Ngựa sinh đôi, hiện tượng vô cùng hiếm gặp
Trong thế giới loài ngựa, việc sinh đôi là rất hiếm. Thậm chí còn hiếm hơn khi thấy một con ngựa kéo sinh ra những cặp song sinh khỏe mạnh.
Bất chấp sự khác biệt, mới đây, một con ngựa cái Bỉ đen đã sinh ra hai chú ngựa con đen đáng yêu. Cặp song sinh nhỏ bé, tên là Lisa và Fien đã chào đời khỏe mạnh và hạnh phúc.
Trong đoạn video được đăng tải, có thể thấy Fien và Lisa đang vui vẻ chơi đùa bên cạnh mẹ khi mới 4 ngày tuổi. Chúng tràn đầy sức sống và niềm vui khi nô đùa trên đồng cỏ với mẹ của mình.
Ngựa kéo Bỉ là một trong những giống ngựa kéo phổ biến nhất trên thế giới, chúng có cơ thể to lớn, mạnh mẽ và tính khí hòa nhã, chính điều này đã khién chúng trở thành những con ngựa tuyệt vời để làm việc cùng.
Giống ngựa Bỉ này cao khoảng 16,2-17 sải tay và nặng gần 1 tấn. Chúng là một trong những giống ngựa lớn nhất trên thế giới. Con ngựa to lớn nhất trên thế giới cũng là một con ngựa kéo Bỉ tên là Big Jake, cao hơn 20 sải tay và nặng 1.134 kg.
Trên thực tế, ngựa kéo Bỉ là một giống ngựa phổ biến cho các công việc khai thác gỗ, cày và kéo ở Châu Âu, Mỹ. Ngựa kéo Bỉ được nuôi chính thức ở Bỉ vào thế kỷ 17. Sau đó, loài ngựa này đã đến Mỹ vào cuối những năm 1800. Giống ngựa này cũng theo đó mà nhanh chóng trở thành một lựa chọn phổ biến của nông dân.
Tuy nhiên đây không phải là trường hợp sinh đôi duy nhất được ghi nhận ở loài ngựa. Trước đó, một con ngựa có tên Destiny của GFS Sporthorses đã sinh đôi tới tận hai lần. Sau khi sinh cặp song sinh đầu tiên vào năm 2018, GFS Shockwave và GFS Aftershock, Destiny đã gây chấn động thế giới vào tháng 2 năm nay khi sinh cặp song sinh thứ hai, Pesky và Peakaboo.
Đối với loài ngựa, tỷ lệ sinh đôi lần đầu chỉ có khoảng 1/10.000, tuy nhiên tỷ lệ sinh ra cặp song sinh thứ hai là 1/1.000.000, do đó có thể nói trường hợp này là độc nhất vô nhị trên hành tinh của chúng ta.
Trong hầu hết các trường hợp, các cặp song sinh ở loài ngựa có tỷ lệ sống rất thấp, thường là chúng chết ngay từ khi trong bụng hoặc chết do suy hô hấp vì con mẹ sinh khó. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, khi người chăn nuôi biết con ngựa của mình đang mang thai đôi, phôi thai sẽ bị phá bỏ, vì có nhiều nguy cơ ngựa con và mẹ chết trong khi sinh hoặc ngay sau đó.
Cặp sinh đôi đầu tiên của Destiny là những chú ngựa con giống hệt nhau cả về kích thước lẫn dạng màu và cặp thứ hai thì lại có đôi chút khác biệt với một con to và một con nhỏ. Trên thực tế, trong suốt quá trình mang thai, Destiny không hề có dấu hiệu nào cho thấy nó đang mang song thai, điều này khiến chủ nhân của nó không hề can thiệp và cũng cảm thấy vô cùng bất ngờ khi nó sinh đôi lần thứ hai.
Ngựa có cách đây khoảng 50 - 60 triệu năm. Tổ tiên xa của ngựa là giống Eohippus ở thời Eoxen, kỷ Đệ Tam, cỡ lớn bằng con cáo, cao 35,5cm, nặng 5,4kg; chân trước 4 ngón, chân sau 3 ngón, có móng nhỏ. Chúng sống ở rừng Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Á; ăn lá cây.
Cùng với thời gian, ngựa đã tiến hóa qua nhiều dạng trung gian theo hướng chạy nhanh trên nền đất cứng để dễ lẩn tránh thú ăn thịt; số ngón chân giảm dần, đầu ngón phủ guốc (bao sừng rắn chắc), chân cao hơn, cơ thể lớn dần và chuyển sang ăn cỏ.
Cách đây 2 triệu năm, ngựa cao khoảng 40cm; ở thời Oligoxen, giống Mesohippus cao khoảng 60cm, mỗi chân còn 3 ngón; đến thời Plioxen, giống Pliohypus chỉ còn một ngón, đó là tổ tiên trực tiếp của loài ngựa.
Các loài ngựa hiện đại phổ biến ngày nay thường nặng từ 200-250kg. Ngựa hoang còn sống ở Trung Á từng là tổ tiên của nhiều nòi ngựa nuôi. Ngựa được nuôi cách đây khoảng 4.000 - 5.000 năm, con người với nhiều mục đích đã tạo ra nhiều nòi giá trị khác nhau. Ví dụ nòi ngựa Vlađimia ở Liên Xô cũ kéo được 14 tấn hàng, gấp 20 lần trọng lượng cơ thể. Nhiều hình vẽ trên vách đá của người tiền sử, nhiều tượng ngựa được đẽo gọt công phu trong các kho tàng văn hóa, chứng tỏ con người đã biết sử dụng và yêu quý ngựa từ lâu. Ngựa đã trở thành người bạn, người giúp việc trung thành của con người.
Ở nhiều nơi, ngựa là hiện thân của năng lực, may mắn, hạnh phúc, quyền thế. Tại Tây Âu, Nam Á, mơ thấy ngựa hoặc ra đường gặp ngựa là điềm may. Bộ tộc Bouriate có tập tục buộc ngựa của người mắc bệnh vào gần chỗ bệnh nhân nằm để chóng khỏi. Người La Mã thường cúng thần Mars một con ngựa trước cuộc xuất binh hoặc mùa thu hoạch để hy vọng thắng lợi. Người theo đạo Hindu cho rằng ngựa gần với các vị thần. Ở Aiien, trong ngày lễ thánh Jean, người nông dân hân hoan rước và chào đón một chú ngựa to làm bằng gỗ, mà theo họ là biểu tượng cho tất cả gia súc. Ngựa là linh vật liên quan mật thiết với nước. Người Nam Âu quan niệm con ngựa nào đi qua vùng hạn hán mà đột nhiên dừng lại, đập mạnh ngón chân xuống đất thì trời sắp mưa hoặc có mạch nước ngầm gần đó.
Nguồn: Horseyhooves