mới, trước khi mua cần phải xem kĩ hạn sử dụng, nhà sản xuất, đã được kiểm định hay chưa...

- Đối với bình gas lớn cũng tương tự, nên chọn hãng có tên tuổi, đại lí uy tín, tránh trường hợp mua phải bình gas của những cơ sở sang chiết lậu. Bình phải còn nguyên vẹn, không móp, không bị rỉ sét, nước sơn còn mới.

- Khi thay bình gas, tuyệt đối không dùng những thiết bị có thể phát sinh tia lửa điện ở gần khu vực đặt bình, như nổ máy xe, dùng điện thoại, diêm/bật lửa... Sau khi thay, yêu cầu người thợ phải thử độ kín van gas bằng xà phòng. Việc kiểm tra này cũng cần được gia đình tự thực hiện thường xuyên, bằng cách dùng bọt xà phòng giặt quần áo hay rửa chén bát phủ kín toàn bộ van gas. Nếu có hiện tượng sủi bọt bong bóng, van gas/dây gas đã bị rò rỉ. Phải thử cả trường hợp van đóng và mở.

- Nơi để bình gas phải thoáng, hở để có thể ngửi được khi khí gas rò rỉ. Đồng thời, dưới tủ bếp nơi để bình gas cũng phải thông thoáng. Không được xịt thuốc diệt côn trùng dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy.

- Thay hệ thống ống dẫn gas, van định kì, theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Khi dùng, lúc mở chỉ cần vặn 1 đến 2 vòng, không nên vặn quá nhiều. Khi không sử dụng, không chỉ tắt bếp mà còn phải khóa van bình gas ngay, tránh trường hợp quên, dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Ro ri khi gas 2
Khi không sử dụng, không chỉ tắt bếp mà còn phải khóa van bình gas ngay, tránh trường hợp quên, dẫn đến tai nạn đáng tiếc. (Ảnh: Internet)


Bạn có thể xem video sau để rõ hơn về cách xử trí khi bình gas bị rò rỉ, bốc cháy.

(Nguồn: Internet)

(Nguồn: Tổng hợp)
Chia sẻ