Ngoài Covid-19, những căn bệnh này cũng có thể bùng phát, lây lan mạnh trong dịp nghỉ lễ: Đọc để biết cách phòng tránh đúng nhất
Ngoài Covid-19 thì tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, tay chân miệng cũng là những bệnh dễ mắc dịp nghỉ lễ mà các gia đình cần chủ động phòng tránh.
Những ngày vừa qua, số ca mắc COVID-19 trên cả thế giới tăng lên đáng kể. Đặc biệt, Ấn Độ đang là quốc gia đang phải đối mặt với đợt dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng. Chỉ tính riêng ngày 26/4, Ấn Độ đã ghi nhận trên 350.000 ca mắc mới và hơn 2.900 ca tử vong vì COVID-19. Nguyên nhân chính khiến tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ gia tăng đột ngột là do không phòng dịch, không giãn cách trong mùa lễ hội.
Trường hợp của Ấn Độ chính là bài học lớn cho nước ta khi nước ta đang trải qua kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày.
Đây được dự báo là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển nhiều giữa các địa phương, nên nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Một điểm đáng lo ngại là thời gian qua, rất nhiều người nhập cảnh trái phép bằng đường biển, đường bộ. Nếu không kiểm soát tốt thì bất cứ lúc nào cũng có thể phát sinh ca nhiễm với biến chủng lây lan nhanh...
Để phòng chống dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế kêu gọi người dân hạn chế đến nơi công cộng, tập trung đông người, nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế.
Tuy nhiên ngoài COVID-19, người dân cũng nên chủ động phòng tránh những căn bệnh có thể bùng phát trong mùa dịch dưới đây.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học như kim loại nặng, độc tố vi nấm...
Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao vì thế số thực phẩm không bán hết, không ăn hết dễ bị ôi thiu, sinh giòi, vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Phòng tránh:
- Không dự trữ quá nhiều thực phẩm tươi sống, tốt nhất ăn lúc nào mua lúc ấy.
- Thực phẩm sau khi mua về cần được sơ chế, phân chia thành các đơn vị nhỏ trước khi cất trữ trong tủ lạnh.
- Thức ăn thừa cần được đựng trong những hộp có nắp kín.
- Nếu phát hiện đã ôi thiu hoặc có mùi vị bất thường thì tuyệt đối không sử dụng.
- Cẩn trọng với những hàng quán vỉa hè. Khi đi ăn bên ngoài cần chú ý tìm nơi uy tín để ăn, tránh ăn phải thực phẩm bẩn, kém chất lượng.
- Đối với các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc... chỉ nên chọn loại còn tươi sống. Nếu đã chết thì tuyệt đối không ăn.
- Tuân thủ ăn chín uống sôi. Sơ chế riêng đồ sống, đồ chín kẻo gây nhiễm khuẩn chéo.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây do một nhóm virus đường ruột gây nên, có thể gây biến chứng co giật, suy hô hấp, phù phổi...
Dịch tay chân miệng ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện vào mùa hè và cuối năm. Đặc biệt, rất dễ lây lan trong môi trường đông người vì vậy dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 rất cần thận trọng.
Phòng tránh:
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân tay chân miệng.
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ như tổn thương da, niêm mạc dưới dạng nốt phỏng nước trên da và loét niêm mạc miệng... phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý.
Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, rối loạn điện giải… nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân của bệnh là do vi rút hoặc vi khuẩn như E. Coli, phẩy khuẩn Tả gây ra.
Tiêu chảy là căn bệnh lây qua đường tiêu hóa thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, đặc biệt có thể lây lan thành dịch lớn trong khu vực dân cư đông vì vậy trong dịp nghỉ lễ dài ngày, các gia đình có kế hoạch đi du lịch hoặc tụ tập bạn bè cần lưu ý.
Phòng tránh:
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
- Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Đại tiện vệ sinh, sạch sẽ.
- Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.